Thông qua chương trình Xây Tết 2025 với điểm nhấn là trao học bổng cho con em công nhân, Coteccons cùng lúc đưa nhiều mũi tên bắn trúng đích.
Sáng 12/12 tại trụ sở Bộ Biên tập Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hà Nội), Công ty cổ phần xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) phối hợp với báo Nhân Dân tổ chức buổi họp báo, công bố chương trình Xây Tết 2025. Mục tiêu của buổi họp báo là làm rõ ý nghĩa của Xây Tết và những điểm nhấn khác biệt trong mùa thứ 3. Giống như Phó TGĐ Coteccons, bà Nguyễn Trình Thuỳ Trang nói: "Mọi người luôn hỏi tổng ngân sách chúng tôi đầu tư cho Xây Tết là bao nhiêu, mỗi phần quá trị giá bao nhiêu tiền... nhưng Xây Tết có nhiều ý nghĩa hơn thế, vượt qua những giá trị hữu hình mà mọi người đang thấy”.
"XÂY NỀN MÓNG VỮNG CHẮC CHO DOANH NGHIỆP TỪ XÂY NỀN ƯỚC MƠ CHO HÀNG CHỤC NGHÌN CÔNG NHÂN"
Xây Tết 2025 với chủ đề "Xây nền ước mơ" sẽ hướng tới 18.500 công nhân, trong đó bao gồm hơn 17.000 công nhân xây dựng. Ngoài các hoạt động đã có từ những năm trước như: Chụp ảnh, cắt tóc, khám sức khoẻ miễn phí, trao tặng quà Tết, năm nay là lần đầu tiên Coteccons, Báo Nhân Dân phối hợp với Quỹ học bổng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức trao học bổng cho con em công nhân.
Nói về lý do tại sao lại trao học bổng cho con em công nhân vốn không phải lao động trực tiếp ký hợp đồng với Coteccons, bà Trang khẳng định, việc này hàm chứa rất nhiều ý nghĩa.
Hội trường tổ chức sự kiện.
Học bổng giúp tạo động lực thúc đẩy con em công nhân chăm lo học hành, hướng tới tương lai tốt hơn những gì ba mẹ các em đang có. "Trong câu chuyện của các cô, chú công nhân, họ sẽ có thêm một nguồn lực để động viên con cái mình là: “Ráng học nghe con, học giỏi rồi công ty xây dựng chỗ ba/ má đang làm sẽ tặng học bổng luôn đó”.
Theo bà Trang, Xây Tết tiếp tục là cách Coteccons thực hiện ESG. Đây vừa là cách doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, vừa là phương thức hay để xây dựng lợi thế cạnh tranh.
Thứ nhất, trong ngành xây dựng, nếu tổng thầu không quan tâm, sát sao thì rất dễ xảy ra tình trạng bóc lột lao động. Thông qua Xây Tết, Coteccons truyền thông điệp cho các đối tác nhà thầu phụ là phải quan tâm tới công nhân vì đó là nhóm yếu thế, rất dễ tổn thương.
"Nhiều khi Coteccons trả lương công nhân qua cai tổng rồi nhưng họ lại lặn mất tăm mất tích, công nhân đâu biết tìm ai để đòi. Cho nên chúng tôi chăm lo cho công nhân trước hết là để tránh biến mình trở thành người bóc lột lao động"…
Thứ hai, ngành xây dựng thường biến động lao động dữ dội. Nhiều công trường cần “tuyển quân” gấp thường đưa ra rất nhiều lời mời hấp dẫn nhưng chỉ 3-6 tháng sau lại thay đổi. Công nhân dễ bị mất việc bất ngờ và bấp bênh trong cuộc sống. Coteccons muốn chứng minh, làm việc với họ không có những lời mời hào nhoáng nhất thời nhưng có sự ổn định và được chăm sóc suốt 365 ngày.
"Xây Tết chỉ là ví dụ thôi, còn hàng ngày ở công trường, chúng tôi vẫn tổ chức tặng áo ấm mùa đông, nước mát mùa hè, đổi rác lấy nước giải khát, lo từng bữa ăn khuya tăng ca, lương thưởng xứng đáng và ở mức cao nhất thị trường.
Khi chúng tôi thực hiện chương trình Xây Tết thành công, chúng tôi nhận ra các công ty khác trong ngành khác cũng đang làm theo. Chúng tôi vui mừng vì những gì mình tiên phong đã có người tiếp bước.
Trong ngành xây dựng, thu hút được công nhân về làm là một lợi thế cạnh tranh to lớn. Tôi mong rằng, cuộc cạnh tranh để thu hút công nhân sẽ không chỉ đơn thuần là đua nhau trả lương cao hơn trong ngắn hạn mà là quan tâm, chăm lo mọi mặt cơ bản cho người lao động, để họ vững cái nền, chắc ước mơ".
Bà Nguyễn Trình Thuỳ Trang (Phó TGĐ CTD).
Nói về chủ đề của Xây Tết 2025, bà Trang lý giải tại sao lại gọi là Xây nền ước mơ. Theo bà, nỗi buồn lớn nhất với công nhân là khi tạm biệt con cái để đi làm xa và niềm vui lớn nhất sau một ngày dài vất vả trên công trường là được gọi video call qua điện thoại nói chuyện với các con. Nỗi lo của họ không chỉ đồ ăn, thức uống, áo quần đẹp đẽ cho con mà gánh nặng lớn nhất là giúp con thực hiện ước mơ.
Tại sự kiện họp báo Xây Tết 2025, bà Trang dẫn ra 3 câu chuyện cảm động về công nhân. Đó là người cha làm việc vất vả nhưng sẵn sàng bỏ ra 11 triệu đồng để mua xe đạp cho con đi học, là cậu bé 9 tuổi lần đầu tiên được lên Sài Gòn để chụp hình cùng ba mẹ ở công trường, khao khát một lon nước ngọt và háo hức vì lần đầu tiên được đi ăn ngoài tiệm, là anh Mai Lê Duy Quang (người đã cứu thoát tài xế bị nạn trong vụ tai nạn liên hoàn trên cầu Phú Mỹ) đã từ bỏ cơ hội có việc làm tốt hơn để chăm lo cho giấc mơ của anh em công nhân trong tổ đội xây dựng của mình.
"Chúng tôi đang có hơn 30.000 công nhân xây dựng làm việc tại các công trường của Coteccons. Họ không ký hợp đồng với công ty nhưng lại là bạn đồng hành, cùng chúng tôi xây dựng các công trình. Coteccons coi họ là nền móng của tất cả thành công. Công ty muốn làm những chuyện vĩ đại như doanh thu cao, tiến ra thế giới… thì không bao giờ quên 30.000 công nhân chính là nền móng. Chính họ đã dựng lên hàng trăm công trình, hàng triệu ngôi nhà và những người bước ra từ những ngôi nhà đó lại viết tiếp hàng triệu ước mơ của riêng họ.
Và khi dựng nên các công trình, công nhân xây dựng cũng có ước mơ của riêng mình. Sau 3 mùa Xây Tết, chúng tôi thấu hiểu động lực to lớn nhất của họ chính là con cái. Vì vậy, Xây Tết 2025 lấy chủ đề Xây nền ước mơ và muốn quan tâm, chăm lo cho thế hệ tương lai là con em của các anh chị, cô chú công nhân".
Bà Trang cũng nhấn mạnh, mặc dù Xây Tết mới chỉ chăm lo được cho 18.500 công nhân nhưng công ty vẫn không quên chăm sóc cho toàn bộ 30.000 công nhân trong tất cả 365 ngày/ năm. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn luôn nỗ lực mở rộng chương trình Xây Tết như hiệu ứng mùa hoa anh đào ở nước Nhật, nở dần dần, lan toả khắp cả nước.
"VỮNG CHẮC CÁI NỀN CHO CÔNG NHÂN CHÍNH LÀ CÙNG ĐẤT NƯỚC KIẾN TẠO SỰ BỀN VỮNG"
Những năm gần đây, ngành xây dựng trong nước gặp nhiều khó khăn. Bà Trang phân tích, Chủ tịch Coteccons, ông Bolat Duisenov, ngay khi tiếp quản công ty đã nghĩ đến chuyện đa dạng hóa ngành nghề, chuyển hướng từ xây dựng các công trình thương mại sang các lĩnh vực khác như công nghiệp, hạ tầng… và tiến ra thế giới thay vì chỉ giới hạn trong nước.
Khi công ty đa dạng nguồn thu thì sẽ không bị phụ thuộc mà bất cứ cấu phần nào trong nền kinh tế gãy đổ thì vẫn luôn có việc để anh em làm. Đây là nỗ lực thiết thực nhất trong việc chăm lo cho người lao động.
Ông Phan Văn Anh (Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN), ông Phan Văn Hùng (Phó TBT Báo Nhân Dân) và bà Nguyễn Trình Thuỳ Trang (Phó TGĐ CTD) tại họp báo (từ trái qua)
Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất chú trọng đào tạo cho lực lượng công nhân, kỹ sư xây dựng. Ví dụ, kỹ sư trước kia ít quan tâm tiếng Anh, công nghệ thông tin thì bây giờ phải học về mọi thứ, kể cả kiến thức về ESG. Những nền tảng này giúp họ cho dù không làm việc ở Coteccons thì vẫn là lao động có giá trị, dễ thích nghi với các ngành nghề khác, doanh nghiệp khác.
"Đối với công nhân, chúng tôi cũng đào tạo cho họ nhiều kỹ năng mới. Ví dụ, nhiều công nhân miền núi phía Bắc búi tóc cao khi đi làm, không đội nón bảo hiểm được, chúng tôi phải giải thích chân thành để họ hiểu. Hoặc các anh leo núi quen rồi nên khi bước lên cao không biết sợ, chúng tôi phải tập huấn cho họ để đảm bảo an toàn. Những kiến thức đó giúp họ cho dù không làm với Coteccons thì đi đâu cũng là những công nhân có tay nghề, được xã hội trân quý".
Năm qua, Coteccons đã dành 26.000 giờ đào tạo an toàn cho khoảng 30.000 công nhân, giúp doanh nghiệp có 41,6 triệu giờ thi công an toàn.
"Chúng tôi không quá chú trọng vào các con số. Thật khó nói hết là công ty đầu tư chăm lo cho công nhân hết bao nhiêu mà vấn đề là Coteccons đã làm được bao nhiêu việc có ý nghĩa thiết thực cho người lao động và toàn chuỗi xây dựng", bà Trang nhấn mạnh.
Trương Thu Hường