Mặc dù chưa chính thức vào công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 nhưng nhiều doanh nghiệp đã hé lộ sơ bộ kết quả kinh doanh cả năm.
VNSteel ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024. Ảnh: VNSteel
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra sáng 6/1, ban lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel, mã TVN) cho biết, tổng doanh thu hợp nhất của công ty đạt 33.000 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 230 tỷ đồng, so với 2 năm trước đều thua lỗ nặng.
Năm 2025, ban lãnh đạo công ty dự tính thị trường thép còn gặp nhiều khó khăn, cung vượt xa cầu; thép dẹt và tôn mạ xuất khẩu không còn được thuận lợi như năm 2024 bởi chính sách thương mại và thuế quan mới từ các nước đưa ra để tăng cường chính sách bảo hộ hàng hoá. Bên cạnh đó, trong nước lại có thêm nhiều nhà máy thép mới đi vào hoạt động làm gia tăng sức cạnh tranh.
Vì vậy, công ty đưa ra kế hoạch năm 2025 thận trọng với dự kiến tổng doanh thu hợp nhất 34.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 180 tỷ đồng.
Chiều ngày 6/1, HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) cũng tổ chức phiên họp đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024, phê duyệt kế hoạch năm 2025. Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhận định 2024 là một năm đầy "sóng gió", với căng thẳng địa chính trị, xung đột leo thang, biến đổi khí hậu, sức mua sụt giảm và thiên tai nghiêm trọng.
Tuy nhiên qua tổng kết sơ bộ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Dabaco vẫn tích cực, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 857 tỷ đồng, gấp gần 9 lần năm 2023; lợi nhuận sau thuế vượt 5,5% kế hoạch.
Năm 2024, DBC đặt mục tiêu tổng doanh thu 25.380 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 730 tỷ đồng; lần lượt tăng 14% và gấp 29 lần năm 2023.
HĐQT Dabaco cũng đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tổng doanh thu (bao gồm tiêu thụ nội bộ) 28.759 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1.108 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1.007 tỷ đồng - tăng khoảng 30% so với năm 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức lợi nhuận sau thứ hai trong lịch sử hoạt động của DBC, sau năm 2020.
Doanh nghiệp đạt kết quả vượt bậc khác là Vietnam Airlines (mã HVN). Tại hội nghị tổng kết hoạt động diễn ra chiều 26/12 vừa qua, Tổng giám đốc Lê Hồng Hà của HVN công bố doanh thu hợp nhất của công ty năm 2024 ước đạt 114.741 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 7.324 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử và đánh dấu sự chấm dứt của 4 năm thua lỗ liên tiếp.
Năm 2025, Vietnam Airlines đặt mục tiêu thận trọng hơn với kế hoạch doanh thu 95.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.176 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 70% so với ước tính năm 2024.
Vietnam Airlines đạt kết quả kinh doanh tích cực sau giai đoạn khó khăn vì Covid-19.
Ngược lại, cũng đã có những công ty hé lộ con số sụt giảm. CTCP Chứng khoán Phú Hưng (mã PHS), trong kế hoạch kinh doanh năm 2025 công bố cuối tháng 12 vừa qua, ước tính doanh thu giảm 16% so với năm 2023, đạt gần 480 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm gần 11 tỷ đồng, so với cùng kỳ có lãi 44,5 tỷ đồng.
PHS quyết phục hồi trong năm 2025 với kế hoạch doanh thu 742 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 104 tỷ đồng. Công ty chứng khoán cho rằng nền kinh tế chung có triển vọng tươi sáng, thị trường chứng khoán Việt hiện đã và đang về vùng định giá tương đối hấp dẫn. PHS kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng 18% vào cuối năm 2024 và duy trì mức tăng trưởng hai chữ số trong năm 2025.
Theo công ty chứng khoán, 2025 sẽ là một năm bản lề đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào câu chuyện nâng hạng thị trường. Việc nâng hạng thành công sẽ là cầu nối để thu hút dòng vốn ngoại mới, nâng cao tính minh bạch và giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro khi tham gia thị trường. Cùng với đó, nút thắt yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) đã được tháo gỡ, kỳ vọng những sản phẩm giao dịch mới sẽ sớm được triển khai trong những năm tới như giao dịch T+0, bán khống hay các sản phẩm phái sinh mới, qua đó thúc đẩy thanh khoản thị trường gia tăng nhanh chóng.
Trong dự thảo báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Xây dựng, Tổng Công ty Viglacera (mã VGC) ước lãi trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 35% so với kế hoạch cả năm. Tuy nhiên so với 3 năm trước (2021, 2022, 2023), con số ước tính này đều sụt giảm.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2024, luỹ kế 9 tháng đầu năm, VGC ghi nhận 8.185 tỷ đồng doanh thu và 909 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 19,5% và 43% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, tính riêng trong quý 4/2024, Viglacera ghi nhận 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 46 lần so cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất trong vòng 6 quý gần đây của công ty này.
Hiện Viglacera có vốn điều lệ 4.483 tỷ đồng trong đó Bộ Xây dựng sở hữu 38,58% cổ phần (tương đương 173 triệu cổ phiếu). Cổ đông lớn nhất của VGC là CTCP Hạ tầng Gelex – thành viên của Tập đoàn Gelex (mã GEX) - sở hữu 50,21%. Bộ Xây dựng đang tiếp tục triển khai công tác thoái vốn tại doanh nghiệp này.
Viglacera cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu doanh thu khoảng 14.437 tỷ đồng và lãi trước thuế khoảng 1.743 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 57% so với kế hoạch năm 2024.