Hãy là người đầu tiên thích bài này
Doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục ‘ăn nên làm ra’

Doanh nghiệp bán lẻ thi nhau ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý III. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tăng tốc mở rộng cửa hàng để giành thị phần.

Theo Tổng cục Thống kê, sức mua của người tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm nhờ du lịch bùng nổ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức kỷ lục 4,7 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho rằng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng nội địa. Con số này vượt xa mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2023, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá cả, mức tăng trưởng thực tế vẫn đạt 5,8%, cho thấy động lực tăng trưởng đến từ nhu cầu tiêu dùng thực sự.

Doanh nghiệp bán lẻ báo lãi gấp nhiều lần cùng kỳ. Ảnh: Khải Duy

Trong bối cảnh đó, các “ông lớn” ngành bán lẻ lần lượt công bố doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với nền thấp cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) báo cáo doanh thu thuần quý III tăng 12,5% lên 34.147 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 18,7% lên 20,2%. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế đạt 806 tỷ đồng, gấp 20,7 lần so với nền thấp cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 99.767 tỷ đồng, tăng 15% và lợi nhuận sau thuế 2.881 tỷ đồng, gấp 37 lần cùng kỳ.

Doanh nghiệp bán lẻ cho biết chuỗi điện thoại (Thế Giới Di Động) và điện máy (Điện Máy Xanh) dù vận hành số cửa hàng ít hơn 12% so với cùng kỳ nhưng doanh thu tăng trưởng 7%, sự tăng trưởng đến từ hầu hết các ngành hàng chính như điện thoại và điện máy. Trong khi đó, chuỗi hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng 36% nhờ tăng doanh thu cửa hàng cũ và giảm lỗ đáng kể so với cùng kỳ năm trước (từ lỗ 905 tỷ đồng về 8 tỷ đồng).

Sau nhiều năm chờ đợi, Tập đoàn Masan (mã: MSN) thông báo WinCommerce đã đạt lợi nhuận sau thuế dương trong quý III. Cụ thể, doanh thu quý III tăng 9,1% so với cùng kỳ nhờ mô hình cửa hàng mới WIN (phục vụ người mua sắm ở thành thị) và WinMart+ Rural (phục vụ cho người mua sắm ở nông thôn). Lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, lần đầu tiên kể từ thời covid.

FPT Retail (mã: FRT) ghi nhận kết quả khả quan quý III với doanh thu tăng 26% đạt 10.376 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 16,7% lên 18,2%. Nhà bán lẻ chuyển từ lỗ 13 tỷ sang lãi 165 tỷ đồng. 9 tháng, doanh thu tăng 24% lên 28.657 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 274 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 226 tỷ đồng cùng kỳ.

Đóng góp lớn nhất vào kết quả kinh doanh của FPT Retail là chuỗi nhà thuốc Long Châu với doanh thu tăng 62% lên 18.006 tỷ đồng trong khi FPT Shop giảm 11% xuống 10.904 tỷ đồng.

Theo FPT Retail, chuỗi FPT Shop sau tái cấu trúc cửa hàng, danh mục sản phẩm và tối ưu hoạt động thì kết quả kinh doanh cải thiện qua từng quý, đến quý III chuỗi đã có lãi trở lại. Trong khi đó, Long Châu dù liên tục mở rộng vẫn duy trì được doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng/tháng.

Nhà bán buôn Digiworld (mã: DGW) có quý doanh thu và lợi nhuận lên cao nhất kể từ quý I và II năm 2022. Cụ thể, doanh thu quý III đạt 6.226, tăng 15% và lợi nhuận sau thuế 122 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. 9 tháng, doanh thu tăng 16,5% lên 16.219 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 11% lên 302 tỷ đồng.

Doanh nghiệp lý giải mảng máy tính xách tay và máy tính bảng vẫn đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn nhất nhưng chỉ tăng nhẹ do thị trường đã bão hòa và sự khó khăn của nền kinh tế khiến người tiêu dùng hạn chế thay mới sản phẩm. Tuy nhiên, mảng điện thoại di động, mảng thiết bị văn phòng, thiết bị gia dụng và ngành hàng tiêu dùng đều tăng trưởng trên hai chữ số.

Ở mảng kinh doanh vàng bạc, PNJ báo cáo doanh thu quý III đạt 7.130 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 17,3% lên 17,5%. Lợi nhuận trước thuế 318 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí thuế thu nhập hiện hành tăng đã khiến lợi nhuận công ty giảm 15% xuống 216 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu PNJ tăng 25% lên 29.242 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 3% lên 1.382 tỷ đồng.

Đẩy mạnh mở mới cửa hàng

Nền kinh tế dần phục hồi, thu nhập người dân tăng trở lại, các đại gia bán lẻ bắt đầu tăng tốc mở rộng cửa hàng để giành thị phần. Như nhà bán lẻ vàng bạc PNJ, tính đến hết tháng 9, đã nâng tổng số lên 418 cửa hàng phủ khắp 57 tỉnh thành, tăng 18 cửa hàng so với đầu năm (doanh nghiệp đã đóng 11 cửa hàng và mở mới 29 cửa hàng). Tính riêng quý III, công ty đã tăng 13 cửa hàng.

Hay WinCommerce cho biết đã mở ròng thêm 60 cửa hàng mới trong quý III, nâng số lượng cửa hàng vận hành lên 3.733 cửa hàng. Công tác mở cửa hàng mới đã và đang được đẩy mạnh trở lại. Doanh nghiệp cho biết sẽ tăng tốc độ mở cửa hàng để đạt ~100 cửa hàng mở mới mỗi quý. WCM sẽ tiếp tục củng cố vị thế ở khu vực nông thôn với mô hình WinMart+ Rural.

Tương tự, với việc có lãi 2 quý liên tiếp, Đầu tư Thế Giới Di Động đang tăng tốc cho chuỗi hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh. Doanh nghiệp đã mở mới ròng 25 cửa hàng trong riêng quý III và 28 cửa hàng kể từ đầu năm. Tuy nhiên, các chuỗi còn lại TGDĐ, ĐMX hay An Khang trong quá trình tái cấu trúc.

Tại FPT Retail, chuỗi Long Châu vẫn được tập trung đầu tư khi mở mới 143 nhà thuốc trong quý III và 352 nhà thuốc so với đầu năm lên 1.849 nhà thuốc. Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu đạt 115 trung tâm vaccine phủ khắp 46 tỉnh thành. Ngoài ra, trong quý III, FPT Shop đã thử nghiệm chuyển đổi 10 cửa hàng FPT Shop thông thường sang mô hình FPT Shop Điện Máy với điểm khác biệt về sản phẩm gia dụng, điện máy đa dạng, dịch vụ lắp đặt và giao nhận. Dự kiến, công ty sẽ mở thêm 50 cửa hàng FPT Shop Điện Máy trong quý IV năm nay.

Link gốc

Bình luận (3)

Còn cổ thì bị đè ra hấp tới thoi thóp hở. Kkk
16:10
Dm mấy ********* đông âu
17:45
mấy thằng đông âu có thằng nào tốt đẹp . thôi quay về ăn nước mắm truyền thống ủng hộ bà con chân thật .
20:00

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long