Hãy là người đầu tiên thích bài này
Điểm tên các doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông "đặc như sữa đặc"

Nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán đang ghi nhận cơ cấu cổ đông cô đặc, với tỷ lệ nắm giữ tập trung vào một số tổ chức và cá nhân chủ chốt. Xu hướng này giúp doanh nghiệp dễ dàng ra quyết định, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro về quản trị và thanh khoản cổ phiếu.

Nhiều cổ phiếu rời sàn vì cơ cấu cổ đông quá cô đặc

Theo quy định tại Điều 32 Luật Chứng khoán năm 2019, để trở thành công ty đại chúng, doanh nghiệp phải đáp ứng một trong hai điều kiện. Một là, Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Thứ 2, Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) theo quy định tại khoản 1 Điều 16, Luật Chứng khoán năm 2019.

Trong 2024, có không ít doanh nghiệp dừng cuộc chơi trên sàn vì không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, với nguyên do cơ cấu cổ đông quá cô đặc.

Ảnh minh họa

CAV (CTCP Dây cáp điện Việt Nam) – con gà đẻ trứng vàng cho nhóm Gelex (HOSE: GEX) đã bị hủy niêm yết từ ngày 18/7/2024, do đã bị hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của UBCKNN.

Thực tế, quyết định hủy niêm yết cổ phiếu CAV đã được thông qua từ ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Doanh nghiệp, do cơ cấu cổ đông… "đặc như sữa đặc”. Cụ thể, theo danh sách chốt ngày 3/4/2024, chỉ có 3.54% vốn của các cổ đông nhỏ lẻ, còn GEX nắm tới 96,27% vốn, tương đương gần 55.5 triệu cp CAV (còn lại 0.19% là cổ phiếu quỹ).

Điện Trà Vinh (UPCoM: DTV) sẽ chính thức rời sàn giao dịch UPCoM từ ngày 9/7/2024 do không còn đáp ứng tiêu chí công ty đại chúng. Theo báo cáo thường niên năm 2023, DTV có cơ cấu cổ đông hết sức tập trung, với ba cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 93,84% vốn điều lệ. Trong đó, Công ty TNHH Năng lượng REE – công ty con sở hữu 100% vốn của CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) – nắm 66,29% vốn, CTCP Tập đoàn Đầu tư IPA (HNX: IPA) sở hữu 20,43%, và CTCP Đầu tư Galax NH nắm giữ 7,13%.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, DTV đã thông qua các nghị quyết liên quan đến việc hủy tư cách công ty đại chúng, hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM và hủy đăng ký chứng khoán tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).

CTCP Chế tạo Điện Cơ Hà Nội (HEM) - công ty con của CTCP Thiết bị Điện (THI, thuộc hệ sinh thái Gelex), đã hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM từ ngày 17/5/2024. Trước đó, chính THI cũng bị hủy niêm yết trong tháng 7/2023 do Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Điện Gelex (GEE) – đơn vị thành viên của Gelex (GEX) – nắm giữ tới 91,39% vốn điều lệ.

Tương tự, hai doanh nghiệp BLW và RGC cũng đã rời UPCoM trong nửa đầu năm 2024, sau khi bị hủy tư cách công ty đại chúng do cơ cấu cổ đông cô đặc, vượt ngưỡng theo quy định.

Riêng trường hợp CTCP Cấp thoát nước – Công trình Đô thị Hậu Giang (HGW), dù chưa rời sàn, nhưng cũng đã chính thức bị hủy tư cách công ty đại chúng từ ngày 21/6/2024. Tính đến cuối năm 2023, hai cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Xây lắp Miền Nam và UBND tỉnh Hậu Giang đang nắm lần lượt 51,1% và 46,3% cổ phần HGW, đưa tổng tỷ lệ sở hữu lên tới 97,5%. Với cơ cấu như vậy, việc HGW sớm rời sàn giao dịch UPCoM chỉ còn là vấn đề thời gian.

Các ông lớn có lượng cổ đông cô đặc

Thực tế, hiện vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp trên thị trường có cơ cấu cổ đông tập trung cao.

Vinamilk (VNM) hiện có cơ cấu cổ đông tập trung cao. Theo danh sách 20 cổ đông tổ chức lớn nhất chốt ngày 27/12/2024, vị trí các cổ đông lớn không thay đổi so với năm trước. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiếp tục là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 36%, theo sau là nhóm F&N với tổng cộng 20,4% cổ phần (gồm F&N Dairy Investments Pte Ltd nắm 17,7% và F&NBev Manufacturing Pte Ltd nắm 2,7%). Platinum Victory Pte Ltd duy trì tỷ lệ 10,62%.

Trong khi các cổ đông lớn duy trì vị thế, một số quỹ đầu tư đã có sự điều chỉnh danh mục. Pzena Emerging Markets Value Fund tăng tỷ lệ sở hữu từ 0,41% lên 0,7%, tương đương tăng từ 8,5 triệu cổ phiếu lên 15,6 triệu cổ phiếu. Invesco Funds cũng gia tăng sở hữu từ 0,35% lên 0,6%, trong khi Invesco Asian Fund (UK) nâng tỷ lệ nắm giữ từ 0,38% lên 0,5%.

Ở chiều ngược lại, Fubon FTSE Vietnam ETF giảm tỷ lệ nắm giữ từ 1,28% xuống 0,9%. Vaneck Vietnam ETF cũng ghi nhận xu hướng giảm từ 0,72% năm 2023 xuống còn 0,6% năm 2024. Một số quỹ lớn như Matthews Pacific Tiger Fund, Norges Bank, Mawer Global Small Cap Fund và KIM Vietnam Growth Equity Fund đã không còn xuất hiện trong danh sách cổ đông tổ chức lớn.

Tổng thể, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk vẫn ở mức cao, chiếm 51,5%, trong khi nhà đầu tư trong nước nắm giữ 48,5%. Đáng chú ý, nhà đầu tư tổ chức sở hữu tới 89,5% cổ phần, trong khi nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 10,5%.

Vingroup (VIC) – tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam – cũng ghi nhận cơ cấu sở hữu tập trung. Bốn cổ đông lớn nhất nắm giữ tổng cộng khoảng 62,64% vốn, gồm: Vietnam Investment Group JSC (32,49%), ông Phạm Nhật Vượng (17,82%), CTCP Quản lý và Đầu tư BĐS VMI (6,28%) và SK Investment Vina II Pte. Ltd (6,05%).

Vinhomes (VHM) – công ty con chuyên về bất động sản của Vingroup – có mức độ sở hữu tập trung còn cao hơn, khi tập đoàn mẹ nắm giữ tới 69,34% vốn điều lệ.

Vinacafé Biên Hòa (VCF) cũng là một trường hợp điển hình. Công ty TNHH MTV Masan Beverage – công ty con của Tập đoàn Masan (MSN) – hiện nắm giữ tới 98,79% vốn điều lệ của Vinacafé Biên Hòa.

Theo các chuyên gia, việc một số doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu tập trung cao mang lại lợi thế nhất định trong việc ra quyết định nhanh chóng, linh hoạt và dễ dàng triển khai các chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông cô đặc cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng lưu ý.

Thứ nhất, quyền kiểm soát quá lớn tập trung vào một số cổ đông lớn có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, hạn chế tiếng nói của các cổ đông nhỏ lẻ trong các quyết sách quan trọng.

Thứ hai, mức độ thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường có thể suy giảm, do lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) bị thu hẹp đáng kể. Điều này khiến nhà đầu tư cá nhân khó giao dịch, giá cổ phiếu dễ bị biến động mạnh khi có biến động dòng tiền lớn.

Ngoài ra, khi quyền lực tập trung vào nhóm cổ đông thiểu số, nguy cơ xảy ra xung đột lợi ích giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ cũng gia tăng, ảnh hưởng đến lợi ích chung của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu cao về minh bạch, quản trị tốt và bảo vệ quyền lợi cổ đông, các doanh nghiệp cần có giải pháp cân đối lại cơ cấu sở hữu để phát triển bền vững trong dài hạn.

A.V-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long