Dòng tiền trên thị trường đã có những phản ứng trái chiều trước thông tin ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Cuối năm 2024, hàng loạt doanh nghiệp trên sàn chứng khoán thông báo tăng vốn điều lệ. Trong đó, phải kể đến việc HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) thông qua tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản năm 2025, để thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2025 và các vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Chi tiết về phương án chào bán cổ phiếu chưa được công bố.
Ngoài ra, CTCP Hàng không Vietjet (mã VJC), CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã DIG), Tập đoàn Đất xanh (mã DXG)… cũng đồng loạt công bố việc huy động vốn thông qua chào bán cổ phiếu.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng tích cực huy động vốn hoặc thông tin về việc chào bán/phát hành cổ phiếu trên thị trường.
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank – mã BAB) tăng vốn điều lệ tối đa thêm gần 1.579 tỷ đồng, dự kiến vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt 10.538 tỷ đồng. Trong đó, tăng vốn điều lệ tối đa thêm 620,9 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối đến 31/12/2023 và tăng vốn tối đa thêm hơn 958 tỷ đồng thông qua chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu (giá chào bán 10.000 đồng/CP) theo phương án đã được thông qua trước đó.
Hay trước đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường của LPBank (mã LPB) cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 29.872,9 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 16,8%. Phương án này thay thế kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 33.576 tỷ đồng thông qua chào bán tối đa 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 phê duyệt.
Cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt sau thông tin tăng vốn
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán có những phản ứng trái chiều ở các cổ phiếu tăng vốn. Xét trong 1 tháng trở lại đây, tất cả các cổ phiếu VJC (-2,26%), NLG (-3,84%), DIG (-5,41%), DXG (-10,09%) đều đồng loạt giảm điểm.
Theo giới phân tích, điều này xuất phát từ tâm lý lo ngại rủi ro pha loãng cổ phiếu của nhà đầu tư. Khi lượng cung cổ phiếu tăng lên đột ngột, cầu cổ phiếu chưa kịp hấp thụ, dẫn đến các cổ phiếu có thể rơi vào rủi ro suy giảm.
Khi cổ phiếu bị pha loãng, yếu tố phản ánh dễ thấy nhất công ty sẽ khó có thể tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên trong lần đầu tiên. Minh chứng là Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đến lần 2, lần 3 mới tổ chức thành công.
Mở rộng hơn nữa, “tiếng nói” chi phối của các cổ đông lớn, đặc biệt là những tổ chức nước ngoài, quỹ đầu tư chuyên nghiệp… sẽ là điểm sáng của doanh nghiệp với nhà đầu tư cá nhân, qua đó giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng triển khai các kế hoạch hoạt động.
Khác với nhóm doanh nghiệp trên sàn, nhiều cổ phiếu ngân hàng lại tăng trưởng tốt sau thông tin tăng vốn. Thống kê 1 tháng cho thấy, HDB tăng 15,11%, trong khi LPB và BAB tăng lần lượt 8,28% và 1,71%.
Giới chuyên gia nhìn nhận, việc tăng vốn giúp các nhà băng hướng đến việc đáp ứng theo Dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng) của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ bắt đầu lộ trình nâng dần hệ số CAR lên 10,5% (theo quy định hiện hành, CAR tối thiểu là 8%). Trong đó, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.
Theo các chuyên gia, vốn đệm bảo toàn vốn sẽ nhằm ngăn ngừa sự suy giảm của nền kinh tế. Tỷ lệ này linh hoạt trong từng thời kỳ do Ngân hàng Nhà nước quyết định với mức dao động 0-2,5%, tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm xuống khi thị trường hoạt động trong điều kiện ổn định.
Chưa kể, mức vốn điều lệ lớn cho phép ngân hàng tăng quy mô tài sản có để mở rộng khả năng huy động vốn trong xã hội, mở rộng đầu tư, mạng lưới hoạt động, đổi mới công nghệ ngân hàng, từ đó có thể áp dụng những thành tựu công nghệ mới nhất nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bình luận (7)