Chiều ngày 6/1/2025 Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với doanh thu toàn tổng công đạt 24.813 tỷ đồng và lợi nhuận toàn tổng công ty đạt 4.940 tỷ đồng.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của VIMC diễn ra chiều ngày 6/1/2025.
Như vậy, đây là năm thứ 4 liên tiếp VIMC ghi nhận lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng giám đốc VIMC tự tin, với kết quả này VIMC tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Nhìn lại năm 2024, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ, đó là một năm mà tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang ở nhiều khu vực, giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải biến động mạnh... năm 2024 cũng chứng kiến kinh tế, thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc; tổng cầu, đầu tư toàn cầu sụt giảm; tỷ giá, lãi suất biến động khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng diễn biến phức tạp…
Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của VIMC.
“Chúng ta không thể thay đổi được cơn gió, nhưng có thể điều chỉnh cánh buồm”, Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh nói về cách mà VIMC vượt qua những khó khăn của năm 2024 để tiếp tục chinh phục mức lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Theo lời Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh, trong bối cảnh khó khăn đó, VIMC và các doanh nghiệp thành viên đã chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài; vừa phải khắc phục những hạn chế, nhất là ứng phó, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Đồng thời, hoạt động hợp tác quốc tế liên tục được mở rộng; đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển và đạt được nhiều kết quả nổi bật; đổi mới và chú trọng công tác thu hút, bồi dưỡng nhân tài; tiếp tục tập trung xây dựng, chuẩn hóa các quy trình liên quan trực tiếp đến khách hàng và khai thác: Quy trình phát triển dịch vụ chuỗi, quy trình giao nhận tại cảng, quy trình khai thác container…
“Thành tựu được tạo nên từ nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công nhân viên VIMC trên khắp các cảng biển và tuyến vận tải. Vượt qua tất cả những trở lực, năm 2024 đã ghi nhận những kết quả kinh doanh đầy tích cực của VIMC”, ông Tĩnh nhấn mạnh.
Kết quả kinh doanh năm 2024 của VIMC.
Theo báo cáo của VIMC, ngoài kết quả kinh doanh đột phá, năm 2024 VIMC còn ghi dấu ẩn trên nhiều lĩnh vực như trong hoạt động hợp tác quốc tế khi phát triển 10 tuyến dịch vụ container mới kết nối Việt Nam với châu Âu; Hệ thống cảng của VIMC đã tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho toàn bộ các hãng tàu Top 10 thế giới; Ký kết với tập đoàn MSC thành lập liên doanh để khai thác hai bến container quốc tế số 3, 4 thuộc dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện...
Đáng chú ý, năm 2024 VIMC đã hoàn thành ký kết thỏa thuận thành lập liên doanh đầu tư và xây dựng dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chủ trương.
Đây là dự án có quy mô lớn được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực.
Nói về mục tiêu năm 2025, lãnh đạo VIMC cho biết, đây là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích. VIMC phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 – 2025 hướng tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và kỷ niệm 30 năm thành lập Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Trong năm 2025 VIMC sẽ tập trung vào 6 mục tiêu chiến lược:
- Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bền vững các hoạt động cốt lõi, quyết tâm giữ vững và phát triển thị trường, thị phần đồng thời tìm kiếm và tạo động lực tăng trưởng mới trên cơ sở hệ sinh thái cảng biển – vận tải biển – logistics.
- Thiết kế và cung cấp trải nghiệm khách hàng xuất sắc, nâng tầm và lan tỏa văn hóa “Lấy khách hàng làm trung tâm” trong mọi không gian, hoạt động.
- Hoàn thành và hoàn thành vượt mức tiến độ các dự án đầu tư phát triển, đặc biệt các dự án trọng điểm: bến số 3,4 Lạch Huyện; cảng Liên Chiểu, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và dự án cảng Liên Chiểu.
- Xây dựng nền tảng, quy định, quy chế theo hướng nhất thể hóa (One System), đồng bộ hóa các quy định nội bộ, hướng tới sự linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
- Tăng cường đào tạo nội bộ, thu hút nhân tài bên ngoài để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền thực chất, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.