Ngoài nhóm xây lắp, các cổ phiếu của doanh nghiệp năng lượng tái tạo cũng được kỳ vọng hưởng lợi từ Luật Điện lực sửa đổi.
Động lực cho năng lượng tái tạo
Ngày 30/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/2/2025 và thay thế cho Luật Điện lực năm 2024. Việc thông qua Luật Điện lực sửa đổi được đánh giá là một bước tiến tích cực cho ngành điện Việt Nam.
Bằng cách luật hóa và thiết lập khung pháp lý, luật này sẽ giúp tự do hóa và tăng tính minh bạch trong ngành điện, qua đó đẩy nhanh tốc độ đầu tư cho hạ tầng năng lượng.
Theo SSI Research, việc sửa đổi Luật Điện lực là một dấu mốc quan trọng, giúp củng cố an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy các cơ chế phù hợp cho từng loại nguồn điện và hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Cụ thể, luật đã đề xuất các quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện cấp bách, chẳng hạn đơn giản hóa thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc thay đổi mục đích sử dụng rừng. Điều này giúp cải thiện khả năng ứng phó với những nhu cầu đột xuất về năng lượng, đặc biệt khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, hoặc các dự án khác bị đình trệ. Các dự án này bao gồm cả việc xây dựng mới và sửa chữa, nhằm đảm bảo nguồn cung điện không bị gián đoạn.
Ngoài ra, luật cũng tháo gỡ khó khăn liên quan đến phê duyệt đầu tư lưới điện có cấp điện áp dưới 220 kV qua nhiều tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh nơi đặt điểm đầu đường dây sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt và phối hợp với các tỉnh khác trong thời hạn quy định.
Luật Điện lực sửa đổi cũng đề cao cam kết sản lượng điện hợp đồng dài hạn, đặc biệt cho các dự án điện khí/LNG, điện gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng mới. Ảnh: Petrotimes.
Phát triển năng lượng tái tạo, như hydrogen và amoniac, trở thành ưu tiên hàng đầu, hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. SSI Research kỳ vọng các cơ chế giá bổ sung sẽ sớm được thông qua để hỗ trợ lĩnh vực này. Đồng thời, luật khuyến khích đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện và áp dụng các biện pháp giảm phát thải tại các nhà máy dùng nhiên liệu hóa thạch.
Luật cũng đề cao cam kết sản lượng điện hợp đồng dài hạn, đặc biệt cho các dự án điện khí/LNG, điện gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng mới, nhằm cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Với điện gió ngoài khơi, Chính phủ được giao nhiệm vụ thiết lập các ưu đãi cụ thể để khuyến khích đầu tư.
Nhà nước giữ quyền độc quyền trong xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Quốc hội đã đồng ý tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (4.000 MW), nhằm đa dạng hóa nguồn cung điện, trong bối cảnh điện khí LNG gặp thách thức triển khai, còn nhiệt điện than và thủy điện bị giới hạn bởi trữ lượng và tác động môi trường.
Luật cũng nhấn mạnh ba cấp độ thị trường điện lực gồm phát điện cạnh tranh (VCGM), bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) và bán lẻ điện cạnh tranh (VCRM), với Việt Nam hiện đang ở cấp độ VWEM. Các định nghĩa như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn được bổ sung, tạo hành lang pháp lý cho cấp độ thị trường bán lẻ điện trong tương lai.
Cuối cùng, cải cách cơ chế giá điện được kỳ vọng loại bỏ dần việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng và khu vực, hướng tới áp dụng giá điện nhiều thành phần thay vì chỉ dựa vào sản lượng tiêu thụ như hiện tại.
Gọi tên các cổ phiếu năng lượng tái tạo
Với những nội dung sửa đổi, bổ sung theo Luật Điện lực 2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng các doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên sẽ là nhóm doanh nghiệp có hoạt động xây lắp điện khi mà nhu cầu đầu tư các đường dây truyền tải 220kV trở xuống dự kiến ở mức cao; Có kế hoạch phát triển/có sẵn danh mục dự án năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi.
Theo đó, Tập đoàn PC1 (PC1), REE Corporation (REE), và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi từ những thay đổi này.
Đồng quan điểm, SSI Research cũng cho rằng, việc Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2025, với trọng tâm phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới cùng các ưu đãi cụ thể cho điện gió, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp như REE Corporation (REE), Hà Đô Group (HDG), và Bamboo Capital (BCG) tái khởi động dự án.
Đồng thời, các công ty như Tập đoàn PC1 (PC1) và Lizen (LCG) sẽ hưởng lợi từ việc mở rộng mảng xây lắp.
Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2025, với trọng tâm phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Ảnh: Shutterstock.
Mảng điện hiện là nguồn doanh thu và lợi nhuận chính của REE Corporation. Doanh nghiệp định hướng phát triển năng lượng tái tạo, thủy điện và thoái vốn khỏi nhiệt điện. Trong 9 tháng đầu năm 2023, REE đã mua lại nhà máy điện gió Duyên Hải tại Trà Vinh với công suất thiết kế 48 MW, tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, và dự kiến khởi công vào quý II/2025.
Hà Đô Group cũng ghi nhận 61% doanh thu đến từ mảng điện, sở hữu danh mục 7 nhà máy điện gió với tổng công suất 748 MW, đã được đưa vào Quy hoạch Điện VIII và đang chờ khung giá điện để triển khai. Tháng 4/2024, Hà Đô nhận chứng nhận đầu tư cho nhà máy điện gió Phước Hữu, tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, dự kiến phát điện từ quý IV/2025.
BCG Energy (BCE), công ty con của Bamboo Capital (BCG), sở hữu 8 dự án điện gió với tổng công suất 925 MW trong Quy hoạch Điện VIII, được ưu tiên thực hiện đến năm 2030. Ngoài ra, BCE cũng đã mua lại nhà máy điện rác Tâm Sinh Nghĩa tại TP.HCM trong năm 2023 và đặt mục tiêu đạt tổng công suất 2 GW vào năm 2026.
Tập đoàn PC1, với nhiều nguồn thu từ thủy điện, sản xuất công nghiệp, khai khoáng và bất động sản, đang hưởng lợi từ quy định mới trong Luật Điện lực sửa đổi. Điều này mở ra cơ hội tăng trưởng cho mảng xây dựng điện và cung cấp cốt thép, vốn chiếm 1/3 doanh thu hàng năm.
Lizen, chuyên về hạ tầng giao thông và năng lượng tái tạo, đang tập trung đẩy mạnh mảng xây lắp điện, với hai dự án điện mặt trời Chư Ngọc và Solar Farm Nhơn Hải, cũng như các dự án điện gió Thăng Hưng và Đình Lập, chờ chính sách hỗ trợ.
PV Power (POW) hiện đang đầu tư vào dự án Nhơn Trạch 3&4 sử dụng LNG, kỳ vọng vận hành thương mại từ tháng 6 và tháng 9/2025. Dự án có thể ảnh hưởng ngắn hạn đến lợi nhuận nhưng cam kết sản lượng điện khí LNG dài hạn sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động trong dài hạn.
Cuối cùng, việc cải cách giá điện được kỳ vọng sẽ giúp EVN hạn chế thua lỗ, đồng thời mang lại lợi ích gián tiếp cho các nhà máy điện. Mô hình giá điện hai thành phần, bao gồm giá công suất và giá điện năng, phản ánh chi phí đầu tư đầy đủ hơn và khuyến khích sử dụng điện hiệu quả.
Bình luận (15)