Từ câu chuyện của Trường quốc tế AISVN và Trung tâm Apax Leaders xung quanh hợp đồng vay vốn hay đóng học phí một lần, các luật sư nêu những việc cần làm để thực thi đúng luật.
Những việc cần rạch ròi
Luật sư Nguyễn Thành Huân, Giám đốc Công ty Luật sư 11, khẳng định ở đây không phải là có lỗ hổng pháp luật mà vấn đề nằm ở việc thực thi pháp luật.
Để khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa giáo dục, ngay trong luật Giáo dục, nhà nước đã xác định rõ vai trò bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho giáo dục. Do đó hệ thống pháp luật nói chung và luật Giáo dục nói riêng khá chặt chẽ để điều chỉnh lĩnh vực này.
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty Luật sư 11 cho rằng cần xác định rõ đầu tư giáo dục là việc góp nguồn lực trực tiếp thành lập cơ sở giáo dục hoặc đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp, để tổ chức kinh tế thành lập cơ sở giáo dục tư thục hoàn toàn khác với việc cho tổ chức giáo dục hoặc tổ chức kinh tế sở hữu cơ sở giáo dục vay.
Cựu Tổng giám đốc Apax Leaders Nguyễn Ngọc Thủy trong buổi họp trực tiếp đầu tiên với phụ huynh TP.HCM hồi tháng 3.2023
Nói cách khác, phụ huynh tại Trường quốc tế AISVN chấp nhận thỏa thuận huy động vốn của trường nhưng không nhằm mục đích sở hữu phần góp vốn nhà trường, không tham gia với vai trò của cổ đông để giám sát khoản đầu tư thì không thể xác định đây là khoản đầu tư giáo dục. Mặt khác, cần bóc tách rõ các khoản mà phụ huynh AISVN đã chuyển cho nhà trường đó là tiền ứng trước học phí hay tiền vay.
Nếu là tiền đóng trước của học phí thì nhà trường phải quản lý và sử dụng tiền này đúng với quy định của luật Giáo dục về học phí, cũng như phải đưa vào công khai tài chính, có sự kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý. Khi đó, nếu sử dụng học phí sai mục đích dẫn đến mất khả năng chi trả, cũng như không minh bạch, không trung thực trong báo cáo nhằm qua mặt công tác thanh tra kiểm tra thì sẽ phải chịu các biện pháp chế tài tương ứng.
Phụ huynh Trường quốc tế Mỹ AISVN: 'Hàng ngàn tỉ đồng của chúng tôi đã đi đâu?"
Nếu là tiền vay, thì đây là thỏa thuận dân sự, khi đó trách nhiệm của nhà trường là phải sử dụng tiền đúng với mục đích đã cam kết. Sử dụng vốn sai mục đích, dẫn đến không có khả năng chi trả thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Bản chất giao tiền cho người khác là chấp nhận rủi ro, nhưng nếu đầu tư để trở thành cổ đông góp vốn thì quyền giám sát của nhà đầu tư sẽ hiệu quả hơn. Ít nhất, cổ đông cũng đồng thời là chủ sở hữu tài sản, thương hiệu của trường tương ứng phần vốn góp.
Học sinh Trường quốc tế AISVN trong ngày trở lại trường sau thời gian nghỉ vì không có giáo viên
Quy định kiểm soát việc đầu tư của tổ chức giáo dục
Luật sư Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Công ty luật TNHH quốc tế Nam Thái, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết việc thu học phí các cấp học, loại hình đào tạo trong đó có các trung tâm ngoại ngữ như Apax Leaders đều được quy định bởi Nghị định 81 của Chính phủ. Ngoài ra, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ còn được quy định tại Thông tư 21 của Bộ GD-ĐT, song không đề cập chi tiết vấn đề học phí.
"Thế nên, với việc thu học phí, văn bản quản lý thống nhất là Nghị định 81. Dựa trên điều 12 của văn bản này, có thể hiểu rằng việc các trung tâm thu học phí trọn gói là vẫn làm đúng pháp luật", luật sư Thái nhận định.
Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty luật TNHH quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, đồng tình rằng việc đóng học phí một lần vào đầu khóa là thỏa thuận dân sự giữa hai bên và không vi phạm quy định pháp luật.
Cũng liên quan đến vấn đề học phí, theo ông Hồng Thái, hiện chỉ có các văn bản đề cập việc các tổ chức trong, ngoài nước đầu tư vào giáo dục ra sao, như Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 86/2018/NĐ-CP, Nghị định 81/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 97/2023/NĐ-CP, chứ chưa có khung pháp lý rõ ràng, chính thức quy định cách tổ chức giáo dục dùng nguồn thu học phí đầu tư sang những lĩnh vực khác.
Đây là lỗ hổng tạo điều kiện cho các tổ chức giáo dục, đặc biệt là ở khối ngoài công lập, có thể thoải mái đầu tư mà không chịu bất kỳ ràng buộc nào. Thực trạng này hoàn toàn khác với lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, vốn cũng dùng tiền của khách hàng để đi đầu tư nhưng phải tuân theo quy định đã ban hành như luật Kinh doanh bảo hiểm, ông Thái nêu ví dụ.
"Về bản chất, hoạt động này có hai mặt. Nếu dùng học phí để đầu tư, kinh doanh có lãi, rồi lấy tiền lãi đó quay lại phát triển chương trình đào tạo, cơ sở vật chất thì rất đáng hoan nghênh. Nhưng cũng có trường hợp làm ăn thua lỗ, ảnh hưởng đến người học. Thế nên thay vì cấm, chúng ta nên hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất bằng cách bổ sung quy định kiểm soát việc đầu tư của các tổ chức giáo dục", ông Thái lưu ý.
Bích Thanh - Ngọc Long