Vĩnh Hoàn dự báo tăng trưởng mạnh giai đoạn cuối năm, nhờ xuất khẩu khả quan vào mùa cao điểm, và việc tăng tích trữ hàng trước khi ông Trump công bố chính sách thuế mới.
Khởi sắc cuối năm
Công ty CP Vĩnh Hoàn vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10 ghi nhận hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu, tăng 60% so với cùng kỳ.
Trong đó cá tra - nguồn thu chính của Vĩnh Hoàn mang về tới 750 tỷ đồng, chiếm 60% doanh thu và tăng 70% so với cùng kỳ.
Sự vượt trội này đến từ tất cả các thị trường tiêu thụ, đều ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ.
Đặc biệt, doanh thu từ thị trường Mỹ tăng tới 160% lên 440 tỷ đồng. Thị trường nội địa cũng tăng 22% lên 280 tỷ đồng.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh thu Vĩnh Hoàn đạt trên 10.500 tỷ đồng. Con số này đã gần tương đương với mức 10.700 tỷ đồng trong kịch bản cơ sở năm 2024 của Vĩnh Hoàn.
Ở kịch bản tích cực hơn, doanh nghiệp này đặt mục tiêu 11.500 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm 2023.
Sự bứt phá của Vĩnh Hoàn bắt đầu đến từ quý III/2024. Công ty ghi nhận doanh thu bán cá tra rất tích cực khi thị trường toàn cầu bước vào thời điểm gia tăng nhập hàng của các nhà nhập khẩu.
Cá tra cũng trở thành mặt hàng hấp dẫn do cá rô phi Trung Quốc tiếp tục tăng giá do nguồn cung thắt chặt.
Mặc dù vậy, giá xuất khẩu trung bình vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ, cho thấy nỗ lực giữ giá ở mức cạnh tranh để gia tăng đơn hàng.
Hoạt động của Vĩnh Hoàn được dự báo tiếp tục tích cực trong giai đoạn cuối năm 2024.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) dẫn số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 10 đạt gần 202 triệu USD, tăng 17% so với tháng 10/2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm nay sang các thị trường đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cho rằng, xuất khẩu cá tra Việt Nam có khả năng vượt mốc 2 tỷ USD. Những đơn hàng dịp cuối năm sẽ tiếp tục tăng để phục vụ lễ Tết và các kỳ nghỉ.
Bên cạnh đó, lo ngại vấn đề sẽ điều chỉnh và tăng thuế, một số nhà nhập khẩu cũng đang gấp rút nhập khẩu trước khi tổng thống Trump chính thức nhậm chức.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hong Kong vẫn là điểm đến lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tiếp theo đó là Mỹ với tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong 10 tháng đầu năm nay đạt hơn 291 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, doanh thu của Vĩnh Hoàn trong năm 2024 có thể đạt hơn 12.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023 và lợi nhuận có thể đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 21%.
Dù trải qua nửa đầu năm khá ảm đạm, kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn vẫn có thể tăng trưởng hai chữ số nhờ không khí xuất khẩu tích cực giai đoạn cuối năm.
Nguồn: BVSC
Tác động của Trump 2.0
Tổng thống Donald Trump tái đắc cử lần 2 và sẽ chính thức nhậm chức vào đầu năm sau, dự báo sẽ có những chính sách mới về thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có cá tra.
Với tôn chỉ “Nước Mỹ trên hết” hay “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” và tập trung vào phát triển kinh tế, các chính sách của chính quyền Trump sẽ có tác động đến Việt Nam, trong đó có ngành xuất khẩu cá tra.
Dựa theo những phát ngôn trong giai đoạn tranh cử, ông Trump có kế hoạch áp thuế 10-20% lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu, và 60% lên mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Điều này có thể tác động lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như Vĩnh Hoàn.
Cá da trơn (bao gồm cá tra) là loại cá phổ biến thứ 3 được nhập khẩu vào Mỹ, và Việt Nam là đối tác xuất khẩu cá tra lớn nhất của Mỹ, đã xuất khẩu hơn 85.500 tấn cá tra sang thị trường này trong năm 2023.
Vì vậy, mức thuế thuế 10-20% sẽ có thể có tác động đa chiều lên xuất khẩu cá tra Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu có thể tăng mạnh trong ngắn hạn do các khách hàng gia tăng nhập hàng trước các lo ngại liên quan tới thay đối chính sách thuế quan, rồi biến động tùy theo độ bất lợi của chính sách thuế.
Tuy nhiên, theo VASEP, tình hình được dự báo sẽ tốt lên, các đơn hàng sẽ tăng lên vì Việt Nam - Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện, chưa kể có những chính sách riêng về thuế.
Trước đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 20 (POR 20). Trong đó, 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc nhận mức thuế chống bán phá giá là 0 USD/kg. 6 doanh nghiệp còn lại đều đủ điều kiện được nhận mức thuế riêng rẽ ở mức 0 USD/kg.
Kết quả sơ bộ trên khá tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam khi cả 8 công ty trong cuộc rà soát đều nhận mức thuế 0 USD/kg. Mức thuế trên đã giảm so với mức thuế chính thức của cuộc rà soát POR19 trước đó là từ 0 đến 0,18 USD/kg.
BVSC đánh giá, ngoài vấn đề thuế, kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn còn chịu tác động bởi một số yếu tố khác liên quan đến dòng sản phẩm thay thế cá tra.
Đầu tiên là việc Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn tại thị trường Mỹ. Nếu cá rô phi của Trung Quốc bị đánh mức thuế 60% thì cá tra sẽ có lợi thế hơn cá rô phi Trung Quốc.
Cá rô phi là loài cá phổ biến thứ nhì tại Mỹ, và Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi lớn nhất cho Mỹ (67% tổng sản lượng cá rô phi nhập khẩu vào Mỹ).
Năm 2024, nguồn cung cá rô phi từ Trung Quốc vào Mỹ tương đối thấp do người nuôi thua lỗ kéo dài khi thị trường biến động mạnh khiến người dân không muốn tiếp tục nuôi.
Mặt khác, thời tiết bất lợi, bao gồm việc bão Yagi đổ bộ vào các khu vực Văn Xương, Hải Nam, và Quảng Đông. Điều này khiến giá cá rô phi xuất khẩu tăng mạnh, giảm khả năng cạnh tranh với cá tra Việt Nam.
Nếu tình hình nguồn cung không thay đổi, việc Trung Quốc có thể phải hứng chịu thêm thuế nhập khẩu sẽ khiến khả năng cạnh tranh của cá rô phi Trung Quốc tiếp tục giảm so với cá tra Việt Nam.
Các loại cá cạnh tranh với cá tra Việt Nam. Nguồn: BVSC
Hiện Mỹ đang có động thái gia tăng nhập khẩu cá rô phi từ Brazil, kỳ vọng giảm sự phục thuộc vào cá rô phi Trung Quốc.
Cụ thể, Mỹ đã bãi bỏ yêu cầu Chứng nhận kiểm dịch đối với cá rô phi ướp lạnh, và kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi lượng cá rô phi ướp lạnh Brazil nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2025 (ước tính là 25.000 tấn).
Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn tranh cử, Trump nhắc đến khả năng kết thúc viện trợ của Mỹ vào xung đột Nga-Ukraine và hướng tới việc đàm phán kết thúc cuộc chiến giữa hai bên.
Nếu cuộc chiến Nga - Ukraine đi tới hồi kết, không loại trừ khả năng Mỹ nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh cấm với cá minh thái của Nga.
Cuối cùng, Mỹ có khả năng khai thác cá minh thái nội địa, vốn là sản phẩm thay thế của cá tra.
“Nguồn cung dồi dào cũng là yếu tố đáng chú ý, tác động lên tính cạnh tranh của các loại cá thịt trắng khác”, nhóm phân tích đánh giá.
Trần Anh
Bình luận (4)