Ít nhất ba "ông lớn" gồm Hòa Phát, Đèo Cả và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã bày tỏ mong muốn tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Dự án này, với tổng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường xây dựng đầy tiềm năng, hứa hẹn một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà thầu lớn.
Sau hơn 18 năm ấp ủ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã được Bộ GTVT đưa ra với những thông tin rõ ràng, kỳ vọng đây là thời điểm thích hợp để triển khai. Dự án dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét và phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV.
Siêu dự án mở ra thị trường mới 33,5 tỉ USD
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, với vận tốc thiết kế 350 km/h chủ yếu dành cho hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng về quốc phòng và an ninh, đồng thời có thể vận tải hàng hóa khi cần.
Tuyến đường dài 1.541 km, đi qua 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, với tổng mức đầu tư sơ bộ 67,34 tỷ USD.
Dự án sẽ được chia thành 4 thành phần triển khai đồng thời, bắt đầu khởi công vào năm 2027 và dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Giá vé dự kiến bằng khoảng 75% giá vé trung bình của hàng không giá rẻ.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng vốn đầu tư 67,34 tỷ USD. Ảnh: Minh họa
Bộ GTVT ước tính, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ tạo ra thị trường xây dựng trị giá khoảng 33,5 tỷ USD. Tính cả hệ thống đường sắt quốc gia và đô thị, tổng giá trị thị trường xây dựng sẽ đạt khoảng 75,6 tỷ USD; thị trường phương tiện, thiết bị ước khoảng 34,1 tỷ USD, trong đó bao gồm 9,8 tỷ USD cho đầu máy, toa xe và 24,3 tỷ USD cho hệ thống thông tin tín hiệu cùng các thiết bị khác. Dự án cũng hứa hẹn tạo ra hàng triệu việc làm.
Dự án đã đưa ra một số giải pháp quan trọng nhằm phát triển công nghiệp đường sắt, bao gồm: áp dụng các mức ưu đãi và hỗ trợ tối đa liên quan đến đất đai, thuế, cơ chế hỗ trợ đầu tư và nhập khẩu cho ngành đường sắt; bổ sung các sản phẩm và thiết bị đường sắt vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đồng thời, trong quá trình triển khai, tổng thầu phải cam kết chuyển giao công nghệ và ưu tiên sử dụng các hàng hóa, dịch vụ trong nước. Ngoài ra, dự án cũng đề xuất cho phép đặt hàng từ các doanh nghiệp trong nước hoặc liên doanh để sản xuất phương tiện, thiết bị tại Việt Nam.
Rõ ràng, siêu dự án này tạo ra cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp trong nước nếu được tham gia. Vì thế, một số "ông lớn" đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, bày tỏ mong muốn được tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án, khẳng định rằng tập đoàn có đủ năng lực thực hiện. Điều này dựa trên sự tự tin của ông rằng giai đoạn 2 của khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ có khả năng sản xuất thép đặc biệt, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn làm đường ray cho dự án đường sắt.
Trong khi đó, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, kiến nghị Thủ tướng cần có cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nhanh chóng tự chủ trong đầu tư, sản xuất và thi công các công trình yêu cầu công nghệ, kỹ thuật cao như đường sắt, metro và giao thông thông minh. Ông cũng đề xuất ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt và đã có sản phẩm thực tiễn cho các dự án quy mô lớn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương có dự án đi qua.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) không bỏ lỡ cơ hội khi đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thành lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt với các đối tác nước ngoài, trong đó VNR giữ tỷ lệ vốn góp chi phối. Bên cạnh các đối tác quốc tế, VNR cũng mời gọi các đơn vị cơ khí chế tạo trong nước tham gia vào liên doanh đặc biệt này.
Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam ước tính tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án khoảng 29,1 tỷ USD. Bên cạnh 3 "ông lớn" đã được đề cập, Yuanta dự đoán các doanh nghiệp khác như Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG), Công ty CP Hóa An (DHA), Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Công ty CP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (VLB), Tập đoàn GELEX (GEX), Tập đoàn PC1, Công ty CP FECON (FCN)... cũng có khả năng tham gia. Ngoài ra, một số ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có thể hưởng lợi từ dự án.
Cuộc đua sẽ còn khắc nghiệt
Theo GS. TS. Bùi Xuân Phong, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam khi được triển khai sẽ có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới. Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực về quy mô và tài chính sẵn sàng đầu tư công nghệ, huy động nguồn lực và đủ khả năng để tham gia. Đây là điều cần ưu tiên để phát huy nội lực trong nước, bên cạnh hợp tác với các quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Trung Quốc...
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng chỉ nên thuê nước ngoài những công đoạn mà Việt Nam không làm được, đồng thời tạo điều tối đa cho các doanh nghiệp, người lao động Việt Nam tham gia vào dự án có ý nghĩa chiến lược quan trọng này. Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý nguồn vốn của dự án lớn sẽ là thách thức, bởi điều này liên quan mật thiết tới công nghệ và sau đó là lựa chọn nhà đầu tư tham gia.
Đáng lưu ý, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cũng nhìn nhận dù có nhiều lợi thế nhưng một trong những điểm hạn chế của các nhà thầu giao thông trong nước hiện nay là chủ yếu thực hiện các lĩnh vực đường bộ, các lĩnh vực khác như đường sắt, hàng không chưa nhiều; thiếu hụt về số lượng kỹ sư, đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên môn sâu, nguồn lực tài chính hạn chế….
Hay với việc sử dụng thép trong nước để làm đường ray, nhiều chuyên gia cũng cho rằng sản phẩm của Hòa Phát phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, chất lượng hàng đầu thế giới, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực, thu hút các chuyên gia có trình độ cao.
Và, để trở thành một “mắt xích” tham gia vào siêu dự án, các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng cùng các đối tác khác khi tham gia các vòng đấu thầu.
Hơn nữa, quay trở lại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, GS - TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đặt vấn đề dự án trước khi thực hiện phải giải quyết tốt bài toán hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính. Trong đó, “đơn vị nghiên cứu báo cáo khả thi dự án cần làm rõ hiệu quả so với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 67,34 tỷ USD, chưa kể con số này có thể đội do chậm tiến độ”, ông nói.
GS. TS. Võ Đại Lược chia sẻ ông vẫn nhớ cách đây hơn 10 năm khi được mời tham dự góp ý về dự án đường sắt cao tốc độ cao. Thời điểm đó, nhiều ý kiến phản đối do xét thấy không hiệu quả về kinh tế. Năm 2010, Quốc hội cũng đã “bác” dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỉ USD do Chính phủ trình.
“Đến thời điểm này, những lo ngại về rủi ro, khó khăn khi thực hiện, trong khi vốn quá lớn đã được giải quyết thấu đáo chưa?”, GS. TS. Võ Đại Lược nói. Ông nhấn mạnh, việc quyết định đầu tư dự án phải tính toán kỹ, dự báo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tránh để đời sau con cháu vẫn phải trả nợ trong khi ngân sách phải bù lỗ hàng năm.
Bình luận (11)