Bất chấp áp lực từ Nghị định 100 và sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường, doanh nghiệp ngành bia vẫn ghi nhận tình hình kinh doanh tăng trưởng, thậm chí vượt mục tiêu lợi nhuận năm 2024.
Năm 2024, các công ty sản xuất bia lớn tại Việt Nam như Habeco, Heineken Việt Nam,... đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, như phần nào dự báo về tương lai tăng trưởng của ngành bia trong năm bất chấp khó khăn.
Đáng chú ý, Habeco là công ty bia lớn duy nhất đặt mục tiêu giảm lợi nhuận trong năm nay. Tuy nhiên, nhờ vậy mà Habeco đã sớm hoàn thành mục tiêu chỉ trong 9 tháng đầu năm.
Sự tăng trưởng này không chỉ minh chứng cho nỗ lực của các doanh nghiệp mà còn phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế sau giai đoạn khó khăn, dù vẫn chịu áp lực từ Nghị định 100 và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường.
Lãi tăng vọt nhờ tiêu thụ phục hồi
Với quy mô doanh thu luôn thuộc nhóm đứng đầu ngành bia cả nước, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco; HoSE: SAB) thường phản ánh rõ nét những xu hướng tăng trưởng của thị trường.
Theo đó, quý III/2024, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.670 tỷ đồng, tăng 3%. Sau khi trừ các chi phí, Sabeco báo lãi sau thuế đạt 1.161 tỷ đồng trong quý III/2024, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Sabeco cho biết, kinh doanh tăng trưởng là nhờ tình hình kinh tế cải thiện, dù Nghị định 100 vẫn được thực thi nghiêm ngặt và sự cạnh tranh trong ngành vẫn gia tăng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Sabeco đạt 22.940 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu từ bán bia chiếm phần lớn cơ cấu với 20.378 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Sabeco luôn thuộc nhóm các doanh nghiệp sẵn sàng mạnh tay chi tiền cho các hoạt động quảng cáo, khuyến mại. Đây cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng về doanh thu của công ty.
Doanh nghiệp bia rượu lo áp thuế tiêu thụ đặc biệt làm xói mòn nguồn thu
Song thời gian trở lại đây, trước tình hình kinh tế khó khăn, khoản chi này của Sabeco đang có dấu hiệu giảm dần. Theo đó, 9 tháng đầu năm, Sabeco dành ra 1.505 tỷ đồng dành cho chi phí quảng cáo và khuyến mại, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây vẫn là số tiền khá lớn, chiếm tới 46% các khoản chi của Sabeco.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn đạt 3.504 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trung bình mỗi ngày Sabeco lãi 12,8 tỷ đồng.
Năm 2024, các công ty sản xuất bia lớn tại Việt Nam như Habeco, Heineken Việt Nam,... đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận.
Tương tự, nhu cầu tiêu thụ phục hồi đã giúp Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) ghi nhận kỳ kinh doanh tăng trưởng bất chấp những áp lực đến từ chi phí phát sinh.
Cụ thể, quý III/2024, doanh thu thuần của Sabeco đạt hơn 2.335 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Dù giá vốn hàng bán tăng nhưng chậm hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn tăng 8% lên 642 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế quý III/2024 đạt 138 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Habeco đạt 5.996 tỷ đồng, tăng 6%. Đáng chú ý, dù chi phí quảng cáo, khuyến mại và hỗ trợ trong quý III/2024 không tăng so với quý III/2023, nhưng riêng quý II/2024, công ty đã chi 165 tỷ đồng cho các khoản này, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, chi phí quảng cáo của công ty đã tăng 29%, đạt 462 tỷ đồng, trung bình khoảng 1,7 tỷ đồng mỗi ngày Dưới sự bào mòn bởi các khoản chi phí, lợi nhuận của Habeco giảm nhẹ xuống còn 289 tỷ đồng.
Năm 2024, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.543 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 202 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, ông lớn ngành bia miền Bắc đã thực hiện lần lượt 91% doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.
"Cơn khát" lợi nhuận của Halico
Cùng thuộc nhóm kinh doanh các sản phẩm có cồn nhưng Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội - Halico (UPCoM: HNR) lại ghi nhận một kinh doanh không mấy khả quan với chuỗi lỗ không hồi kết.
Quý III/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 22,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn hàng bán tăng cao, vượt qua mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp trong quý giảm 13% xuống còn 5,3 tỷ đồng.
Kết quả, công ty báo lỗ gần 5 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng thua lỗ tiếp diễn do áp lực chi phí hoạt động khiến doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Kể từ lần hiếm hoi có lãi trong quý I/2024, Halico liên tục thua lỗ nặng. Từ đầu năm 2018 đến nay, Halico đã báo lỗ 26/27 quý.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Halico ghi nhận doanh thu đạt gần 80 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Dù vậy nhưng sau thuế, công ty lỗ tới 7,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 3,5 tỷ đồng cùng kỳ.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcap, mức tiêu thụ bia sẽ dần phục hồi trong năm 2024 từ mức thấp trong năm 2023, được dẫn dắt bởi đà phục hồi của nền kinh tế mặc dù việc thực thi nghiêm ngặt quy định không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia và cạnh tranh gay gắt vẫn đang diễn ra.
Về triển vọng dài hạn, Vietcap cho rằng việc tiếp tục thực thi nghiêm ngặt Nghị định 100 không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia khiến sẽ đà tăng trưởng tiêu thụ bia trong trung hạn chậm lại.