Hãy là người đầu tiên thích bài này
Kỳ 2: Vietcombank chuyển mình, tham gia tích cực Đề án 06

Với vai trò là đơn vị dẫn đầu ngành Ngân hàng Việt Nam, Vietcombank đã tích cực ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số để triển khai tốt nhất các nội dung của Đề án 06, mang lại giá trị mới cho cộng đồng, người dân và toàn nền kinh tế.

Điểm sáng chuyển đổi số tại Vietcombank

Hơn 2 năm thực hiện Đề án 06, Vietcombank đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Tại Quyết định số 171/QĐ-NHNN ngày 18/2/2022 của Thống đốc NHNN về việc Ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 và Công văn số 01/KHPH-BCA-NHNNVN ngày 24/4/2023 về Kế hoạch phối hợp Triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Bộ Công an và NHNN (Kế hoạch 01), Vietcombank được giao nhiệm vụ là một trong các tổ chức tín dụng (TCTD) thí điểm và triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động của ngân hàng.

Ngay trong năm 2022, Vietcombank đã thành lập Ban triển khai Đề án 06 do Tổng Giám đốc làm Trưởng Ban, trực tiếp chỉ đạo, định hướng hoạt động của Ban triển khai Đề án 06, với sự tham gia của các thành viên Ban điều hành phụ trách các Khối Bán lẻ, Khối Công nghệ Thông tin và Chuyển đổi số, Khối Quản lý rủi ro, Khối Pháp chế và Tuân thủ. Vietcombank xác định nhiệm vụ ứng dụng các giải pháp thuộc Đề án 06 và Kế hoạch 01 của NHNN và Bộ Công an là rất quan trọng trong hoạt động của ngân hàng.

Hai năm qua, Vietcombank đã tích cực xây dựng hệ thống công nghệ, hạ tầng, quy trình sản phẩm dịch vụ ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Vietcombank đã phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an (C06) và các bộ ban ngành, các đơn vị có liên quan triển khai 06 nhiệm vụ trọng tâm để làm sạch dữ liệu khách hàng, chấm điểm cấp tín dụng, phối hợp triển khai tài khoản an sinh xã hội...

Đầu tiên phải kế đến hành trình chuyển đổi số dịch vụ ngân hàng và tự động hóa quy trình.Vietcombank đã đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin, phát triển các ứng dụng ngân hàng trực tuyến và di động, giúp khách hàng thực hiện giao dịch nhanh chóng và thuận tiện hơn. Từ năm 2021, Vietcombank đã ban hành Nghị quyết số 363/NQ-VCB-HĐQT về việc phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi số đến năm 2025 cũng như Kế hoạch hành động chuyển đổi đến 2025 với 7 nhóm hành động chính bao gồm: (i) Hiện đại hóa nền tảng công nghệ và hạ tầng dữ liệu; (ii) Nâng cao trải nghiệm khách hàng; (iii) Tối ưu hoá qui trình nội bộ, tự động hóa tác nghiệp; (iv) Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); (v) Chuyển đổi mô hình hoạt động thích ứng với chuyển đổi số; (vi) Mô hình kinh doanh mới, phát triển hệ sinh thái số trong sự hợp tác với Fintech và (vii) Hoàn thiện cơ chế chính sách cho chuyển đổi số. Song song đó là việc đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số hướng đến các mô hình kinh doanh mới như Ngân hàng mở để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn tiện lợi với chi phí thấp.

Tiếp đó, Vietcombank đã triển khai hệ thống chăm sóc khách hàng sử dụng AI và big data để cá nhân hóa trải nghiệm, cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ hiệu quả hơn. Nổi bật phải kể đến Giải pháp Call API của Vietcombank đã được nhận giải thưởng “Trải nghiệm khách hàng của năm - ngành ngân hàng" (Customer Experience of the Year - Banking) do Tạp chí The Asian Business Review trao tặng. Giải pháp Call API cho phép khách hàng gọi trực tiếp từ ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank đến tổng đài của Vietcombank thông qua internet. Bên cạnh đó, khách hàng có thể đặt yêu cầu gọi lại khi đường dây đang bận hoặc chuyển hướng cuộc gọi đến chatbot. Công nghệ này dựa trên nền tảng WebRTC, tích hợp với hệ thống tổng đài VoIP hiện có của ngân hàng. Một trong những điểm nổi bật của giải pháp này là khả năng xác thực người dùng thông qua tài khoản và mật khẩu trên ứng dụng VCB Digibank. Nhờ vậy, khách hàng không cần phải trả lời các câu hỏi xác minh như khi gọi qua kênh viễn thông truyền thống, mang lại cho khách hàng trải nghiệm thuận tiện, an toàn hơn. Chính giải pháp này đã góp phần không nhỏ tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các kế hoạch thuộc Đề án 06 tại Vietcombank, hỗ trợ đắc lực người dân trong những ngày đầu triển khai xác thực sinh trắc học.

Lễ ký kết “Dịch vụ xác thực điện tử” giữa đại diện Bộ Công an và Vietcombank

Ngoài ra, không thể không nói đến việc triển khai kết nối với các nền tảng số. Ngân hàng cũng tích cực hợp tác với các công ty công nghệ để mở rộng dịch vụ, điển hình như ví điện tử và các ứng dụng thanh toán trực tuyến. Vietcombank đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tại các quầy giao dịch, trên kênh số VCB Digibank, quản lý hạn mức giao dịch tập trung, xác thực giao dịch trên VCB Digibank hay các giao dịch nạp ví điện tử… Việc triển khai thành công thu thập và xác thực sinh trắc học cho khách hàng qua VNeID của Vietcombank thể hiện việc triển khai nghiêm túc Kế hoạch 01 giữa ngành Ngân hàng và Bộ Công an trong Triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên ứng dụng giải pháp này, mang tới trải nghiệm liền mạch và hoàn toàn online đảm bảo các thông tin đối khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cập nhật nhất.

Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024, Vietcombank cũng trình diễn ứng dụng xác thực sinh trắc học bằng dữ liệu khuôn mặt (Facepay) theo quy định mới của NHNN, giúp tăng cường phòng chống gian lận trong các giao dịch điện tử. Khi giao dịch thanh toán phải xác thực khuôn mặt sẽ khiến tội phạm không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc và khó có thể lấy được tiền của chủ tài khoản.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá: "Việc xác thực sinh sinh trắc học là rất quan trọng, bởi khi chiếm đoạt được thông tin thì kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nhưng các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học. Do đó, tội phạm không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền".

Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng đang đầu tư rất lớn cho công nghệ để khách hàng có trải nghiệm xác thực sinh trắc học và ngân hàng số tốt hơn. Xác thực sinh trắc học sẽ giúp tài khoản ngân hàng của người dân được bảo mật tốt hơn, góp phần hạn chế nạn lừa đảo đang ngày càng tinh vi hơn.

"Chúng tôi đang đầu tư rất nhiều vào công nghệ trong thời gian qua. Việc nâng cao bảo mật cho khách hàng là nhiệm vụ rất dài hơi và tốn kém”, lãnh đạo Vietcombank cho biết.

Những trái ngọt thu về

Là một trong các ngành lĩnh vực được xác định có mức độ sẵn sàng cao cần ưu tiên chuyển đổi số trước, NHNN là một trong số các bộ, ngành đã triển khai thực hiện Đề án 06 với Quyết định số 182/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch năm 2024 của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định số 06. Ngoài ra, việc phối hợp chặt chẽ giữa NHNN với các đơn vị chức năng tại Bộ Công an nhằm xây dựng lộ trình cụ thể triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 tại Quyết định 171, Quyết định 264, Kế hoạch 01 và các văn bản chỉ đạo có liên quan, được xem căn cứ quan trọng để các đơn vị thống nhất triển khai thực hiện.

Trên thực tế, trong 2 năm qua, Vietcombank đã tích cực xây dựng hệ thống công nghệ, hạ tầng, quy trình sản phẩm dịch vụ ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Nhờ đó, Vietcombank đã đạt được những kết quả tích cực như hoàn thành xây dựng hệ thống ứng dụng điểm khả tín đối với sản phẩm thấu chi online. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng là đơn vị đi đầu hoàn thành thủ tục, kết nối kỹ thuật với nền tảng định danh, xác thực điện tử và ứng dụng VNeID.

Việc triển khai thành công ứng dụng căn cước công dân gắn chip trong việc định danh và xác thực khách hàng tại quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành và các đơn vị liên quan như Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) đã góp phần hoàn thành mục tiêu liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng, tạo thuận lợi trong việc chi trả các khoản an sinh xã hội đến người dân.

Vietcombank còn là ngân hàng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ đầu tiên với RAR để ứng dụng Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an vào thu thập, làm sạch thông tin và xác thực sinh trắc học cho khách hàng trên kênh ngân hàng số, làm cơ sở đáp ứng quy định của Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của NHNN về việc “Triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng”.

Đến tháng 9/2024, gần 6 triệu khách hàng của Vietcombank đã cập nhật thông tin sinh trắc học, đứng đầu trong tất cả các ngân hàng tại Việt Nam. Hệ thống xác thực sinh trắc học của Vietcombank được vận hành ổn định, an toàn. Luồng xác thực bằng sinh trắc học được xử lý nhanh chóng, chính xác với tỉ lệ giao dịch xác thực sinh trắc học của Vietcombank hiện nay là khoảng 4%.

Có thể nói, với nỗ lực của Vietcombank nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung, nguồn dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đặc biệt trong thời gian tới khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được làm giàu thông tin từ các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành đã trở thành nguồn thông tin tốt để các TCTD xác minh nhân thân khách hàng và tra cứu các thông tin để đánh giá khả năng trả nợ, từ đó có thể đẩy nhanh thủ tục cho vay, góp phần giảm tín dụng đen. Điểm đáng chú ý là sau khi triển khai xác thực sinh trắc học số vụ việc gian lận đã giảm 50% so với trung bình 7 tháng đầu năm, số tài khoản liên quan đến lừa đảo, gian lận giảm 72%.

Vietcombank là một trong 5 tập thể được nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN về tinh thần tích cực vào cuộc và sự quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án 06

Theo quyết định số 815/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN ban hành ngày 2/5/2024, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một trong 5 tập thể được nhận Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Việc trao tặng bằng khen diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” diễn ra ngày 8/5/2024. Sự ghi nhận của NHNN là động lực để Vietcombank thêm nỗ lực, trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ cùng Kế hoạch 01 của ngành Ngân hàng nhằm không ngừng nâng cao trải nghiệm và chất lượng dịch vụ khách hàng, gia tăng hiệu quả, chất lượng hoạt động, góp phần tích cực thực hiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Nhóm tác giả - Phòng Quan hệ Công chúng TSC

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long