Sau khi Prime Group được tập đoàn SCG (Thái Lan) thâu tóm, ông Nghĩa tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực vật liệu xây dựng và xuất hiện trong vai trò cổ đông lớn của nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa
Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH Thái Hưng đã được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận cho chuyển đổi hơn 1,3ha đất nông nghiệp mà công ty này mua gom từ các hộ gia đình, cá nhân sang đất thương mại dịch vụ để thực hiện dự án siêu thị Aloha Mall Phú Lương.
Đây sẽ là siêu thị Aloha Mall thứ 3 của Thái Hưng tại tỉnh Thái Nguyên và là siêu thị thứ 13 trong chuỗi thương hiệu Aloha Mall.
Công ty TNHH Thái Hưng được thành lập từ năm 2005. Ông Lê Khánh Thiện (SN 1966) làm giám đốc/người đại diện pháp luật. Công ty có vốn điều lệ 230 tỷ trong đó, ông Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1963) đến từ Phú Thọ nắm tới 86,52% tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Thái Hưng.
Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Văn Nghĩa sinh năm 1963, từng là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Prime Group - doanh nghiệp sản xuất gạch men hàng đầu của Việt Nam khoảng 10 năm trước, nắm giữ thị phần gạch lớn nhất nước ta khi đó.
Sau khi Prime Group được tập đoàn SCG (Thái Lan) thâu tóm, ông Nghĩa tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực vật liệu xây dựng và xuất hiện trong vai trò cổ đông lớn của nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo thống kê, ông Nguyễn Văn Nghĩa hiện đang nắm gần 9,8 triệu cổ phiếu LCG của CTCP Lizen (tỷ lệ 5,1%), gần 21 triệu cổ phiếu TIG của CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (tỷ lệ 10,78%), gần 10,4 triệu cổ phiếu AMS của Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng AMECC (tỷ lệ 17,3%) và hơn 10,2 triệu cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (tỷ lệ 10%). Số cổ phiếu trên ước tính theo thị giá hiện nay khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tại Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), ông Nguyễn Văn Nghĩa trở thành cổ đông lớn hồi tháng 9/2020 và ủy viên HĐQT không điều hành từ tháng 4/2021.
Từ thời điểm trở thành cổ đông lớn, ông Nghĩa đã sở hữu thêm khoảng 13 triệu cổ phiếu TCM thông qua đăng ký mua thêm và nhận cổ phiếu thưởng, nâng tổng lượng cổ phần đang nắm lên hơn 17 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 16,88% vốn). Cho đến tháng 7/2024, ông Nghĩa đã bán ra 7 triệu cổ phiếu TCM, hạ sở hữu tại TCM xuống còn gần 10,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10%).
Nhắc đến TCM, nhà đầu tư hẳn chưa quên con sóng kéo dài từ cuối tháng 10/2020 đến đầu tháng 4/2021. Liên tục tăng nóng với nhiều phiên trần, TCM đã tăng vọt gấp 5 lần chỉ trong khoảng 5 tháng qua đó leo lên lập đỉnh lịch sử 120.000 đồng/cổ phiếu (chưa điều chỉnh).
Với Lizen (LCG), ông Nguyễn Văn Nghĩa đã công bố trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này vào tháng 6/2019. Sau khi trở thành cổ đông lớn, ông Nghĩa tiếp tục gia tăng sở hữu và chính thức tham gia vào Hội đồng quản trị LCG tại ĐHCĐ diễn ra sau đó 1 năm.
Trong khoảng thời gian đó, cổ phiếu LCG đã "dậy sóng". Vào cuối tháng 3/2020, thị giá LCG chỉ khoảng 4.000 đồng/CP và đầu tháng 3/2021 đã lên mức 17.000 đồng/CP (chưa điều chỉnh). Tháng 6/2023, ông Nghĩa đã bán ra 5 triệu cổ phiếu LCG,
Tại Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG), phần lớn số cổ phiếu ông Nghĩa đang sở hữu được cá nhân này mua trong đợt phát hành riêng lẻ của công ty. Sau giao dịch, ông Nghĩa trở thành cổ đông lớn tại TIG.
Còn tại Cơ khí xây dựng AMECC (AMS), ông Nghĩa hiện là Chủ tịch HĐQT tại công ty và nắm hơn 17,3% vốn.
Ngoài ra, ông Nghĩa hiện còn đang là Thành viên HĐQT CTCP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (mã: SAV); Chủ tịch HĐTV tại Công ty TNHH TM XD vận tải Thanh Long; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasa Group.
Ngoài ra, ông Nghĩa còn nắm khối cổ phần trị giá hàng trăm tỷ đồng tại các công ty chưa niêm yết như Tasa Group, Thái Hưng hay Gemmy Wood.
Bình luận (12)