Hãy là người đầu tiên thích bài này
Đầu tư 'ăn' cổ tức và những tư duy sai lầm

Chi trả cổ tức tiền mặt khiến nhà đầu tư mất 5% thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp mất đi nguồn lực tài chính đáng kể. Tuy nhiên nếu phân tích kỹ, đây không hẳn là 2 điểm yếu.

Thời gian gần đây, một số cổ phiếu có cổ tức tiền mặt cao gây chú ý trong giới đầu tư khi tăng khá mạnh về thị giá. Đầu tiên có thể kể đến cổ phiếu MCH của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Từ đầu năm tới nay, thị giá MCH đã tăng hơn gấp đôi, từ 85.000 đồng/cổ phiếu lên khoảng 200.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đây, cũng giống như nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM, MCH là một cổ phiếu có lượng giao dịch khá thấp, thường xuyên dưới 1 tỷ đồng/phiên. Tuy vậy, một số nhà đầu tư vẫn rất ưa thích cổ phiếu này, đặc biệt là trong các đợt thị trường sụt giảm sâu khiến tỷ lệ cổ tức tiền mặt của MCH tăng vọt.

Chẳng hạn như năm 2023, tỷ suất cổ tức của MCH rơi vào khoảng 5% - 7,5%/năm. Thường thì MCH có xu hướng chi trả cổ tức khoảng 4.500 đồng/cổ phiếu mỗi năm (suốt từ năm 2017 đến năm 2021) và chỉ khựng lại trong năm 2022 rồi tiếp tục chi trả cổ tức 4.500 đồng/cổ phiếu trong năm 2023 và trong tháng 7/2024 chi trả cổ tức 5.500 đồng/cổ phiếu.

Trường hợp tiêu biểu thứ hai là cổ phiếu VEA của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Mặc dù trải qua rất nhiều sóng gió liên quan đến các sai phạm của người đứng đầu trong nhiều năm nhưng có một thứ rất ổn định ở VEAM, đó là chi trả cổ tức bằng tiền mặt với mức cổ tức vào khoảng 3.800 - 5.400 đồng/cổ phiếu mỗi năm, tương đương tỷ suất cổ tức tiền mặt khoảng 10%/năm. VEA gây chú ý khi từ đầu năm đến nay, thị giá tăng mạnh 35%, gấp nhiều lần thị trường chung.

Hoặc như trường hợp cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO tăng 25% từ đầu năm. Trong những năm gần đây, IDICO thường chia cổ tức bằng khoảng 4.000 đồng/cổ phiếu mỗi năm, tương đương tỷ suất cổ tức trên 6,5%/năm.

Hay như trường hợp cổ phiếu VCS của Công ty Cổ phần Vicostone. Thị giá cổ phiếu này tăng tới 40% từ đầu năm. Vicostone thường chia cổ tức khoảng 4.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu mỗi năm, tương đương tỷ suất cổ tức khoảng 5% - 8%/năm.

Những hiện tượng trên đang khiến không ít nhà đầu tư để ý đến các cổ phiếu có tỷ suất cổ tức tốt, nhất là các nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Tuy nhiên, khi mua các cổ phiếu này, họ lại “vỡ mộng” bởi sau khi nhận cổ tức tiền mặt, tổng giá trị khoản đầu tư của họ (bao gồm cả cổ tức) lại… thấp hơn cả trước khi chia cổ tức.

Lý do là bởi theo quy định, doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt thì thị giá cổ phiếu sẽ giảm tương ứng, chẳng hạn như mỗi cổ phiếu XXX có thị giá 50.000 đồng, sau khi chia cổ tức tiền mặt 5.000 đồng/cổ phiếu thì thị giá cũng giảm 5.000 đồng/cổ phiếu xuống 45.000 đồng/cổ phiếu, nghĩa là tổng giá trị khoản đầu tư (bao gồm cả cổ tức) trước và sau khi chia cổ tức không đổi. Tuy nhiên, nhà đầu tư còn mất 5% thuế thu nhập cá nhân tính trên số tiền cổ tức nhận được, vậy nên sau khi chia cổ tức tiền mặt, nhà đầu tư còn “lỗ”.

Sở dĩ có quy định này là bởi về lý thuyết, doanh nghiệp mất đi một khoản tiền từ nguồn vốn chủ sở hữu (tiền chi trả cổ tức cho cổ đông) thì giá trị của doanh nghiệp cũng phải giảm đi. Nhưng rất khó để đong đếm xem giá trị thực tế của doanh nghiệp giảm xuống bao nhiêu sau khi mất đi một nguồn lực tài chính. Rốt cuộc, cơ quan quản lý chọn cách: Doanh nghiệp mất bao nhiêu tiền để chi trả cổ tức tiền mặt thì trừ bấy nhiêu vào giá trị vốn hóa, chẳng hạn doanh nghiệp chi 1.000 tỷ đồng trả cổ tức thì sau khi chia cổ tức, giá trị vốn hóa của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cũng bị trừ đi 1.000 tỷ đồng. Đây là một lựa chọn hợp lý và khả thi, đã trở thành thông lệ.

Vậy nên, nhiều nhà đầu tư mới ví von rằng nhận cổ tức nhưng “tức tới tận cổ”. Nhưng có thực sự chiến lược đầu tư “ăn” cổ tức là một chiến lược tồi?

Trước tiên, cần làm rõ 2 “điểm yếu” của việc chi trả cổ tức tiền mặt xét trên khía cạnh nhà đầu tư và khía cạnh doanh nghiệp, đó là nhà đầu tư mất 5% thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp mất đi nguồn lực tài chính đáng kể. Tuy nhiên nếu phân tích kỹ, đây không hẳn là 2 điểm yếu.

Cụ thể, có thể tạm chia nhà đầu tư ra làm 2 loại: Nhà đầu tư “ăn” cổ tức và nhà đầu tư “ăn” chênh lệch giá. Trong khi nhà đầu tư “ăn” cổ tức mất 5% thuế thu nhập cá nhân tính trên số tiền cổ tức nhận được thì nhà đầu tư “ăn” chênh lệch giá cũng mất 0,1% thuế thu nhập cá nhân tính trên giá trị giao dịch bất kể giao dịch đó lãi hay lỗ. Như vậy, về cơ bản, không có chiến lược đầu tư nào ưu việt hơn xét về mặt thuế.

Về khía cạnh doanh nghiệp, mặc dù mất đi nguồn lực tài chính đáng kể sau khi chia cổ tức nhưng điều này cũng không có gì phải lo lắng bởi trước khi chốt phương án chia cổ tức, doanh nghiệp đã tự cân đối nguồn lực để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong dài hạn. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn khác, nhất là vốn vay. Thực tế trong tài chính, vốn chủ sở hữu không phải là vốn có chi phí rẻ nhất, bởi nếu đi vay và sử dụng vốn vay hiệu quả, lãi suất vay sẽ thấp hơn tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và do đó, sử dụng vốn vay hiệu quả hơn vốn chủ sở hữu.

Như vậy, chia cổ tức bằng tiền mặt nhìn chung không ảnh hưởng tiêu cực tới nhà đầu tư và doanh nghiệp. Vậy thì chiến lược đầu tư “ăn” cổ tức có thực sự hiệu quả không?

Sở dĩ cho rằng không hiệu quả là bởi nhiều nhà đầu tư bị lẫn lộn giữa đầu tư “ăn” cổ tức và đầu tư “ăn” chênh lệch giá. Một nhà đầu tư “ăn” cổ tức thực thụ sẽ nắm giữ khoản đầu tư trong thời gian dài và kỳ vọng nhận về đều đặn tiền cổ tức. Về mặt kỹ thuật, sau mỗi đợt chia cổ tức thì thị giá cổ phiếu lại bị điều chỉnh giảm nhưng trong dài hạn, doanh nghiệp lại làm ra tiền và bù đắp lại phần tài chính bị hụt đi do chia cổ tức trước đó. Khi đó, mặc dù cơ quan quản lý không điều chỉnh tăng thêm thị giá cổ phiếu nhưng thị trường sẽ “làm thay” điều đó, bởi nếu không như vậy thì tỷ suất cổ tức sẽ càng ngày càng hấp dẫn do thị giá ngày càng giảm, từ đó thu hút nhà đầu tư mua vào và đẩy giá cổ phiếu đi lên (giả định bỏ qua các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá cổ phiếu).

Trong khi đó, đa số nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là nhà đầu tư ngắn hạn, kiếm tiền dựa trên chênh lệch giá mua vào - bán ra, do đó chỉ coi cổ phiếu có tỷ suất cổ tức tiền mặt cao là một trong các yếu tố sẽ thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên, đồng thời mang ý nghĩa phòng thủ trước các rủi ro của thị trường.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, chưa phân biệt rõ được 2 chiến lược đầu tư, dẫn đến kỳ vọng sai lầm, từ đó cho rằng đầu tư “ăn” cổ tức khiến “tức tới tận cổ”.

Tất nhiên, ngay cả chiến lược đầu tư “ăn” cổ tức tiền mặt cũng không dễ dàng để thực hiện, bởi nhà đầu tư không chỉ nhìn vào lịch sử chi trả cổ tức của doanh nghiệp mà còn phải chọn được các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh và triển vọng kinh doanh để có thể duy trì cổ tức cao trong dài hạn.

Thanh Long

Link gốc

Bình luận (23)

Tien_panda Ổng thuộc lái chúa rồi chứ đầu tư gì
07:14
 2
Quán Tâm đúng lái chúa luôn. Mang đô qua nhật kéo chứng khoán nhật vượt đỉnh thời đại rồi rút kkkkkkkk
07:38
Quy định nào lạ vậy?cổ tức được hiểu là giá trị thặng dư do kd hiệu quả mà cty trả cho cổ đông nắm giữ,liên quan gì vốn chủ sở hữu,vậy ý ad là đừng đầu tư dài hạn mà cứ long,short à?cười ẻ
08:12

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long