Từng dẫn đầu xuất khẩu cà phê, PETEC giờ đối mặt với sụt giảm doanh thu, cạn dòng tiền và mô hình kinh doanh lạc hậu. Từ đỉnh cao quá khứ đến “vùng tối” UpCOM, doanh nghiệp đang mất gì và còn lại gì để cứu?
Từng là một cái tên không xa lạ trong ngành xuất khẩu cà phê, Công ty cổ phần Cà phê PETEC (MCK: PCF) đang dần để lộ rõ những dấu hiệu suy yếu khi kết quả kinh doanh quý I/2025, trong bối cảnh kinh doanh cà phê gặp nhiều biến động.
Doanh thu 'bốc hơi', lợi nhuận suy giảm
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025 của Công ty cổ phần Cà phê PETEC tiếp tục cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa. Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt 614,6 triệu đồng, sụt giảm mạnh tới hơn 93% so với cùng kỳ năm trước (10,05 tỷ đồng). Giá vốn hàng bán cũng giảm còn 76,1 triệu đồng.
Chi phí tài chính trong quý I/2025 tiếp tục là một gánh nặng, ghi nhận lỗ 35 triệu đồng (cùng kỳ 2024 còn lãi 21 triệu đồng); Chi phí bán hàng giảm 90% xuống còn 34 triệu đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 12% lên 664 triệu.
Cà phê PETEC ghi nhận thu nhập khác khá cao, lên tới 137,9 triệu đồng, giúp tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 14,1 triệu đồng. Toàn bộ lợi nhuận sau thuế quý I/2025 cũng tương đương mức này.
Kết quả kinh doanh quý I các năm của Cà phê PETEC.
Điểm đáng lưu ý, tương tự như những kỳ trước, lợi nhuận quý I của PETEC chủ yếu đến từ thu nhập khác vốn không phải từ hoạt động kinh doanh chính. Chỉ số EPS (lãi cơ bản trên cổ phiếu) chỉ đạt 5 đồng/cổ phiếu, phản ánh mức sinh lời cực thấp.
Về tình hình tài chính, dòng tiền mặt của Cà phê PETEC giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến thanh khoản doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng.
Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 213,8 triệu đồng, giảm tới 74% so với mức 825,9 triệu đồng hồi đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn giảm từ 293,3 triệu đồng còn 117,7 triệu đồng, tuy nhiên đáng chú ý là dự phòng phải thu khó đòi vẫn giữ nguyên ở mức 1,65 tỷ đồng, phản ánh nợ xấu chưa được xử lý. Ngược lại, hàng tồn kho tuy giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức 149,9 triệu đồng.
Phần tài sản dài hạn của Cà phê PETEC đạt 15,4 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Trong đó, nổi bật là:
Khoản đầu tư tài chính dài hạn của Cà phê PETEC đạt 678 triệu đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro đã lên tới 2,3 tỷ đồng gần như xóa sạch giá trị thực của khoản góp vốn 3 tỷ vào đơn vị liên kết, phản ánh nguy cơ mất vốn rất lớn.
Tổng nợ phải trả của Cà phê PETEC tính đến cuối quý I/2025 là 2,3 tỷ đồng, toàn bộ phần nợ hiện tại đều là nợ ngắn hạn, cho thấy áp lực thanh toán trong ngắn hạn là rất lớn. Thuế và các khoản phải nộp nhà nước giảm mạnh còn 5,4 triệu đồng, trong khi cùng hồi đầu năm chỉ tiêu này ở mức 33,7 triệu đồng.
Đặc biệt, doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn vẫn ở mức cao (90,9 triệu đồng) và phải trả ngắn hạn khác ở mức 83,6 triệu đồng, cho thấy doanh nghiệp vẫn đang có các khoản nghĩa vụ tài chính chưa hoàn tất với các bên liên quan.
Sự thiếu hụt dòng tiền, rủi ro từ khoản đầu tư tài chính đã trích lập dự phòng gần hết... tất cả đang khiến bức tranh tài chính của PETEC khá ảm đạm. Trong khi đó, động thái tăng đầu tư mới gần như không có, khiến năng lực cạnh tranh trong ngành khó cải thiện.
Hệ sinh thái gãy khúc
Theo tìm hiểu, Cà phê PETEC được hình thành từ khối doanh nghiệp nhà nước, từng là một trong những đơn vị đi đầu trong xuất khẩu cà phê Việt Nam từ những năm 1990. Sau quá trình cổ phần hóa, công ty gia nhập hệ sinh thái của Tổng Công ty PETEC một doanh nghiệp đa ngành có thế mạnh trong logistics và thương mại.
Cà phê PETEC hiện chủ yếu kinh doanh cà phê nhân thô, thu mua từ các vùng nguyên liệu Tây Nguyên và phân phối cho các đối tác xuất khẩu.
Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần Cà phê PETEC có vốn điều lệ là 30 tỷ đồng, tương ứng với 3 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó, Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP (PETEC) là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 58,75% vốn điều lệ của công ty.
Website Công ty CP cà phê PETEC.
Khác với nhiều doanh nghiệp cùng ngành đang nỗ lực chuyển đổi theo mô hình chuỗi khép kín từ vùng nguyên liệu, chế biến sâu đến xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối, Cà phê PETEC vẫn loay hoay trong lối vận hành cũ: thu mua, bán buôn, đầu tư tài chính thụ động. Cà phê PETEC vắng bóng trên thị trường tiêu dùng, không có thương hiệu riêng và chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Trong bối cảnh thị trường cà phê toàn cầu đang ngày càng khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và thương hiệu, mô hình thiếu liên kết của Petec khiến doanh nghiệp bị tụt lại phía sau. Việc không sở hữu vùng nguyên liệu, không đầu tư chế biến sâu, không có kênh phân phối hay thương hiệu tiêu dùng khiến Petec dễ bị tổn thương trước biến động thị trường và không có đòn bẩy để bứt phá.
Trên thị trường chứng khoán UpCOM, Cổ phiếu PCF giờ đây không còn hấp dẫn: doanh thu sụt giảm, lợi nhuận mỏng và tài sản co hẹp. Trong khi đó, thanh khoản rất thấp và cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh báo điều khiến nhà đầu tư càng thêm dè dặt.
Bình luận (3)





