Hãy là người đầu tiên thích bài này
Cổ phiếu phân hóa rõ rệt, nhà đầu tư cần chiến lược chọn lọc

Thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn phân hóa mạnh, khi những yếu tố tác động từ bên ngoài dần được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Cổ phiếu phân hóa, nhà đầu tư ưu tiên chọn lọc và phòng thủ. Ảnh: Lục Giang

Tập trung vào cổ phiếu ít chịu tác động vĩ mô

Theo ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), các nhà đầu tư đang trong tâm thế thận trọng, tái cơ cấu danh mục để chuẩn bị cho giai đoạn sau kỳ nghỉ lễ.

Ông Dương nhận định: “Điểm sáng của thị trường hiện nay nằm ở kết quả kinh doanh quý I của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt nhóm VN30 và 50 doanh nghiệp vốn hóa lớn. Hầu hết ban lãnh đạo doanh nghiệp đều khẳng định không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan, đây là yếu tố giúp cân bằng lại tâm lý thị trường”.

Theo chuyên gia VPBankS, chiến lược đầu tư lúc này là tập trung vào cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, ít chịu tác động vĩ mô, đồng thời duy trì tỷ trọng hợp lý để ứng phó với biến động ngắn hạn. Những ngành triển vọng được chỉ ra gồm ngân hàng, công nghệ thông tin, tài nguyên cơ bản, bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản (gồm nhà ở, bất động sản công nghiệp), chứng khoán và dịch vụ tài chính.

Ông Dương nhấn mạnh nhà đầu tư nên chú ý đến yếu tố định giá, khi VN-Index hiện đã chiết khấu về mức P/E 10,5 lần – vùng định giá chỉ xuất hiện ba lần trong 10 năm qua.

Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT – khuyến nghị: “Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với tỉ trọng vừa phải, ưu tiên các nhóm ngành có kết quả kinh doanh quý I tích cực và triển vọng khả quan trong quý II như Ngân hàng, Bán lẻ, Thủy sản, Điện và Đầu tư công.” Tuy nhiên, ông Hinh cũng lưu ý “cần thận trọng với rủi ro biến động và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính trong giai đoạn hiện nay".

Việc hệ thống giao dịch KRX dự kiến vận hành từ ngày 5.5.2025 cũng được đánh giá là yếu tố tích cực về mặt hạ tầng, giúp gia tăng thanh khoản, cải thiện trải nghiệm nhà đầu tư và tạo nền tảng phát triển các sản phẩm tài chính mới. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nắm rõ thay đổi trong thao tác giao dịch để thích nghi kịp thời, tránh rủi ro phát sinh.

Chọn lọc doanh nghiệp nổi bật, tận dụng cơ hội trung dài hạn

Đối với nhóm cổ phiếu cụ thể, ông Dương đánh giá MWG ghi nhận doanh số mảng ICT&CE tăng trưởng tốt, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ nhưng tổng doanh thu tích cực, trong khi Bách Hóa Xanh bắt đầu mang lại lợi nhuận đáng kể. FRT cũng được đánh giá khả quan nhờ tái cấu trúc mảng ICT&CE, mở rộng nhà thuốc và tiêm chủng, cùng mục tiêu quản lý chi phí hiệu quả.

Ở lĩnh vực bất động sản, Vingroup đặt mục tiêu mạnh mẽ với ba trụ cột: Bất động sản (VHM), ôtô điện và du lịch, khách sạn – giải trí. Ban lãnh đạo VIC tin tưởng nhu cầu nhà ở vẫn cao, đặc biệt tại các đại đô thị tích hợp tiện ích. Trong khi đó, VinFast dự kiến giao 200.000 xe điện năm 2025, tăng gấp đôi so với năm 2024.

Ngành tài chính ngân hàng cũng có những tín hiệu tích cực, với Techcombank đặt mục tiêu vốn hóa 20 tỉ USD, đồng thời chuẩn bị niêm yết TCBS để tối ưu giá trị công ty mẹ. Còn Masan Group (MSN) nổi bật ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, trong đó Masan Consumer Holdings (MCH) – công ty con chủ lực – dự kiến mang về lợi nhuận 7.300–7.800 tỉ đồng, cùng chiến lược đẩy mạnh ra mắt sản phẩm mới và mở rộng phân phối.

Một cổ phiếu đáng chú ý khác là PC1 trong ngành điện, được hưởng lợi từ Quy hoạch điện VIII và dự án bất động sản Tháp Vàng sắp hạch toán, tạo ra nền tảng lợi nhuận vững chắc trong ngắn hạn.

Ông Dương lưu ý, nhà đầu tư cần bám sát các chỉ báo phù hợp với từng ngành khi phân tích doanh nghiệp, không nên nhìn toàn ngành để ra quyết định. Đồng thời, nên áp dụng chiến lược phân bổ vốn theo mô hình kim tự tháp, vừa tận dụng cơ hội tăng giá trung dài hạn, vừa giảm thiểu rủi ro từ những biến động bất thường.

Lục Giang-Link gốc

Bình luận (1)

Chân ái PC1
21:50

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long