Thực tế cung vượt xa cầu, tình trạng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu khó khăn vẫn đang khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn như Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn… thua lỗ trong quý đầu năm nay.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (Vicem Hà Tiên) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với doanh thu thuần bán hàng sụt giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2023 và lỗ gần 24,7 tỷ đồng. Doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn nhất khu vực miền Nam này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm khi ghi nhận sản lượng năm ngoái giảm đến 19,4%. Còn trong quý I/2024, sản lượng xi măng bán ra giảm 6,43% so với quý I/2023. Tình hình các quý tới không được cải thiện thì Vicem Hà Tiên có thể đối mặt với nguy cơ thua lỗ trong năm nay.
Bên cạnh Vicem Hà Tiên, nhiều doanh nghiệp xi măng lớn cũng báo lỗ trong quý I/2024. Trong đó, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận doanh thu thuần 690 tỷ đồng, giảm 19% so với quý I/2023 và lỗ sau thuế gần 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 48,6 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp này kể từ quý III/2022.
Tại Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn, sản lượng tiêu thụ xi măng quý I/2024 giảm 18,34% so với cùng kỳ năm 2023, từ 666.589,05 tấn xuống còn 544.285,13 tấn. Kết quả này khiến doanh thu thuần bán hàng của Công ty trong quý I/2024 giảm 21,1%, đạt 515 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Vicem Bút Sơn lỗ ròng 55,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quý I/2024, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai lỗ 5,3 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân lỗ 20 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI lỗ 6,3 tỷ đồng.
Lượng xi măng xuất khẩu và bán ra trong nước sụt giảm đang là tình cảnh chung của hơn 60 nhà máy xi măng trên cả nước. Trong 2 năm qua, lượng tiêu thụ xi măng trong nước ghi nhận tăng trưởng âm. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ nội địa năm 2023 đạt 56,6 tỷ đồng, giảm 9,7% so với năm 2022; sản lượng tiêu thụ năm 2022 giảm 0,05% so với năm 2021.
Theo báo cáo mới đây của Vicem Bỉm Sơn, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa so với nhu cầu. Trong năm 2024, một số dây chuyền sản xuất xi măng đi vào hoạt động như Xi măng Vissai Đại Dương 2, Xi măng Xuân Sơn, đẩy nguồn cung xi măng tăng lên khoảng 122,5 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo khoảng 59,2 triệu tấn (tăng khoảng 5% so với năm 2023). Điều này dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Với xuất khẩu, do cạnh tranh từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác trong khu vực, sản lượng xuất khẩu dự báo đạt khoảng 20,5 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2023.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đang kiến nghị Chính phủ có giải pháp về công nghệ xây dựng để tăng lượng tiêu thụ xi măng. “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, đường bê tông xi măng cốt thép thay cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nơi nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát qua”, TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA cho biết.
Theo VNCA, cần sử dụng công nghệ gia cố nền đường xi măng - đất thay cho công nghệ truyền thống để nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình vì công nghệ này đã được các nước châu Âu, Mỹ sử dụng từ nhiều năm trước và nay vẫn đang sử dụng.
Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào cuối tháng 4/2024, Ban lãnh đạo Vicem Hà Tiên đánh giá, thời điểm phục hồi của thị trường xi măng rất khó đoán định. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ về chính sách tiền tệ, lãi suất; Luật Đất đai 2024 dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7; Bộ Tài nguyên và Môi trường thí điểm một số cơ sở nhà đất chuyển sang nhà ở xã hội... sẽ giúp thị trường bất động sản “ấm” dần lên, dự báo nhu cầu xi măng trong các quý tới sẽ tăng trưởng so với quý I/2024.
Tác giả: Hoàng Việt
Bình luận (5)
Điểm chính:
- Nhiều doanh nghiệp xi măng lớn thua lỗ trong quý 1/2024: Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn, ...Thêm