Trên thế giới, 80% doanh nghiệp là doanh nghiệp gia đình, tạo ra 50-80% việc làm của toàn nền kinh tế. Ở Việt Nam, tỷ lệ tương tự hoặc cao hơn, đóng góp lớn vào phát triển.
“Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” - khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, đồng thời mang tầm nhìn chiến lược đối với định hướng phát triển đất nước.
Bệ phóng cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình
Có thể nói, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam ngày nay, đang đứng trước ngoặt chuyển đổi lớn khi Đảng và Nhà nước định hướng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân. Cùng với đó, một không gian phát triển ở kỷ nguyên, với nhiều cơ hội, cũng đòi hỏi sự kế thừa, nối tiếp của các doanh nghiệp gia đình có sự chuyển đổi mới, đặc biệt khi Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp gia đình xuất hiện trong bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp Gia đình lớn nhất toàn cầu do EY đánh giá.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng 2 người con trai: Ông Phạm Nhật Quân Anh và ông Phạm Nhật Minh Hoàng, giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Vingroup hiện nay. Đây là một trong những doanh nghiệp tư nhân, niêm yết top đầu về tổng tài sản, doanh thu, tạo ra công ăn việc làm trong nền kinh tế. (Ảnh: Phụ nữ số)
Nhận xét về bối cảnh chung, ông Trần Đình Cường - Chủ tịch EY Việt Nam, Lãnh đạo EY Việt Nam, Lào và Campuchia, cho biết Việt Nam ngày nay đang trong giai đoạn phát triển tiếp theo với nhiều điều kiện về tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh và đặc biệt là nền kinh tế có độ mở lớn, tỷ trọng trong thương mại toàn cầu gia tăng. Hiện nay, dẫn đầu về năng lực thương mại và số lượng FTA (19 FTA, trong đó 17 FTA đã có hiệu lực), Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu mới.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dự kiến tiếp tục là điểm đến hàng đầu về vốn nước ngoài năm 2025, top 15 quốc gia đang phát triển về FDI. Dự báo năm 2025, giải ngân FDI có thể vượt 30 tỷ USD vào năm 2025, nhờ các lĩnh vực bán dẫn, AI, chuyển đổi số, hậu cần và dược phẩm.
Đáng chú ý, Việt Nam đang đặt những mục tiêu và cải cách trọng yếu với: Duy trì tăng trưởng hai con số liên tục và trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Tuy nhiên, với dự báo thời kỳ nhân khẩu học vàng kết thúc vào năm 2039, chúng ta chỉ còn 15 năm để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Một số động lực cũ của Việt Nam như lao động dồi dào với giá phải chăng, ưu đãi thuế, đất đai để thu hút FDI đang giảm sức hấp dẫn. Do đó, Việt Nam sẽ xây dựng mô hình tăng trưởng mới với những ưu tiên đáng chú ý như phát triển khu vực kinh tế tư nhân, xem khoa học và công nghệ được coi là "con đường duy nhất" đưa đất nước phát triển.
Việc tái định hình vai trò của khu vực tư nhân - Khu vực hiện nay được xác định là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng. Hiện Việt Nam có khoảng 900.000 doanh nghiệp, đóng góp khoảng 50% GDP và tạo 82% việc làm với mục tiêu đến 2030 đóng góp khoảng 70% GDP. Bối cảnh và nền tảng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp gia đình, ông Cường cho biết.
Song theo lãnh đạo EY, hiện Việt Nam chưa có định nghĩa rõ ràng thế nào là doanh nghiệp gia đình và cũng chưa có thống kê chi tiết. Tuy nhiên, thống kê của EY cho biết, trên thế giới, khoảng 80% doanh nghiệp là doanh nghiệp gia đình, tạo ra khoảng 50-80% việc làm của toàn nền kinh tế. Ở Việt Nam, tỷ lệ có thể tương tự, thậm chí cao hơn, đóng góp lớn vào nền kinh tế
Ngày nay, vai trò của khu vực tư nhân đã thay đổi nhanh chóng khi được xác định là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mớI. Theo đó, Nhà nước tập trung thực hiện nhiều giải pháp để giải phóng nguồn lực, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển: Tập trung giảm rủi ro pháp lý, xây dựng tập đoàn tư nhân lớn mạnh, khuyến khích tham gia lĩnh vực chiến lược, hoàn thiện thể chế, giảm can thiệp nhà nước.
Ông Trần Đình Cường cho rằng cơ hội từ tái định vị tại vai trò khu vực kinh tế tư nhân đối với các doanh nghiệp tư nhân, sẽ là lợi thế chiến lược, tiềm năng tăng trưởng, cải cách, phát triển khoa học công nghệ, cơ hội từ căng thẳng địa chính trị, lực lượng lao động hiệu quả.
Tuy nhiên, đi cùng còn có những thách thức do doanh nghiệp tư nhân chủ yếu nội tại quy mô nhỏ, hạn chế tài chính và quản trị, thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp. Đây cũng là khu vực với các SME chậm chuyển đổi số, ít đầu tư khoa học công nghệ (R&D), năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo thấp, năng suất lao động và cạnh tranh chưa cao, tư duy kinh doanh ngắn hạn, thiếu doanh nghiệp dẫn dắt…
Đối với thách thức từ bên ngoài, các doanh nghiệp tư nhân, gia đình thường gặp rào cản tiếp cận nguồn lực (vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao); Môi trường kinh doanh còn nhiều trở ngại, thủ tục phức tạp; Chưa phân định rõ vai trò nhà nước, tồn tại độc quyền và thao túng chính sách. Ngoài ra, còn có những thách thức quyền tự do kinh doanh và tài sản có thể bị xâm hại dễ dàng hơn so với các khu vực khác; chính sách hỗ trợ chưa hiệu quả và công bằng, chi phí không chính thức…
Kế thừa, chuyển giao, quản lý tài sản và phát huy di sản ở thế hệ mới
“Khối doanh nghiệp tư nhân nói chung, và doanh nghiệp gia đình, theo kinh nghiệm thực tiễn của EY, chúng tôi nhận thấy các mối quan tâm "truyền thống" của doanh nghiệp đang là vấn đề tăng trưởng, phát triển doanh nghiệp, xây dựng mô hình quản trị chuẩn, sẵn sàng cho sự kế thừa chuyển giao thế hệ và nâng cao hiệu quả quản lý tài sản, gìn giữ di sản cho thế hệ kế tiếp. Đây là mối quan tâm thường là ở thế hệ F1 của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam”, ông Trần Nam Dũng - Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam, Lãnh đạo Dịch vụ EY Private, EY Việt Nam, Lào và Campuchia - chia sẻ thêm về các chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp gia đình đặt trong bối cảnh định vị mới, trước cơ hội và thách thức hiện nay.
Ông Đỗ Quang Vinh - Phó Chủ tịch HĐQT SHB kiêm P.TGĐ SHB và ông Đỗ Vinh Quang - Phó Chủ tịch HĐQT T&T Group, Chủ tịch Vietravel Airlines là 2 người con của Chủ tịch T&T, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển. Đây là một trong những Tập đoàn tư nhân hàng đầu của kinh tế Việt Nam, đang có sự kế thừa thế hệ để đóng góp vào hành trình phát triển doanh nghiệp lên một tầm cao mới. (Ảnh: T&T Group)
Theo ông Dũng, tuy nhiên, với sự thay đổi và phát triển của nền kinh tế, chúng ta nhận thấy các chủ đề mới hiện cũng đang được quan tâm đặc biệt, đó là sự đa dạng, tuyển dụng tài năng, chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển bền vững, xanh, và các giá trị đóng góp cho cộng đồng. Những chủ đề này chủ yếu được thúc đẩy bởi thế hệ tiếp theo của các thành viên trong gia đình, hay gọi là thế hệ F2.
Theo ông Trần Nam Dũng, cho dù là có mối ưu tiên riêng của từng thế hệ, nhưng trước những biến động rất khó lường của kinh tế thế giới (từ thay đổi thuế quan, chiến tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị…) doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nói chung và doanh nghiệp gia đình nói riêng chú ý đến một số ưu tiên sau:
Trước hết, phải đảm bảo các mục tiêu tồn tại trong ngắn hạn, trước khi nghĩ tới thành công trong dài hạn. Cần xây dựng các kịch bản kinh doanh như lạc quan nhất, thận trọng nhất, vừa phải… như thế nào. Từ đó chuẩn bị các nguồn lực sản xuất, vận hành, kế hoạch tài chính tương ứng. Phải chú trọng và phải hiểu rõ sự khác biệt của các tình huống có thể ảnh hưởng tới dòng tiền, khả năng thanh khoản.
Thứ hai, về dài hạn thì doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp gia đình cũng cần phải hướng đến các mục tiêu phát triển tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh. Để làm được điều đó, chuyển đổi số cần được xem là chiến lược ưu tiên, và là ưu tiên hàng đầu trong thời điểm hiện nay. Cần dành nguồn lực (tài chính, con người) để thực hiện công việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong R&D, chiến lược marketing, bán hàng, trong quản trị tài chính kế toán…
Bà Đặng Huỳnh Ức My hiện là Chủ tịch HĐQT SBT - kế thừa hệ sinh thái mía đường lớn nhất Việt Nam của "nữ hoàng mía đường" Huỳnh Bích Ngọc. Trong gia đình Tập đoàn TTC, bố của bà My là doanh nhân nổi tiếng Đặng Văn Thành, em trai ruột là doanh nhân Đặng Hồng Anh - hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. (Ảnh: TTC AgriS)
Chúng ta biết rằng lợi ích của chuyển đổi số có thể mang lại cho doanh nghiệp rất lớn. Một số ví dụ như: một là giúp doanh nghiệp giảm chi phí thiểu chi phí từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, hai là hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định nhanh hơn dựa trên các số liệu quá khứ, dữ liệu lớn (big data), ba là nâng cao khả năng phục hồi, thích ứng được trong môi trường khó dự báo đầy biến động, và bốn là giúp doanh nghiệp tăng quy mô đáng kể hơn… từ đó tỷ suất lợi nhuận cao hơn”, chuyên gia của EY lý giải.
Chia sẻ thêm, các chuyên gia EY cũng khẳng định tin tưởng và sẵn sàng đội ngũ chuyên gia tư vấn đáng tin cậy để phụng sự các doanh nghiệp gia đình. Một số ví dụ hiện nay, trong 100 doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên HoSE, EY đang cung cấp dịch vụ cho 40%, trong đó chủ yếu là DN tư nhân và gia đình. "Cách tiếp cận của chúng tôi để làm việc với các doanh nghiệp gia đình được gắn liền với nô hình gọi là DNA Doanh nghiệp Gia đình EY. Đây là một mô hình được xây dựng dựa trên các yếu tố mà các DN gia đình quan tâm nhất như “Value – Giá trị tạo dựng”, “Business – Tăng trưởng doanh nghiệp”, “Assets – bảo toàn và gia tăng gia sản”, và “Family – các vấn đề gia đình”.
Ngoài ra tại EY, mô hình 7 Drivers of Growth (7 Động lực tăng trưởng), là một khung độc quyền về tăng trưởng bền vững, xây dựng dựa trên những hiểu biết sâu sắc từ quá trình tăng trưởng của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới cũng được áp dụng cho các doanh nghiệp. 7 Động lực tăng trưởng bao gồm Nhân sự, Công nghệ, Vận hành, Khách hàng, Tài chính-Kế toán, Giao dịch, và Quản trị rủi ro, đã giúp 35.000 doanh nghiệp phát triển công ty. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm hơn 100% đối với các khách hàng mà EY đã thực hiện tư vấn sử dụng 7 Động lực tăng trưởng so với các khách hàng không sử dụng, EY thống kê.





