Những tháng đầu năm 2024, mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu được coi là thách thức lớn của ngành thủy sản trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất định. Tuy nhiên, đến những ngày cuối năm, ngành thủy sản đã có thể tự tin về đích như mục tiêu đề ra.
NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính trong kỳ đều tăng trưởng hai con số như tôm với +14% so với cùng kỳ, lên 3,6 tỷ USD; cá tra tăng 10%, đạt 1,8 tỷ USD; cá ngừ tăng 17%, đạt 903 triệu USD; cua ghẹ và giáp xác khác tăng 58%, đạt 296 triệu USD...
Nhìn lại một năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn đầu ngành cũng ghi nhận những kết quả doanh thu tích cực. Trước hết là “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (CTCP Vĩnh Hoàn, HoSE: VHC) đã mang về 11.458 tỷ đồng doanh thu chỉ trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Các thị trường chính của Vĩnh Hoàn đều ghi nhận tăng trưởng cao, đặc biệt trong các tháng cuối năm 2024.
Cụ thể, doanh thu của VHC tại Trung Quốc hai tháng gần nhất tăng vượt trội hai con số với lần lượt +80% YoY trong tháng 10 và +32% YoY trong tháng 11.
Tương tự, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu tại thị trường Mỹ lần lượt là +161% YoY vào tháng 10/2024 và +40% YoY vào tháng 11/2024. Tại châu Âu, kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Hoàn tăng 16% trong tháng 10 và 32% trong tháng 11.
Doanh nghiệp tôm lớn là CTCP Thực phẩm Sao Ta (Hose: FMC) đã vượt gần 9% kế hoạch doanh số năm trong 11 tháng với 228 triệu USD. Hiện thị trường chính của doanh nghiệp là Nhật Bản, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng mở rộng, từng bước thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Đối với các doanh nghiệp khác, 3 quý đầu năm, CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (UPCom: MPC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.207 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 135 tỷ đồng, cao gấp gần 17 lần so với 9 tháng đầu năm 2023.
Tương tự, 3 quý đầu năm 2024, CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I (HoSE: IDI) thu về doanh thu bán hàng của doanh nghiệp đạt 5.454 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2024, ngành thủy sản Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức và đạt được một kết quả xuất khẩu ấn tượng, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Đây là một thành tựu lớn không chỉ của ngành thủy sản mà còn đóng góp vào kết quả xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp với kim ngạch kỷ lục 62 tỷ USD trong năm nay.
Các sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam trong năm 2024 bao gồm tôm, cá tra, cá ngừ và hải sản chế biến ghi nhận kết quả tăng trưởng cao. Đặc biệt, tôm xuất khẩu đạt gần 4 tỷ USD và cá tra quay lại mốc 2 tỷ USD.
Một trong những điểm sáng là thị trường Trung Quốc & Hong Kong – thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam - ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội 26,8% và đạt 1,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn với 19,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe cho rằng, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường lớn nhất và sẽ tiếp tục là thị trường mục tiêu của thủy sản Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này giảm (như cá tra) nhưng xuất khẩu tôm chân trắng, tôm hùm, cua ốc đều tăng mạnh, điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn rất lớn và là một phần quan trọng trong kết quả xuất khẩu chung của ngành.
Trong khi đó, Mỹ cũng đóng vai trò là thị trường quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu đạt 1,83 tỷ USD trong năm 2024, tăng 16,9% so với năm trước.
Khối CPTPP cũng là điểm nổi bật khi đạt kim ngạch 2,56 tỷ USD từ việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tăng +6,2% YoY. Các khu vực như EU (kim ngạch xuất khẩu đạt 1,02 tỷ USD, tăng 7,1% YoY) và Nhật Bản (đạt 1,55 tỷ USD, tăng 3,1% YoY) dù tăng trưởng chậm hơn nhưng vẫn là các thị trường ổn định và có tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe cũng cho rằng, dù sự hồi phục tại các thị trường là rõ rệt, doanh nghiệp tăng trưởng về doanh thu nhưng trong năm qua, các công ty thủy sản vẫn đối diện với không ít thách thức. Bao gồm thách thức về nguồn nguyên liệu và thị trường; thiếu nguyên liệu trong nước, giá nguyên liệu tôm, cá tra tăng. Trong khi đó, thủy sản Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia sản xuất thủy sản lớn như Ấn Độ, Ecuador và Indonesia.
Đồng thời, các rào cản thuế quan, đặc biệt là thuế chống trợ cấp đối với tôm đông lạnh xuất khẩu, thuế chống bán phá giá tôm, cá tra tại Mỹ cũng là khó khăn không nhỏ.
Đối với cá ngừ, mực, bạch tuộc và các loài hải sản xuất khẩu, ngoài vấn đề thiếu hụt nguyên liệu, doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp rào cản liên quan đến các thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản có nguồn gốc khai thác, khiến việc xuất khẩu bị đình trệ.
NGÀNH THỦY SẢN NĂM 2025 DỰ BÁO TIẾP TỤC TƯƠI SÁNG
Trong năm 2025, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với mục tiêu đạt từ 10 - 11 tỷ USD. Ngành thủy sản có nhiều cơ hội nhờ vào các hiệp định thương mại và nhu cầu tiêu thụ gia tăng tại các thị trường lớn.
Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, các thách thức vẫn sẽ tồn tại, bao gồm sự cạnh tranh từ các quốc gia khác cũng như những biến động về giá nguyên liệu và chi phí sản xuất. Những biến động địa chính trị, chiến tranh thương mại trên toàn cầu có thể mang tới cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp của ngành phát triển, VASEP đã đề xuất một số giải pháp như cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tăng trưởng xuất khẩu bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như cải cách thủ tục hành chính và mở cửa thị trường cũng đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp thủy sản duy trì và phát triển xuất khẩu.
Đánh giá tiềm năng các thị trường trong năm tới, Tổng thư ký VASEP lưu ý, cơ hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2025 vẫn rất lớn nhờ vào nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ của thị trường này, nhất là những dòng sản phẩm tươi sống, cao cấp. Dự đoán giao thương thủy sản Trung Quốc và Mỹ sẽ sụt giảm trong thời gian tới trước áp lực của chính sách thuế quan mới của Mỹ và nguy cơ trả đũa của Trung Quốc. Đây là cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc những dòng sản phẩm như tôm hùm, cua, ốc, nghêu, hải sản sống.
Để khai thác tốt hơn thị trường này, ông Trương Đình Hòe cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ chặt chẽ các quy định về xuất khẩu và cải tiến khả năng cung ứng thông qua các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử.
Trong khi đó, thị trường Halal với quy mô 2 tỷ người tiêu dùng đang nổi lên như một cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các quốc gia Hồi giáo như Malaysia, Indonesia và Trung Đông.
Năm 2024, thị trường Trung Đông – nơi có các nền kinh tế Hồi giáo phát triển - ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với +19% YoY về giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đạt 367 triệu USD. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy khu vực này đang trở thành một thị trường tiềm năng cho thủy sản Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên, để thâm nhập và mở rộng thị trường này, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn Halal nghiêm ngặt, từ quy trình sản xuất đến chứng nhận sản phẩm, ông Trương Đình Hòe cho biết.
Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Thành Hải Sang – chuyên gia Halal của GHC (tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam) cho biết, để chứng thực là sản phẩm Halal thì nguyên liệu sản xuất sản phẩm đó bắt buộc phải không có thành phần cấm theo luật Shari’ah của người Hồi giáo và đảm bảo sự “tinh khiết” trong quá trình sản xuất.
Nguyên liệu sử dụng không có nguồn gốc từ động vật bị cấm; điều kiện về nhà xưởng và vệ sinh an toàn phải được đảm bảo; không sử dụng cồn dưới mọi hình thức để cho trực tiếp vào sản phẩm...
Đơn cử, thiết bị, máy móc, dụng cụ và các phương tiện hỗ trợ chế biến thực phẩm Halal phải được chế tạo không chứa bất cứ nguyên vật liệu được coi là chất dơ (najs) theo luật Shari’ah và chỉ được sử dụng cho chế biến thực phẩm Halal.
Hay trong vấn đề đóng gói và dán nhãn, thiết kế, ký hiệu và biểu tượng logo, tên và hình ảnh sử dụng cho mục đích đóng gói không được gây hiểu nhầm hoặc trái luật Shari’ah...
Nội dung & thiết kế: Lê Hồng Nhung
Bình luận (7)
Từ tháng 1 đến giờ thì VHC tăng 28%, ANV tăng 38%. Bác ăn thế chưa đủ à?
- **Xuất khẩu thủy sản năm 2024 vượt mục tiêu**: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, với đóng góp lớn từ các sản phẩm như tôm (3,6 tỷ USD), cá tra (1,...Thêm