Hiện nay việc sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đang diễn ra phức tạp.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 7-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Chặn thao túng thị trường chứng khoán là cần thiết
Góp ý nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) góp ý về quy định hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán trong dự luật.
Bà Mai bày tỏ đồng tình khi dự luật bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thu thập, tập hợp thông tin phát hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Đồng thời bà cho rằng quy định quyền, trách nhiệm, quy trình phối hợp với cơ quan điều tra liên quan đến các tội phạm về thị trường chứng khoán, trong đó có hành vi thao túng là cần thiết.
Dù vậy theo bà Mai cần tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định trong dự luật phù hợp và đồng nhất với các quy định pháp luật liên quan trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Cần rà soát và làm rõ các khái niệm, định nghĩa liên quan đến việc xác định hành vi theo hướng thị trường chứng khoán.
Nữ đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng hiện nay việc sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đang diễn ra phức tạp.
Bà đề nghị cần nghiên cứu quy định trong luật hoặc giao Chính phủ quy định, đảm bảo các quy định có khả năng ngăn chặn được các hành vi được thực hiện bởi nhiều công cụ.
Theo bà Mai, một trong những điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là đáp ứng quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm là cần thiết.
Tuy nhiên việc xếp hạng tín nhiệm cần phải thực hiện rõ ràng, để đảm bảo tính hiệu quả của việc xếp hạng.
Vì vậy bà Mai đề nghị Chính phủ nghiên cứu và có thể quy định tại các văn bản kết luận về các tiêu chuẩn, tiêu chí để xếp lại tín nhiệm để hiệu quả cũng như là thực chất về xếp hạng thí nghiệm.
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng dự luật rất nên cân nhắc quy định về 5 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán bị nghiêm cấm, nhất là chủ trương không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, dân sự.
Trong các điều cấm không nên chỉ dựa vào quy định tại Bộ luật Hình sự. Ngược lại muốn phòng ngừa sớm, xử lý sớm, quy định về các điều cấm phải rộng hơn cấu thành tội phạm tại Bộ luật Hình sự.
"Nguyên tắc là phải xử phạt hành chính trước để ngăn chặn, trong một số trường hợp căn cứ vào tính chất gây nguy hiểm mới xử lý hình sự", ông Long nêu.
Đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng 5 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán được nêu tại dự thảo không có gì mới. Tất cả hành vi này đã trải qua thời gian dài, với nhiều vụ án về thao túng thị trường chứng khoán cho thấy phương thức thủ đoạn đã khác, luôn đổi mới, giờ vẫn lấy lại đưa vào luật là rất cũ, không phù hợp với yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Theo ông Long: "Yêu cầu đặt ra, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiểm toán độc lập. Hàng loạt vụ án nghiêm tọng xuất phát từ lỗ hổng của hoạt động kiểm toán, khi mà không xác minh thực sự. Hiện cũng thiếu tội danh liên quan kiểm toán độc lập".
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn - Ảnh: GIA HÂN
Kiểm toán vốn điều lệ để ngăn chặn tăng vốn điều lệ "ảo"
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho biết Chính phủ đề xuất trong hồ sơ chào bán ra công chúng cần có báo cáo vốn điều lệ đóng góp trong 10 năm tính tới lúc đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, và được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập.
Một số ý kiến đại biểu lo ngại nếu kiểm toán vốn điều lệ sẽ phát sinh chi phí, thời gian, gây khó khăn và có thể gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Toàn cần phải rà soát kỹ lưỡng, vì kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là nội dung quan trọng để xác định vốn điều lệ thực góp, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng.
Ông Toàn cho hay số cổ phần này sẽ được tiếp tục giao dịch trên thị trường thứ cấp. Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác là sự đánh tráo với toàn bộ nhà đầu tư ngay từ đợt mua lần đầu, đến những lần mua tiếp theo.
"Điển hình là Công ty Faros của FLC từ vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng, sau 5 lần tăng vốn điều lệ trong 3 năm (2014-2016), tăng vốn điều lệ lên 4.300 tỉ đồng, gây hệ lụy lớn cho thị trường. Hay vụ án Sài Gòn Đại Ninh của Nguyễn Cao Trí, qua nhiều lần phù phép cũng tăng vốn doanh nghiệp lên 2.000 tỉ đồng", ông Toàn dẫn chứng.
Đại biểu đoàn Lai Châu nêu: "Kiểm toán chi phí không lớn, bảo doanh nghiệp e ngại vấn đề này là không phải. Ngược lại đây là yếu tố cần đảm bảo cho thị trường chứng khoán được minh bạch, trong sạch. Nếu quy định có kiểm toán vốn điều lệ sẽ không xảy ra trường hợp như Faros và một số trường hợp khác".
Ông Toàn nói đề xuất của Chính phủ tại dự thảo luật sửa đổi là hoàn toàn phù hợp để tạo ra môi trường cho hoạt động thị trường chứng khoán minh bạch.
Về thời gian kiểm toán góp vốn điều lệ Chính phủ đề xuất 10 năm, có thể rút ngắn còn 5 năm để đảm bảo tiết kiệm chi phí và thị trường phát triển công bằng, minh bạch.
TIẾN LONG - THÀNH CHUNG
Bình luận (27)