Lên nhanh rồi xuống cũng nhanh, những cổ phiếu này có thể sinh lời hàng chục, hàng trăm phần trăm cho nhà đầu tư may mắn nhưng cũng lấy đi nước mắt của không ít người mua đúng đỉnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, VN-Index đã đi qua hai “ngọn núi”, biểu thị hai đợt tăng - giảm mạnh về điểm số. Trong quý 1, chỉ số có đợt tăng lên sát vùng 1.290 điểm rồi điều chỉnh về vùng 1.175 điểm trong tháng 4. Sau đó, VN-Index lại hồi phục và từng vượt mốc 1.300 điểm vào giữa tháng 6, trước khi điều chỉnh về vùng 1.190 điểm đầu tháng 8 vừa qua.
Trong “cơn sóng” quý 2, một số cổ phiếu tăng phi mã khiến nhà đầu tư thức thời có thể thu về hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm lợi nhuận. Tuy nhiên khi “cơn sóng” rút chân ập đên, đây cũng chính là những cổ phiếu “rơi” nhanh nhất.
Điển hình là HVN của Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Từ vùng giá 14.000 đồng/cp hồi đầu tháng 4, mã nhảy vọt lên vùng 34.000 đồng/cp vào cuối tháng 6, với nhiều phiên tăng trần liên tiếp; tương ứng hiệu suất sinh lời lên tới 143%.
Dù chỉ được giao dịch vào phiên chiều do bị hạn chế giao dịch nhưng HVN vẫn thu hút dòng tiền đầu tư khi Vietnam Airlines lãi ròng kỷ lục hơn 4.300 tỷ đồng trong quý 1/2024, chấm dứt chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp.
Vietnam Airlines ghi nhận bước nhảy vọt trong hoạt động kinh doanh giữa lúc thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao. Cùng với đó là khoản thu nhập khác hơn 3.600 tỷ đồng, là lãi phát sinh từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines và tiền phạt thu được.
Trong quý 2, Vietnam Airlines còn đón tin tích cực khi Quốc hội đồng ý gia hạn khoản vay 4.000 tỷ đồng cho hãng bay.
Tuy nhiên sau khi những thông tin tích cực qua đi cũng là lúc HVN bước vào nhịp giảm mạnh. Từ đầu tháng 7 đến nay, mã liên tục có những phiên giảm sàn, đưa thị giá về vùng 19.000 đồng/cp chỉ sau một tháng, tương ứng mức giảm 44%.
Cổ phiếu HVN tăng mạnh trong quý 2/2024, sau đó giảm sốc.
Một cổ phiếu “chơi tàu lượn” khác là QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai. Mã bước vào nhịp tăng mạnh từ giữa tháng 3, từ vùng giá 9.000 đồng/cp vươn lên gần 18.000 đồng vào gần cuối tháng 4; tương ứng hiệu suất sinh lời 100%.
Từ đầu tháng 5, QCG bắt đầu điều chỉnh và “rơi” mạnh từ giai đoạn 11/7 tới nay, sau thông tin Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan bị bắt. Mã kết phiên 9/8 ở mức giá 5.850 đồng/cp, tương ứng giảm 52% sau một tháng và giảm 68% so với mức đỉnh ngắn hạn hồi tháng 4.
Việc tăng sốc - giảm sâu không phải là hiện tượng hiếm gặp đối với QCG. Cổ phiếu này từng lập đỉnh lịch sử khi vượt mốc 30.000 đồng giữa năm 2017, khi có thông tin về thương vụ chuyển nhượng dự án khu dân cư Phước Kiển. Sau đó, mã tụt dốc dần và từng về vùng giá 3.000 đồng/cp hồi đầu năm 2020.
Giai đoạn cuối năm 2021, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai cũng không nằm ngoài “cơn sốt” nhóm bất động sản, tăng mạnh từ vùng 5.000 đồng/cp lên hơn 23.000 đồng/cp vào đầu năm 2022. Mã sau đó lại lao đầu giảm về vùng giá 3.000 đồng/cp vào tháng 11/2022.
Sau khi bà Như Loan bị bắt, vị trí tổng giám đốc QCG được giao cho ông Nguyễn Quốc Cường - con trai bà Loan. Trong quý 2 vừa qua, công ty lỗ sau thuế gần 17 đồng, mức lỗ nặng nhất kể từ năm 2012. Nguyên nhân là do doanh thu chỉ đạt hơn 25 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá vốn lên tới hơn 32 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu QCG từ năm 2017 đến nay.
Một cổ phiếu tăng sốc - giảm sâu khác là SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SMC. Từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 7, mã ngành thép này tăng gấp đôi giá trị, từ vùng giá 10.000 đồng/cp lên 20.000 đồng/cp. Sau đó, SMC lại rơi thẳng đứng và hiện đã trở về vạch xuất phát hồi tháng 4.
SMC là doanh nghiệp vẫn đang loay hoay trong khó khăn. Trong quý 1/2024, công ty lãi sau thuế 179 tỷ đồng (gấp 8,5 lần cùng kỳ năm ngoái) nhưng không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu nhờ đóng góp từ doanh thu tài chính. Sang quý 2, dù có thêm 170 tỷ đồng từ bán trụ sở công ty, SMC vẫn lỗ sau thuế 114 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn.
Nhóm cổ phiếu công nghệ - viễn thông là nhóm nổi trội nhất trong quý 2/2024. Các mã FPT, FOX, FOC trong “họ FPT”; VGI; CTR, VTK trong “họ Viettel” hay MFS “họ Mobifone” đều tăng mạnh. FPT tăng 49%, FOX tăng 111%, FOC tăng 42%, VGI tăng hơn 140%, CTR tăng 44%, VTK tăng 111%, MFS tăng gần 200%.
Tuy nhiên từ đầu tháng 7 đến nay, các cổ phiếu này đều giảm giá do thị trường điều chỉnh chung và áp lực chốt lời. Trong đó, FPT bị điều chỉnh ít nhất. VTK, FOC và VGI giảm 35-45% chỉ sau một tháng; còn MFS giảm tới 60%.
Phạm Ngọc
Bình luận (5)
+3