Nhiều doanh nghiệp xi măng tiếp tục báo lỗ trong kỳ BCTC quý III/2024, do ảnh hưởng từ sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong nước, xuất khẩu khó khăn...
Nhiều doanh nghiệp xi măng lỗ quý III/2024. Ảnh: IndiaMart.
"Gam màu" buồn của doanh nghiệp xi măng
BCTC quý III/2024 cho thấy các doanh nghiệp xi măng vẫn gặp nhiều khó khăn. Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy nhiều công ty tiếp tục báo lỗ.
Nhu cầu xi măng thấp, công trình xây dựng dân dụng mới ít được khởi công, các công trình dự án chậm triển khai, thị trường bất động sản chưa phục hồi, cạnh tranh khốc liệt… là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các khó khăn của nhóm xi măng.
CTCP Xi măng Vicem Hải Vân (mã: HVX) riêng quý III/2024 lỗ gần 8,3 tỷ đồng, qua đó nối dài mạch thua lỗ lên 6 quý. Lũy kế 9 tháng năm 2024, HVX lỗ hơn 37,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại ngày 30/9/2024, HVX còn ghi nhận khoản lỗ lũy kế âm 90,3 tỷ đồng.
Cùng chung hoàn cảnh với HVX là CTCP Xi măng Bỉm Sơn (mã: BCC) lỗ quý III/2024 là âm 25,4 tỷ đồng, đánh dấu 8 quý lỗ liên tục. Qua đó nâng lỗ lũy kế 9 tháng năm 2024 lên 48 tỷ đồng; CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (mã BTS) lỗ ròng 26,2 tỷ đồng trong quý III/2024, lỗ 122 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2024; CTCP Xi măng VICEM Hoàng Mai (mã HOM) lần lượt báo lỗ quý III/2024 và 9 tháng năm 2024 là âm 11,1 tỷ đồng và âm 51 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP VICEM Hà Tiên (mã: HT1) là cái tên ngược chiều báo lợi nhuận quý III/2024 và 9 tháng đều tăng trưởng dương. Cụ thể, doanh thu thuần HT1 quý III/2024 tăng 4% so với cùng kỳ, lên 1.638 tỷ đồng trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ tăng 8,5% so với quý III/2023. Lợi nhuận sau thuế quý đạt 22,6 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với khoản lỗ 10,26 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế HT1 đạt 43,8 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với khoản lỗ hơn 37 tỷ đồng của năm ngoái. Qua đó, HT1 đã vượt 90% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Ngành xi măng chưa thể thoát khó khăn
Thực tế, những khó khăn trong năm 2024 phần nào đã được các doanh nghiệp xi măng lường trước. Nhiều đơn vị đã dự báo nhu cầu xi măng năm 2024 khó có sự tăng trưởng cao, nguồn cung tiếp tục tăng so với nhu cầu. Trong khi giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tiếp tục duy trì mức cao, xu hướng dịch chuyển nhu cầu xi măng bao sang xi măng rời tiếp tục tăng làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty xi măng do giá trị thương hiệu chủ yếu gắn với xi măng bao.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Logistics tiếp tục gặp khó khăn, giao thương ảnh hưởng bởi các cơn bão trong khu vực. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2024 cả nước xuất khẩu gần 20,55 triệu tấn xi măng và clinker, thu về gần 788,8 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 14,5% về kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2023. Giá xuất khẩu cũng giảm 11,6%, đạt trung bình 38,4 USD/tấn.
Tại thị trường Philippines (thị trường tiêu thụ xi măng clinker lớn nhất của Việt Nam), xuất khẩu xi măng clinker sang nước này 8 tháng đầu năm giảm 1,8% về lượng, giảm 13% về kim ngạch và giảm 11,4% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, việc Đài Loan (Trung Quốc) trong tháng 8 vừa qua chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, cũng được dự báo gây không ít khó khăn cho xuất khẩu.
Theo báo cáo từ TPS, các doanh nghiệp xi măng nhìn nhận nhu cầu xi măng trong nước có thể cải thiện ở những tháng cuối năm 2024, nhưng khó có thể đạt mức tăng trưởng cao đủ để tiêu thụ hết công suất của các nhà máy hiện tại.
Dù vậy, ngành xi măng vẫn có những triển vọng sáng nhất định. Đó là việc Chính phủ đang ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu các dự án này sớm được triển khai sẽ là cơ hội lớn cho ngành xi măng phục hồi. Ngoài ra, các dự án lớn như sân bay Long Thành, hay cao tốc Bắc Nam cũng sẽ giúp cho tình hình tiêu thụ xi măng được cải thiện trong các quý cuối 2024.
Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, chính phủ nước này yêu cầu đến cuối năm 2025 sẽ giới hạn công suất clinker tại đây được kiểm soát ở mức 1,8 tỷ tấn và các công nghệ cũ kém phát triển. Do đó, tình hình giá bán trong dài hạn có thể cải thiện tích cực vào đầu 2025 khi một số khách hàng phải tìm nguồn cung thay thế.
Bình luận (3)
- **Tình hình khó khăn của ngành xi măng**: Báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy nhiều doanh nghiệp xi măng tiếp tục chịu lỗ do nhu cầu xi măng nội địa thấp, thị trường bất động sả...Thêm