Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra toàn bộ kho của một cơ sở Bách Hóa Xanh ở TP.HCM, ngay sau khi có thông tin đơn vị này nhập giá đỗ nhiễm hoá chất của nhà cung cấp ở Đắk Lắk.
Chuỗi Bách Hóa Xanh đang có hơn 1.700 cửa hàng trên toàn quốc. Ảnh: Liên Phạm.
Trả lời báo chí bên lề hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025 của Sở An toàn thực phẩm ngày 10/1, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở, cho rằng rất khó để lượng giá đỗ từ Đắk Lắk bị nhiễm hoá chất đưa xuống đến TP.HCM. Tuy nhiên, không phải điều này không thể xảy ra, Sở đã nhanh chóng đi kiểm tra sau khi có thông tin trên.
Trách nhiệm chia đều cho tất cả
Theo PGS Phong Lan, đoàn đã kiểm tra đột xuất một tổng kho hàng ở quận 7 (TP.HCM) của Bách Hóa Xanh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra ở các cơ sở khác. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra của Sở lấy nhiều mẫu giá đỗ ở các chợ để kiểm tra. Tất cả kết quả đều đạt quy định, ở ngưỡng an toàn.
Tuy nhiên, việc kiểm tra này theo bà Phong Lan là mang tính chủ quan, vì vụ việc mới xảy ra nên các chủ doanh nghiệp, chủ sạp hàng đã có sự chuẩn bị khi đoàn kiểm tra đến. Do đó, đoàn kiểm tra sẽ quay lại một cách âm thầm, đột xuất trong thời gian tới, kết quả sẽ khách quan hơn.
Ngoài kiểm tra Bách Hóa Xanh, Sở An toàn thực phẩm sẽ kiểm tra đột xuất 6 hệ thống siêu thị lớn của TP.HCM, đặc biệt là vào dịp cận Tết, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Mỗi siêu thị đều có một bộ test nhanh thực phẩm, khi hàng hoá nhập vào phải kiểm tra ngẫu nhiên. Lúc phát hiện có vấn đề, siêu thị cần trả lại hàng cho nhà cung cấp. Nếu để hàng không đảm bảo chất lượng lọt vào siêu thị, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
"Test nhanh là vũ khí rất hữu hiệu trong việc phát hiện thực phẩm không cần đạt chuẩn an toàn. Các siêu thị cần tận dụng nó, nếu hàng không đạt thì trả", PGS Phong Lan nói.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Việt Linh.
Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước rất khó xử lý triệt để những cơ sở vi phạm. Sở An toàn thực phẩm chỉ có thể xử phạt hành chính, chuyển qua hình sự rất phức tạp. Mức xử phạt hành chính chưa đủ răn đe, nhiều cơ sở vi phạm vẫn tiếp tục tái phạm sau khi nộp phạt xong.
Như vậy, theo bà Lan để xảy ra vụ việc thực phẩm nhiễm hóa chất trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà cung cấp, cơ sở tiêu thụ rồi đến cơ quan chức năng địa phương và các ban ngành liên quan. Tuy nhiên, điều này tạo ra lỗ hỏng quản lý khi không biết chính xác đơn nào chịu trách nhiệm. Do đó, các sở ban ngành cần phối hợp hoặc quy về một mối Sở chuyên môn như An toàn thực phẩm, để xử lý và quy trách nhiệm.
Nhiều mẫu nước đá, nước đóng chai không đạt chất lượng
PGS Phong Lan cho hay trong năm 2024 Sở An toàn thực phẩm đã tăng nhanh số cơ sở được thanh tra, khoảng 15.000 cơ sở, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, số vụ ngộ độc ở thành phố giảm về số lượng và quy mô, không có vụ nào trên 30 người.
Trong quá trình kiểm tra, Sở An toàn thực phẩm nhận thấy nổi lên một số loại mặt hàng có khả năng mất an toàn soát hơn rau, củ, quả, thịt là nước uống đóng chai, nước đá. Đối với nước uống đóng chai các loại, và nước đá có 10% chỉ tiêu vi sinh không đạt.
Chỉ tiêu vi sinh của nước không đạt là dấu hiệu cho thấy nước bị ô nhiễm vi sinh, nhưng không thể được phát hiện bằng thị giác, khứu giác hoặc hương vị. Đoàn thanh tra Sở sẽ tiếp tục kiểm tra sâu hơn.
Đối với thuỷ hải sản, gần 20% sản phẩm bị nhiễm khuẩn, có thể do quá trình bảo quản chưa đảm bảo.
Bà Phong Lan đánh giá tình hình an toàn thực phẩm ở TP.HCM đã có diễn biến tốt hơn, nhưng cơ quan quản lý chưa có khả năng nghiệp vụ để chặn bắt, phát hiện kịp thời những vi phạm để xử phạt. Vì vậy, Sở An toàn thực phẩm sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục làm mạnh tay trong thời gian tới.
Trước mắt, từ nay đến Tết, Sở sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, đặc biệt là những cơ sở sản xuất mặt hàng tiêu dùng nhiều vào dịp này là giò, chả, xúc xích, thịt nguội, bánh mứt, bia rượu.
Bình luận (21)