Hãy là người đầu tiên thích bài này
‘Game’ thoái vốn và cảnh báo rủi ro theo chân 'đội lái'

Việc thoái vốn nhà nước đã kích hoạt nhiều cổ phiếu tăng bằng lần sau thời gian im ắng, do đó dòng tiền trên thị trường luôn có sự quan tâm nhất định tới chủ đề này. Tuy nhiên, sau “sóng” tăng, giá nhiều cổ phiếu thường có xu hướng điều chỉnh.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa cho biết, ngày 26/12 tới sẽ tổ chức phiên bán đấu giá để thoái vốn lô cổ phần của Tổng công ty Thăng Long – CTCP (TTL) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu, với giá khởi điểm hơn 222,6 tỷ đồng.

Tăng vọt sau tin thoái vốn

Cổ phiếu TTL đã có 6 phiên tăng trần, từ ngày 5/12 - 13/12/2024, kéo thị giá từ 7.900 đồng/cp lên 14.900 đồng/cp, tương ứng múc tăng hơn 88%, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư ở “game” thoái vốn của SCIC tại doanh nghiệp, dù đợt thoái vốn dự kiến trước đó "ế ẩm".

Việc thoái vốn nhà nước của VNSteel tại Thép Vicasa (VCA) và RedStarCera (TRT) cũng đã phả "sức nóng" lên thị trường chứng khoán.

Tháng 11 vừa qua, HĐQT VNSteel (TVN) đã ký 2 quyết định phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn nhà nước tại Thép Vicasa và RedStarCera, ước tính thu về tổng giá trị tối thiểu là 366 tỷ đồng.

Cụ thể, theo kế hoạch công bố, VNSteel sẽ bán ra toàn bộ 2,2 triệu cổ phiếu TRT, chiếm 20,05% cổ phiếu lưu hành tại RedstarCera; đồng thời, thoái sạch 9,87 triệu cổ phiếu VCA, tương đương 65% vốn của Thép Vicasa.

"Game" thoái vốn đã kích hoạt nhiều cổ phiếu tăng bằng lần sau thời gian im ắng.

Việc VNSteel khởi động "game" thoái vốn nhà nước ở Thép Vicasa và RedStarCera đã kích hoạt làn sóng tăng giá "phi nước đại" của hai mã cổ phiếu VCATRT.

Đối với cổ phiếu VCA, thị trường không khỏi ngỡ ngàng trước màn trình diễn đặc biệt ấn tượng với 11 phiên liên tiếp tăng kịch biên độ. Từ mức giá 8.500 đồng/cp ghi nhận ngày 27/11, tới phiên 12/12 đã tăng vọt lên 17.600 đồng/cp, tương ứng mức tăng khoảng 114%. Với những người may mắn nắm giữ mã này trước đợt tăng "chóng mặt", tài khoản đã được nhân đôi một cách dễ dàng.

Có diễn biến tương đồng, cổ phiếu TRT cũng "làm mưa, làm gió", bật khỏi vùng 12.000 đồng lên 24.800 đồng/cp trong hơn 1 tháng vừa qua, tương ứng mức tăng hơn 106%, đồng thời thiết lập mức đỉnh sau nhiều năm.

Một điểm chung là với cơ cấu cổ đông cổ đặc, thông thường cổ phiếu VCATRT vốn rất khan hiếm thanh khoản. Chỉ đến khi xuất hiện chuỗi ngày tăng giá liên tục, khối lượng sang tay mới cải thiện lên khoảng vài chục nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Vì vậy, hai mã cũng thường xuyên rơi vào trạng thái trắng bên bán, với lượng đặt mua ở mức giá trần lớn.

Trước đó, cổ phiếu của “trùm” kinh doanh bảo hiểm - Tập đoàn Bảo Việt là BVH cũng có đà tăng “bốc đầu”. Chỉ sau 3 phiên (29/11; 3-4/12), cổ phiếu BVH đã tăng hơn 17%, qua đó leo lên mức 52.100 đồng/cp, cao nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây. Vốn hóa thị trường đạt xấp xỉ 39.000 tỷ đồng, tăng 35% so với hồi đầu năm 2024.

Mặc dù việc cổ phiếu tăng mạnh sau khi Bảo Việt chốt danh sách để chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 10,037%, song nhiều ý kiến cho rằng mức cổ tức không quá đột biến, khó có thể là chất xúc tác cho đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu BVH, mà động lực lớn hơn tới từ kỳ vọng câu chuyện thoái vốn nhà nước đã được bàn luận tại nhiều kỳ ĐHĐCĐ thường niên.

Gần nhất, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Bảo Việt cho biết, Tập đoàn sẽ xây dựng kế hoạch và trình cổ đông về việc giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước từ năm 2026 trở đi. Hiện tại, Bộ Tài chính đang nắm giữ hơn 482,5 triệu cổ phiếu BVH, tương đương 65% vốn của Bảo Việt; SCIC nắm giữ 22,1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3%.

Rủi ro đang phần nào thể hiện

Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, những doanh nghiệp nhà nước thoái vốn thường là những doanh nghiệp có trong lộ trình thoái vốn, hoạt động kém hoặc không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nên để cơ cấu lại, Nhà nước thoái vốn để đảm bảo hoạt động.

Trong các trường hợp kể trên, 9 tháng năm 2024, Thép Vicasa đạt doanh thu thuần hơn 1.013 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 1,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 3,5 tỷ đồng.

Còn Tổng công ty Thăng Long, luỹ kế 9 tháng năm 2024 báo lãi sau thuế đạt 10,7 tỷ đồng, giảm hơn 42% so với cùng kỳ (18,6 tỷ đồng), bất chấp doanh thu tăng 34% lên 1.364 tỷ đồng do giá vốn và các chi phí tăng.

Với RedstarCera, theo báo cáo mới nhất cập nhật đến năm 2023, công ty đạt gần 511 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 24% so với năm 2022. Nhưng do đà giảm của doanh thu mạnh hơn đà giảm của giá vốn, cộng với chi phí dây chuyền tạm ngưng do sửa chữa, dừng sản xuất tăng đột biến, khiến doanh nghiệp báo lỗ xấp xỉ 33,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 28,7 tỷ đồng.

Cũng theo ông Huân, những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả mà giá cổ phiếu vẫn được kéo lên cao thì không thể loại trừ khả năng có sự xuất hiện của những đối tượng “thứ ba” đu theo “game” thoái vốn của Nhà nước, cố tình đẩy giá cổ phiếu tăng để dễ "thoát hàng".

Thực chất, việc thoái vốn của Nhà nước có hai chiều hướng. Với những công ty tốt được thoái vốn sẽ cho ra thị trường một lượng cổ phiếu chất lượng, nhà đầu tư giao dịch nhộn nhịp hơn giúp giá cổ phiếu tăng. Nhưng với các doanh nghiệp không hiệu quả thì việc tăng giá có thể chính là sự đẩy giá lên của “đội lái” để bán sạch cổ phiếu.

“Nhiều nhà đầu tư không quan tâm quá nhiều, mà chỉ đánh theo "đội lái", chỉ cần có "game" là "đu vào". Chưa kể, bằng nhiều cách, nhiều bên còn có thể bán khống cổ phiếu để thu lại lợi nhuận khi giá cổ phiếu giảm. Điều này sẽ mang đến rủi ro rất lớn, vì thực chất đây là trò chơi "gắp lửa bỏ tay người" và người cuối cùng ở lại sẽ phải ôm cục lửa đó”, ông Huân nói.

Như trường hợp của RedstarCera, sau 4 phiên tăng trần đã nhanh chóng quay đầu giảm, thậm chí có phiên chạm sàn, nhiều phiên không có thanh khoản, khiến những nhà đầu tư lỡ "ôm hàng" ở vùng giá cao bị mắc kẹt.

Hay như cổ phiếu VCA, sau 11 phiên miệt mài leo dốc, đến phiên 13/12 cũng đã đổ đèo. Tính đến phiên 17/12, cổ phiếu này đã giảm sàn 3 phiên liên tiếp, về mức giá 14.250 đồng/cp.

Chưa kể, khả năng thoái vốn nhà nước thành công cũng chưa thể đo lường khi đây không phải lần đầu thông báo thoái vốn các đơn vị này, đơn cử như Tổng công ty Thăng Long được thông báo thoái vốn đến lần thứ 3.

Còn với trường hợp của Bảo Việt, kế hoạch này đã được nhắc tới nhiều năm nhưng dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”, cho nên thiếu chất xúc tác cho cổ phiếu “bay” được đoạn xa hơn.

Giới phân tích lưu ý, nhà đầu tư cần thận trọng khi giải ngân vào các cổ phiếu có "game" thoái vốn nhà nước, vì sau thoái vốn, giá cổ phiếu thường có xu hướng điều chỉnh.

Bên cạnh đó, dòng tiền chảy vào cổ phiếu thoái vốn chủ yếu là đầu cơ với những kỳ vọng ngắn hạn từ thông tin thoái vốn. Khi thông tin thoái vốn không còn nóng, dòng tiền không còn đổ mạnh vào những cổ phiếu này sẽ làm giá cổ phiếu khó duy trì mức giá cao.

Do đó, nhà đầu tư nên tập trung nhiều hơn vào câu chuyện giá trị, vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vì yếu tố này sẽ quyết định giá trị doanh nghiệp. Giá cổ phiếu sẽ tăng khi doanh nghiệp phát triển tốt.

Hải Giang-Link gốc

Bình luận (8)

Bvh thì còn xa
17:03
Chơi hàng thoái vốn thì phải biết lựa hàng ngon
17:03
Minh Hà mình đã chon đc hàng chưa bạn
18:01

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long