Hãy là người đầu tiên thích bài này
Giảm cồn, tăng giá

Chiến lược tăng giá của các hãng bia lớn cũng cần quan tâm tới lợi thế của các hãng bia giá rẻ tại Việt Nam. Ảnh: T.L
 
 Ngành bia vẫn đặt kế hoạch thận trọng trước những thách thức gia tăng.

Mặc dù phải đối mặt với khó khăn, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay ở mức 31.641 tỉ đồng, tức giảm 1% so với năm 2024, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 4.835 tỉ đồng, tăng 8%. 

Không được lạc quan như Sabeco, các doanh nghiệp bia khác vẫn thận trọng trước sức tiêu dùng yếu, nên kế hoạch kinh doanh năm 2025 phần lớn đi theo hướng tăng trưởng vừa phải, kiểm soát chi phí. Chẳng hạn, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) dự kiến đạt doanh thu 7.471 tỉ đồng, tăng nhẹ 1% so với thực hiện năm 2024. Tuy nhiên, lãi trước thuế dự kiến chỉ đạt 278 tỉ đồng, giảm mạnh 40%. Bia Sài Gòn - Sông Lam đặt kế hoạch doanh thu 987 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 48 tỉ đồng, tăng lần lượt 6% và 19% so với năm 2024. Công ty tập trung kiểm soát chi phí trong bối cảnh tiêu dùng suy yếu và chính sách siết rượu bia. Bia Sài Gòn - Miền Tây kỳ vọng doanh thu đạt gần 983 tỉ đồng, tăng nhẹ 2% và lãi sau thuế 82,5 tỉ đồng, đi ngang so với năm 2024. Công ty dự kiến tối ưu sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu để giữ biên lợi nhuận.

Kế hoạch kinh doanh thận trọng này được đưa ra khi các doanh nghiệp đối mặt với một loạt rủi ro như cạnh tranh nội - ngoại khốc liệt, biến động giá nguyên liệu và ảnh hưởng từ các chính sách kiểm soát đồ uống có cồn. Một rủi ro lớn khác là Dự thảo sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 với lộ trình tăng thuế đáng kể. Ước tính giá rượu bia năm 2026 có thể tăng khoảng 10% và mỗi năm tăng thêm 2-3%.

Để thích ứng với bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp bia đã có sự chuyển dịch trong sản xuất, kinh doanh. Một số hãng bắt đầu chuyển đổi sang mô hình đồ uống có nồng độ cồn thấp, không cồn hoặc các loại cocktail, bia ít cồn hương vị trái cây. Đáng chú ý là chiến lược tăng giá bán của các hãng bia lớn nhằm duy trì lợi nhuận. 

Ví dụ, bất chấp sự cạnh tranh lớn trong ngành, giá bán sản phẩm bình quân của Sabeco năm 2024 tăng 2,5% so với năm 2023, đi cùng với đó là các dòng sản phẩm mới, dễ uống và mới lạ như Saigon Soju, 333 Pilsner Extra Smooth... Sabeco thường có xu hướng thận trọng trong việc tăng giá, đặc biệt là đối với các dòng sản phẩm chủ lực. Hãng bia có chủ là người Thái này ưu tiên việc duy trì thị phần và sự ổn định về giá để giữ chân khách hàng truyền thống. Đây là bài học trong những năm qua của Sabeco khi chỉ trong vòng 5 năm (2018-2023), đại gia ngành bia đã đánh mất thị phần từ 42% xuống 33,9% trước sự trỗi dậy của các hãng bia khác.

Heineken cũng đang có xu hướng giảm dần nồng độ cồn và tăng hương vị mới trong sản phẩm với dòng bia Larue Smooth hay dòng sản phẩm Tiger Platinum. Heineken tận dụng lợi thế thương hiệu mạnh để tăng giá mà ít lo ngại về việc mất thị phần. Trong báo cáo tài chính quý III/2024, hãng bia này cho rằng đã thích ứng với các quy định và linh hoạt điều chỉnh danh mục đầu tư tại Việt Nam. Biên lợi nhuận trên 40% sẽ không quay lại, nhưng Heineken có thể duy trì ở mức 30% trong tương lai.

Việt Nam thuộc nhóm thị trường bia lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Với đặc điểm thị trường có rào cản gia nhập ngành cao, dẫn tới các doanh nghiệp lớn phải cạnh tranh gay gắt để mở rộng thị phần, nhất là cuộc đua vào phân khúc cao cấp. Báo cáo của FPTS cho thấy sản lượng tiêu thụ bia phân khúc cao cấp đã đạt mức tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) khoảng 8,5% trong giai đoạn 2013-2023, cao hơn so với mức tăng trưởng toàn ngành là 3,2%/năm và chiếm khoảng 37,4% tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 trong khi tỉ lệ năm 2013 chỉ đạt 22,7%.

Mặc dù vậy, chiến lược tăng giá của các hãng bia lớn cũng cần quan tâm tới lợi thế của các hãng bia giá rẻ tại Việt Nam. Chẳng hạn, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao, Heineken Việt Nam, trích dẫn nghiên cứu của Nielsen cho biết sản lượng bia không chính thống, còn gọi là “bia cỏ”, đã tăng 71% trong năm 2024 so với năm trước. Sản phẩm này thu hút người tiêu dùng có thu nhập thấp nhờ giá rẻ hơn 25-35% so với bia chính thống.

Tuy nhiên, thị phần ngành bia vẫn khá cô đặc với khoảng 80% nằm trong tay Heineken và Sabeco. Dù cách tiếp cận khác nhau nhưng chiến lược tăng giá sản phẩm mới, nhóm sản phẩm cao cấp và cận cao cấp đã giúp các hãng bia này giữ vững được biên lợi nhuận trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào biến động khó lường và cạnh tranh trong ngành bia ngày càng gay gắt. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tập trung phát triển đa dạng các kênh bán hàng và mở rộng cơ hội phát triển kinh doanh ra thị trường quốc tế.

Dẫu vậy, trước sự cạnh tranh gay gắt và chi phí đầu vào tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng các công ty bia sẽ phải tối ưu chi phí, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất để duy trì tăng trưởng trong năm 2025.

Link gốc

Bình luận (2)

Khó khăn thì giá mới đag vùng đáy.
Yên tâm nắm giữ thui. Ăn ct. Chứ ko thể giảm sâu dc nữa
14:56
 1
17:29
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long