Báo cáo kiểm toán 2024 cho thấy tình hình tài chính của Xây dựng Hòa Bình đã cải thiện rõ rệt so với năm trước. Tuy nhiên, tập đoàn còn khoản công nợ lớn, trích lập dự phòng gần 2.000 tỷ đồng.
Tình hình tài chính Xây dựng Hòa Bình cải thiện nhiều so với 2023. Nguồn: HBC
Năm 2024 lãi 963 tỷ đồng
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) đã công bố BCTC hợp nhất kiểm toán 2024. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng thêm 46 tỷ đồng lên 6.421 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Lợi nhuận sau thuế tăng thêm 111 tỷ đồng lên 963 tỷ đồng.
So với 2023, doanh thu tập đoàn giảm 14% nhưng lợi nhuận cải thiện mạnh khi chuyển từ âm 1.115 tỷ sang dương 963 tỷ đồng do hoàn nhập trích lập dự phòng công nợ khó đòi và thanh lý tài sản.
Vào tháng 6/2024, lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình đã ký các hợp đồng chuyển nhượng tài sản với giá 587,6 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT), giá trị tài sản 566,8 tỷ đồng; chuyển nhượng 32,31% quyền sở hữu của tập đoàn trong Công ty cổ phần Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt cho ông Mai Đình Chí Quốc với tổng giá trị 29,3 tỷ đồng; bán 47,82% vốn Công ty cổ phần Kỹ thuật Jesco Hòa Bình cho ông Phạm Diệu với giá 38,3 tỷ đồng.
Trước đó nữa, tập đoàn bán 100% Công ty TNHH MTV Máy xây dựng Matec cho ông Lê Quang Hồng Dũng, bà Hồ Hoài Phương, ông Phan Ngọc Thọ với tổng giá trị 105 tỷ đồng.
Đồng thời, nhờ phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ trong năm 2024 tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tập đoàn cải thiện rõ rệt từ 93 tỷ lên 1.748 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT từng chia sẻ với sự cải thiện trong vốn chủ sở hữu từ nửa cuối 2024 mà tập đoàn có thể tham gia và thắng thầu nhiều dự án lớn. Từ tháng 9/2024 đến tháng 3 năm nay, tập đoàn đã trúng thầu 11 dự án (6 chủ đầu tư cũ và 5 chủ đầu tư mới) với tổng giá trị hơn 7.600 tỷ đồng.
Mới đây, tập đoàn đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch kinh doanh 2025 gồm doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng, lần lượt tăng 41% và giảm 63% so với thực hiện 2024.
Hàng nghìn tỷ đồng công nợ khó xác minh
Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ với hàng nghìn tỷ đồng khoản phải thu và nợ phải trả của Xây dựng Hòa Bình. Cụ thể, bằng các thủ tục kiểm toán đã thực hiện, Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam chưa thể thu thập được đầy đủ các thông tin cần thiết để đánh giá tính hiện hữu và đầy đủ của 2.251 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng, 814 tỷ trả trước cho người bán ngắn hạn, 882 tỷ phải thu khác, 2.327 tỷ phải trả cho người bán ngắn hạn, 863 tỷ người mua trả tiền trước và 82 tỷ phải trả ngắn hạn khác.
Theo đơn vị kiểm toán, do đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh, tập đoàn đang ghi nhận doanh thu hoạt động xây lắp căn cứ theo khối lượng do giám sát của chủ đầu tư xác nhận và đơn giá hợp đồng. Vì vậy, tập đoàn cho rằng doanh thu được ước tính một cách đáng tin cậy. Song, các hợp đồng xây dựng của tập đoàn quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện do khách hàng xác nhận. Theo đó, doanh thu được ghi nhận khi có xác nhận của khách hàng (chủ đầu tư) trên các chứng chỉ thanh toán và thể hiện trên các hóa đơn tài chính. Tính đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, AFC Việt Nam chưa có đủ thông tin cần thiết để xác định ảnh hưởng của vấn đề này đến khoản mục liên quan trên báo cáo.
Thêm nữa, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh người đọc báo cáo rằng tập đoàn có khoản lỗ lũy kế 2.299 tỷ đồng và một số khoản nợ quá hạn thanh toán. Những dấu hiện này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Tại cuối năm 2024, tập đoàn có khoản phải thu ngắn hạn 11.012 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản; chủ yếu là phải thu khách hàng, phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng, phải thu khác… Trong đó, doanh nghiệp ghi nhận 2.422 tỷ đồng nợ quá hạn, giảm 841 tỷ đồng so với đầu năm 2024. Công ty đã trích lập dự phòng 1.897 tỷ đồng.
Ngược lại, ở phần nguồn vốn, Xây dựng Hòa Bình nợ người bán 4.171 tỷ, nợ người mua 2.273 tỷ đồng và nợ vay 4.350 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 13.664 tỷ đồng, gấp 8 lần vốn chủ sở hữu.
Tập đoàn cho biết đã lên kế hoạch kinh doanh và thu hồi nợ phải thu. Với chiến lược tấn công ra thị trường nước ngoài, tại Mỹ, tập đoàn đã khởi công dự án The Grove Apartments tại California vào tháng 4/2024, sắp tới sẽ triển khai 2 dự án tại Campuchia.
Đồng thời, Xây dựng Hòa Bình cũng hợp tác nhiều chủ đầu tư trong nước thực hiện dự án cải tạo chung cư, các khu đô thị ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng…
Về công tác thu hồi công nợ, tập đoàn thực hiện nhiều biện pháp bao gồm giải quyết tranh chấp qua tòa án, trọng tài. Việc thu hồi công nợ của các công trình triển khai trong 12 tháng tới và công trình đã thực hiện các năm trước dự kiến sẽ mang lại dòng tiền đáng kể phục vụ cho hoạt động kinh doanh và thanh toán các khoản nợ.
Cuối cùng, ban tổng giám đốc tin tưởng Chính phủ sẽ tiếp tục có chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, NHNN sẽ sớm phê duyệt gia hạn thời gian áp dụng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn. Nhờ đó, tập đoàn sẽ sớm đạt được các thỏa thuận về cơ cấu các khoản nợ đến hạn, cấp tín dụng cho các khoản vay mới…
Bình luận (3)





