Mùa đại hội đồng cổ đông năm 2024 đã dần trôi qua, có thể thấy bên cạnh những đại hội ghi nhận lượng cổ đông tham dự/được ủy quyền lên đến hàng trăm, hàng ngàn người, vẫn có những đại hội mà số lượng đại biểu tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều AGM năm 2024 có lượng cổ đông/người được ủy quyền tham dự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh minh họa: Trọng Hiếu.
Thị trường chứng khoán phát triển mạnh trong gần 4 năm trở lại đây đã dẫn đến làn sóng lớp lớp nhà đầu tư tham gia đầu tư chứng khoán. Theo số liệu của VSD, số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam vào thời điểm cuối tháng 5/2024 là hơn 7,9 triệu tài khoản.
Với sự tăng trưởng của lượng tài khoản chứng khoán, không ngạc nhiên khi ĐHĐCĐ thường niên (AGM) các năm trở lại đây của nhiều doanh nghiệp luôn ghi nhận lượng cổ đông tham dự lên đến hàng trăm người, thậm chí hàng ngàn người như AGM 2024 của Tập đoàn Hòa Phát (353 người tham dự đại diện cho 617 cổ đông), Tập đoàn Masan (357 người tham dự), Chứng khoán SSI (799 cổ đông), Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (1.633 cổ đông)…
Dù vậy, chiều ngược lại, có không ít AGM mà số cổ đông tham gia chỉ ở mức hàng đơn vị.
Trường hợp đầu tiên có thể kể đến là AGM năm 2024 của CTCP Đầu tư ICapital (HoSE: PTC) ghi nhận vỏn vẹn 6 cổ đông/người được ủy quyền tham dự, song vẫn chiếm đến 54,48% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông.
AGM của PTC “vắng” người tham dự trong bối cảnh 2024 là một năm quan trọng trong hoạt động kinh doanh công ty. Theo đó, PTC năm 2024 đặt mục tiêu doanh thu dự án Hướng Linh 7 và 8 lần lượt đạt 120 tỷ đồng và 105 tỷ đồng; lãi trước thuế hơn 19,1 tỷ đồng – tăng 36,4% so với thực hiện năm 2023.
Trong trường hợp hoàn thành mục tiêu năm, cổ phiếu PTC sẽ sớm thoát khỏi diện cảnh báo (theo BCTC kiểm toán năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2023 là âm 13,57 tỷ đồng).
Chia sẻ tại AGM, ban lãnh đạo kỳ vọng sản lượng tại dự án Hướng Linh 7 năm 2024 sẽ tốt hơn các năm trước do 4/7 trụ gió chuyển tiếp phát đủ 12 tháng thay vì 6 tháng (năm 2023) hay không được phát tại năm 2022. Về giá bán điện với các trụ chuyển tiếp, hiện đã có thông tư hướng dẫn tính toán giá mua bán điện với các dự án điện gió chuyển tiếp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2024. PTC cũng kỳ vọng sẽ sớm được áp dụng giá mua bán điện chính thức đối với các trụ gió nói trên thay vì giá tạm tính như thời điểm hiện tại.
Một trường hợp khác là AGM của CTCP Bánh Kẹo Hải Hà (HNX: HHC) chỉ có 5 cổ đông tham dự trực tiếp/thông qua ủy quyền, đại diện cho 79,98% tổng số phiếu biểu quyết của HHC.
Tại AGM năm nay, các cổ đông HHC đã thông qua nhiều tờ trình quan trọng như Báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2023 và kế hoạch năm 2024; tờ trình chủ trương thực hiện các hợp đồng giao dịch giữa công ty với các bên liên quan; tờ trình thông qua BCTC đã kiểm toán năm 2023…
AGM của CTCP Vimeco có 19 cổ đông trực tiếp tham dự hoặc theo ủy quyền, tương đương với 60,06% tổng số phiếu biểu quyết công ty; hoặc AGM năm 2024 của CTCP Trục vớt Cứu hộ Việt Nam (UPCOM: SAL) có 20 cổ đông dự, tương ứng 83,5% tổng số cổ phần…
Điểm chung là hầu hết các AGM vắng người được đề cập kể trên đều được những đại biểu dự họp thống nhất các tờ trình với tỷ lệ gần như tuyệt đối. Giới chuyên gia lý giải điều này có thể xuất phát từ việc hoạt động kinh doanh của công ty hầu như không có vấn đề gì bất thường, đáng bàn; công ty có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh và cổ đông hoàn toàn tin tưởng đến mức ủy quyền cho HĐQT và Ban Giám đốc tự quyết định.
Một khả năng khác là những doanh nghiệp này thường có cơ cấu cổ đông rất “cô đặc” với tỷ lệ sở hữu gần như nằm trong tay lãnh đạo công ty. Do đó, nhiều cổ đông nhỏ lẻ quyết định không tham dự, bởi họ cảm thấy những góp ý hoặc lá phiếu của mình khó có thể thay đổi quyết định tại AGM.
Rõ ràng, việc số cổ đông tham gia ít hay nhiều không mấy ảnh hưởng đến việc AGM có thể tổ chức hay không, đặc biệt với những doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu rất cô đặc.
Dù vậy, để một AGM được coi là tổ chức thành công không chỉ phụ thuộc vào việc tất cả tờ trình được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối, mà đó còn là số lượng cổ đông tham gia, chất lượng câu hỏi chất vấn, cũng như là giải đáp thắc mắc của lãnh đạo doanh nghiệp.
Ngoài những ví dụ đề cập đầu bài viết, không hiếm các AGM phải đến lần 2, lần 3 mới có thể tổ chức thành công. Thậm chí, ban lãnh đạo doanh nghiệp chỉ nhận chất vấn của cổ đông thông qua giấy viết câu hỏi tại Đại hội.
Điển hình đó là CTCP Container Việt Nam (HoSE: VSC). AGM 2024 lần 1 VSC không thể tổ chức do tỷ lệ cổ phần tham gia chỉ là 36,7%, kém xa con số 50% theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020. Ở AGM lần 2, tỷ lệ tham dự chỉ đạt 36,45% với 18 cổ đông, ủy quyền tham gia.
Theo quan điểm từ giới chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng khiến cổ đông nhỏ lẻ không mặn mà với AGM xuất phát từ các lãnh đạo doanh nghiệp chưa coi trọng hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR).
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận hoạt động IR đã có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hoạt động quan hệ nhà đầu tư vẫn chưa được nghiêm túc triển khai ở các doanh nghiệp hoặc mang tính chất thời vụ, nhất là thường xuyên xảy ra ở các doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa vừa phải.
Hoạt động IR chỉ thường được đẩy mạnh khi các doanh nghiệp có kế hoạch phát hành hoặc lợi dụng hoạt động này để tạo hiệu ứng kéo giá cổ phiếu và sau đó hoạt động này giảm dần hoặc không còn duy trì vì đã đạt được mục đích. Điều này đã không những gây thiệt hại cho các nhà đầu tư và khiến nhà đầu tư không đủ niềm tin gắn bó lâu dài. Ngoài ra, hình thành thói quen mua/bán theo sóng để tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Minh cũng đề xuất cần có chỉ số xếp hạng IR, đây là bộ chỉ số xếp hạng hoạt động quan hệ nhà đầu tư của các doanh nghiệp niêm yết với mục đích: Nhà đầu tư dễ dàng đánh giá chất lượng hoạt động quan hệ nhà đầu tư; củng cố tiêu chí định lượng để đưa ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức/cá nhân và quyết định cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng…