Hãy là người đầu tiên thích bài này
Mây đen bao phủ nền kinh tế Đức: GPD đến năm 2026 may ra mới phục hồi

Giới chức và doanh nghiệp Trung Quốc muốn mua lại các nhà máy ô tô sắp bị đóng cửa của Đức để xây dựng sức ảnh hưởng của mình.

Giới chức và doanh nghiệp Trung Quốc muốn mua lại các nhà máy ô tô sắp bị đóng cửa của Đức, theo Reuters. Động thái sẽ cho phép nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xây dựng sức ảnh hưởng của mình trong ngành công nghiệp xe hơi danh giá của Đức.

Được biết trước đó, các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, từ viễn thông đến robot, song chưa sở hữu bất kỳ nhà máy sản xuất ô tô truyền thống nào. Ý định được tiết lộ trong bối cảnh Volkswagen - nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu - ghi nhận doanh số sụt giảm do cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty Trung Quốc.

Hãng này đã thông báo hàng loạt thay đổi lớn với hoạt động tại Đức, bao gồm kế hoạch cắt giảm hơn 35.000 việc làm đến cuối năm 2030. Hai nhà máy nhỏ tại các thành phố Dresden và Osnabrueck sẽ dừng dây chuyền chế tạo ô tô.

Volkswagen chưa đóng cửa bất kỳ nhà máy nào kể từ khi chấm dứt hoạt động nhà máy Westmoreland ở Pennsylvania, Mỹ, vào năm 1988. Động thái phần nào cho thấy nhà sản xuất ô tô này ảnh hưởng nặng nề như thế nào do nhu cầu xe điện thấp đi. 

“Chúng tôi cam kết tìm kiếm mục đích sử dụng khác cho cơ sở này. Mục tiêu phải là một giải pháp khả thi, cân nhắc lợi ích của công ty và người lao động”, phát ngôn viên Volkswagen nói.

Stephan Soldanski, đại diện công đoàn tại Osnabrueck nói không phản đối việc sản xuất cho một trong những đối tác liên doanh của Volkswagen tại Trung Quốc. “Tôi có thể hình dung rằng chúng tôi sẽ sản xuất cho một liên doanh Trung Quốc nhưng dưới logo và tiêu chuẩn của Volkswagen. Đó là điều kiện tiên quyết”, ông nói.

Theo các chuyên gia, hai nhà máy bị lên kế hoạch đóng cửa của Volkswagen có thể được định giá 100-300 triệu euro (tương đương 103-309 triệu USD) mỗi cơ sở. Việc lựa chọn bán lại cho các đối tác Trung Quốc sẽ giúp nhà sản xuất xe hơi Đức này tiết kiệm chi phí hơn so với kế hoạch đóng cửa hoàn toàn.

Hiện nhiều nhà sản xuất ôtô Trung Quốc cũng tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy tại châu Âu, thị trường xe điện lớn thứ hai thế giới. Động thái nhằm tránh các thuế quan do Ủy ban châu Âu áp đặt vào năm ngoái.

Theo Reuters, hầu hết các nhà đầu tư Trung Quốc đã chọn xây dựng nhà máy mới tại các quốc gia có chi phí thấp hơn và công đoàn yếu hơn, chẳng hạn như BYD chọn ở Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Leapmotor lên kế hoạch sản xuất cùng Stellantis tại Ba Lan, trong khi Chery Auto bắt đầu sản xuất xe điện trong năm nay tại nhà máy từng thuộc sở hữu của Nissan ở Tây Ban Nha. Tháng 10/2024, một giám đốc cấp cao của Chery Auto tại châu Âu cho hay việc mua lại nhà máy sẽ nhanh, song xây mới hoàn toàn lại thuận tiện hơn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn hiện đại. 

Các quyết định đầu tư sẽ phụ thuộc vào lập trường của chính phủ Đức mới sau cuộc bầu cử vào tháng 2, theo nguồn tin. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các công ty muốn đầu tư vào Đức nên được phép mua lại nhà máy.

“Trung Quốc đã giới thiệu nhiều biện pháp mở cửa để tạo cơ hội kinh doanh cho các công ty nước ngoài. Hy vọng rằng phía Đức cũng duy trì một tư duy cởi mở và môi trường kinh doanh công bằng, không phân biệt đối xử với doanh nghiệp Trung Quốc”, phát ngôn viên cơ quan này cho biết.

Được biết, sản xuất công nghiệp của Đức hiện vẫn thấp hơn 10% so với tiền đại dịch Covid-19. Khả năng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu có thể khiến tình hình càng tệ hơn, khi hàng xuất khẩu Đức và dòng tiền đầu tư vào đây chịu tác động.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Đức còn dự báo kinh tế tiếp tục trì trệ năm nay. GDP “chỉ có thể phục hồi chậm trong năm 2026”.

“Các khảo sát cho thấy sản xuất trong vài tháng tới có thể vẫn trì trệ. Hơn nữa, thách thức cấu trúc mà ngành xe hơi Đức phải đối mặt sẽ tiếp tục gây sức ép lên sản xuất công nghiệp của khu vực đồng euro thêm một thời gian nữa”, Capital Economics nhận định.

Trước đó, trong quý IV/2024, Đức ghi nhận số vụ phá sản doanh nghiệp cao nhất kể từ năm 2009 do lãi suất và chi phí tăng. 4.215 vụ phá sản doanh nghiệp đã gây ảnh hưởng đến gần 38.000 việc làm - mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào giữa năm 2009. Con số tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy những thách thức kinh tế mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Viện nghiên cứu kinh tế Halle (IWH) cho rằng số vụ phá sản doanh nghiệp gia tăng một phần là do kết thúc nhiều năm duy trì lãi suất cực thấp. Trong thời kỳ đại dịch, các khoản trợ cấp của chính phủ như trợ cấp ngắn hạn cũng đã giúp các công ty tránh được rủi ro này.

Theo: Reuters, CNN

Vũ Anh-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long