Mới đây, chủ đầu tư khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương thuê quyền sử dụng đất để tiếp tục thực hiện dự án.
Dự án sắp hết tiến độ thực hiện
Từ kiến nghị của Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở TN&MT tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương thuê quyền sử dụng đất để thực hiện tại dự án KDL tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen.
Theo Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen (Tập đoàn Hoa Sen), dự án KDL Tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen thực tế đã được phê duyệt, cấp GCN đăng ký đầu tư từ năm 2011. Từ thời điểm đó đến nay đã hơn 10 năm, Công ty đã thỏa thuận thành công hơn 60% diện tích đất trong phạm vi ranh giới toàn dự án (khu vực 1: 70,19% và khu vực 2: 51,98%). Các thửa đất thỏa thuận thành công đã được ông Lê Phước Vũ nhận chuyên nhượng, đứng tên quản lý tập trung và ký hợp đồng cho Công ty thuê để thực hiện.
Tuy nhiên, dự án phải dừng thi công 2 năm đề hoàn thiện thủ tục pháp lý. Trong khi đó, tính đến tháng 10/2024, dự án chỉ còn hơn 7 tháng nữa là hết tiến độ (tháng 5/2025).
Dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen chỉ còn hơn 7 tháng nữa là hết tiến độ thực hiện. Ảnh website dự án.
Tập đoàn Hoa Sen cho biết đã có hai lần nộp hồ sơ đề xin chấp thuận chủ trương nhận chuyền nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp đề thực hiện dự án phi nông nghiệp (theo Luật đất đai năm 2013). Một lần vào tháng 10/2022 và một lần vào tháng 10/2023. Hai lần này đều đã được Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng thẩm định, tuy nhiên, đề nghị của doanh nghiệp này chưa được chấp thuận.
Ngày 21/10/2024, Tập đoàn Hoa Sen có báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về tiến độ thỏa thuận quyền sử dụng đất. Trong đó, doanh nghiệp này kiến nghị tiếp tục thực hiện thủ tục xin phép xây dựng và tổ chức khởi công lại dự án. Đồng thời, chấp thuận chủ trương được thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đối với toàn bộ diện tích đất dân trong phạm vi ranh giới dự án cần phải được thỏa thuận (1.596.146 m2).
Ngoài ra, Công ty sẽ tiếp tục thỏa thuận, đàm phán với các hộ gia đình, cá nhân trong thời hạn phù hợp với thời hạn quy hoạch chỉ tiết của dự án (36 tháng kể từ ngày được phê duyệt).
Từng dính nhiều sai phạm
Dự án đầu tư của Công ty TNHH Tập đoàn Hoa Sen được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp GCN đầu tư lần đầu ngày 29/7/2011 với diện tích hơn 428 ha (tổng vốn đầu tư hơn 179 tỷ đồng) thực hiện tại xã Đạ M’ri (nay sáp nhập là TT.Đạ M’ri, H.Đạ Huoai) với thời hạn 50 năm.
Tập đoàn Hoa Sen từng bị xử phại vì khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh minh họa.
Liên quan đến dự án trên, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh việc dự án KDL tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen thi công không phép, trái phép với 30 hạng mục kiên cố. UBND huyện Đạ Huoai đã 6 lần xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Hoa Sen vi phạm về xây dựng với tổng số tiền 780 triệu đồng.
Ngày 25/3/2022, UBND huyện Đạ Huoai đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định dừng dự án để xử lý dứt điểm các phát sinh theo đúng quy định. Các phát sinh ở đây được xác định là các sai phạm trong xây dựng, đầu tư liên quan đến dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen.
Được biết, đây đều là những công trình nằm ngoài giấy phép do Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp. Công trình không đảm bảo quy hoạch không gian kiến trúc do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Đáng chú ý, để phục vụ san lấp mặt bằng, dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen đã đào tung một quả núi lớn nằm sát quốc lộ (QL) 20 (ngay đối diện khu du lịch tâm linh bên kia QL20) để lấy đất, đá.
Trước đó, cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện Tập đoàn Hoa Sen chở khoáng sản là đất san lấp từ dự án KDL tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen (thuộc thửa đất số 41, tờ bản đồ số 46, bộ bản đồ địa chính thị trấn Đạ M'ri) đến đổ tại vị trí thửa đất số 90 tờ bản đồ số 08 (số tờ bản đồ cũ, nay là tờ bản đồ số 49) bộ bản đồ địa chính thị trấn Đạ M'ri, nằm ngoài phạm vi ranh giới dự án để san gạt, cải tạo mặt bằng với khối lượng đất san lấp là 120 m3.
Nhà chức trách cho biết, thửa đất số 90 này có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Lê Phước Vũ. Ông Lê Phước Vũ đã cho Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen thuê đất để đầu tư xây dựng công trình trên đất sản xuất kinh doanh.
Đỗ Thuận
Bình luận (8)