Việc được tăng vốn điều lệ theo chủ trương của Quốc hội sẽ giúp Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) tăng sức cạnh tranh...
Bối cảnh cạnh tranh theo HVN có ít nhất 120 hãng bay quốc tế; và nhờ tiếp vốn, Tổng Công ty sẽ thêm điều kiện nhằm khắc phục lỗ để “nhẹ cánh bay cao”.
Doanh thu và lợi nhuận của HVN qua các năm.
HVN dự kiến sẽ họp ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 21/01/2025 nhằm bàn kế hoạch chào bán cổ phiếu tăng vốn. Đây là một trong những giải pháp đã được Quốc hội thống nhất cho chủ trương để HVN có thể phục hồi và phát triển bền vững.
Sẵn sàng tăng vốn
Theo đó, HVN sẽ chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, Quốc hội cho phép Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại HVN thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi HVN thực hiện phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 01 với quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2, Quốc hội chấp thuận về chủ trương, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án (trong đó, bao gồm phương án Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp) với quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng. Trường hợp phát sinh vướng mắc thì tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền.
Hiện nay, HVN chỉ mới công bố Nghị quyết về họp ĐHĐCĐ, chưa công bố tài liệu họp. Một yếu tố đang được nhiều cổ đông, nhà đầu tư quan tâm đối với cuộc họp này là kỳ ĐHĐCĐ diễn ra trong bối cảnh các cơ quan thuộc bộ máy Nhà nước đang sắp xếp tinh gọn có ảnh hưởng gì đến hoạt động tăng vốn theo chủ trương của HVN?
Một chuyên gia tài chính nhận định, theo định hướng, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (CMSC), đại diện quản lý vốn sở hữu Nhà nước tại HVN, sẽ kết thúc hoạt động và chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cho các bộ quản lý ngành và nghiên cứu mô hình tổ chức trực thuộc Chính phủ.
HVN cũng trong danh sách 19 tập đoàn nói trên. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng đến nhiệm vụ thực hiện quyền mua của SCIC. Trước đó, năm 2021, SCIC cũng đã thực hiện theo chủ trương giải ngân gần 7.000 tỷ đồng mua cổ phần HVN nhằm hỗ trợ HVN có dòng tiền thanh toán và bù đắp cho kinh doanh bị tổn thương bởi đại dịch. “Chưa biết, bộ ngành nào sẽ tiếp nhận quyền quản lý HVN, nhưng việc được tăng vốn sẽ giúp doanh nghiệp này tăng nguồn lực cạnh tranh được với ít nhất 120 hãng bay quốc tế tới thị trường Việt Nam”, chuyên gia nói trên nhận định.
Triển vọng năm 2025
Ở góc độ tài chính, theo kết quả ước tính chưa kiểm toán, năm 2024, HVN đứng đầu 5 tổng công ty Nhà nước do CMSC quản lý với doanh thu 113.577 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước thực hiện 6.264 tỷ đồng, vượt lần lượt 7% và 38,5% kế hoạch năm. Với kết quả này, HVN đã chính thức chấm dứt chuỗi 4 năm thua lỗ liên tiếp.
Hiện chưa có báo cáo tài chính quý IV/2024 của HVN, nên xét tại quý III, tuy khởi sắc như vậy nhưng HVN vẫn lỗ lũy kế 35.255 tỷ đồng, giảm 5.832 tỷ đồng so với đầu năm nay, vốn chủ sở hữu của công ty vẫn âm 11.086 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp này ở mức 57.351 tỷ đồng, giảm 356 tỷ đồng so với con số đầu năm nay, chủ yếu là tài sản dài hạn với 40.979 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 16.372 tỷ đồng, khoản tiền và tương đương tiền là 3.533 tỷ đồng. Tổng số nợ của HVN tính đến cuối tháng 9/2024 là 68.438 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính của doanh nghiệp này ở mức 22.126 tỷ đồng, giảm 19% so với số đầu năm nay.
Theo chủ trương, Quốc hội cũng cho phép Công ty CP Hàng không Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2024. Pacific Airlines có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thuế còn nợ (nợ gốc) trước ngày 31 tháng 12 năm 2024. Sau thời hạn trên, cơ quan thuế thực hiện tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định.
Trước đó, cuối tháng 6/2024, Quốc hội đã thống nhất cho HVN được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả nợ khoản vay 4.000 tỷ đồng của HVN để khắc phục khó khăn trước mắt.
Triển vọng tích cực của HVN qua kết quả kinh doanh năm 2024 phản ánh triển vọng kinh doanh của của ngành hàng không với dự báo tiếp tục phục hồi tích cực năm 2025, lượng hành khách và doanh thu đều được dự kiến sẽ đạt các mức cao kỷ lục. Đây cũng là yếu tố khiến HVN ở phía nợ còn nặng, vẫn được nhà đầu tư kỳ vọng cao với giá cổ phiếu tăng đáng kể trong bối cảnh thị trường chung lình xình. Cổ phiếu tăng mạnh cũng là động lực xét ở góc độ đầu tư cho khoản vốn cổ phần Nhà nước đang nắm giữ và dự kiến nở ra thêm theo quyền mua trong thời gian tới.
6.264 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế ước tính năm 2024 của HVN, vượt 38,5% kế hoạch năm.