Hàng loạt cổ phiếu lao dốc theo diễn biến chung bất chấp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chịu tác động từ chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ ra sao.
Chứng khoán dao động mạnh 4 phiên liên tiếp. Ảnh: PV
Chỉ trong vòng 3 phiên sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng, VN-Index đã mất hơn 185 điểm, rơi xuống vùng 1.133 điểm, đánh bay mọi nỗ lực vượt các ngưỡng cản quan trọng 1.200 hay 1.300 điểm. Mở cửa phiên ngày 9/4, thị trường chứng khoán tiếp tục chìm trong sắc đỏ, VN-Index rơi tiếp hơn 50 điểm.
Hàng loạt cổ phiếu theo đó cũng ghi nhận nhiều phiên giao dịch giảm sàn liên tiếp, mất trên 20% giá trị bất chấp mức độ ảnh hưởng của thuế quan đối với doanh nghiệp ra sao. Trước bối cảnh nay, nhiều lãnh đạo công ty đã lên tiếng làm rõ tình hình kinh doanh và mối liên quan kinh tế với Mỹ trấn an cổ đông.
Lãnh đạo CII, HAG, MSN, GMD lên tiếng
Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã: CII) cho biết 95% tổng tỷ trọng đầu tư hiện tại của doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong nước, bao gồm dự án giao thông và bất động sản khu đô thị. Vì vậy, chính sách thuế xuất nhập khẩu – vốn ảnh hưởng chủ yếu đến các ngành có liên quan hoạt động thương mại quốc tế - không tạo ra tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.
Thêm vào đó, doanh nghiệp không có các khoản vay bằng đồng USD, và trong các kế hoạch huy động vốn sắp tới, công ty cũng không dự kiến sử dụng các nguồn vay ngoại tệ. Do đó, các rủi ro liên quan tỷ giá hay chi phí tài chính bằng USD không ảnh hưởng đến công ty ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần.
Ông Hoàng chia sẻ, hoạt động của CII tiếp tục được hỗ trợ tích cực bởi định hướng phát triển hạ tầng đồng bộ và đẩy mạnh đầu tư công từ phía Chính phủ. Công ty kỳ vọng sẽ duy trì được đà tăng trưởng ổn định và bền vững trong bối cảnh phát triển chung của nền kinh tế nội địa.
Trong thư gửi cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai – HAGL (mã: HAG) khẳng định chính sách thuế của ông Donald Trump đề cập không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu chính của công ty. Cụ thể, mặt hàng chuối, công ty chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật bản, hoàn toàn không xuất hàng hóa sang Mỹ.
Đối với hàng hóa xuất khẩu đi Hàn Quốc và Nhật Bản, giá được chốt ổn định theo năm. Hàng đi Trung Quốc giá chốt theo tuần, trong tuần này công ty đã chốt hơn 12 USD/thùng, cao hơn 10% so với tuần trước.
Ngoài ra, việc tỷ giá USD liên tục tăng cao trong thời gian qua cũng mang lại kết quả tích cực đối với doanh thu xuất khẩu của công ty khi phần lớn chi phí đầu vào đều bằng tiền VNĐ.
Dù vậy, công ty vẫn đang tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến chính sách quốc tế và sẽ chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh khi cần thiết để bảo vệ lợi ích chung. Các hoạt động sản xuất, xuất khẩu của công ty vẫn diễn ra ổn định và đúng kế hoạch.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (mã: MSN) đánh giá mức thuế quan được Mỹ đề xuất sẽ có tác động rất hạn chế đến hoạt động kinh doanh và triển vọng của tập đoàn.
Bởi thị trường Mỹ đóng góp chưa đến 1% vào doanh thu của Masan Consumer. Các sản phẩm chủ lực của Masan High – Tech Materials hiện được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế quan đã công bố. Giá các mặt hàng thiết yếu tại WinCommerce vẫn duy trì tính cạnh tranh so với tất cả các kênh khác trên thị trường.
Ngoài ra, Việt Nam đã đề nghị mức thuế 0% đối với Mỹ. Điều này có thể giúp chi phí nguyên vật liệu cho ngành thực phẩm tiện lợi và thịt của Masan, cũng giúp giảm chi phí sản xuất.
Dù vậy, vị Chủ tịch tập đoàn khẳng định Masan sẽ không chủ quan, ban lãnh đạo đã và đang tích cực theo dõi tình hình triển khai các mức thuế và những ảnh hưởng tiềm tàng đến thị trường tiêu dùng tại Việt Nam. Tập đoàn đang chuẩn bị các chiến lược kinh doanh để thích ứng với mọi kịch bản thuế quan có thể xảy ra.
Ở lĩnh vực cảng biển, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gemadept (mã: GMD) bày tỏ chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa Việt Nam xuất đi Mỹ có khả năng tác động nhất định đến hoạt động của công ty. Như Cụm cảng Nam Đình Vũ tại Hải Phòng, hàng hóa đi Mỹ chiếm dưới 10% tổng sản lượng cảng. Cảng nước sâu Gemalink thì hàng hóa đi Mỹ chiếm tỷ trọng dưới 32%. Tuy nhiên, ngay trong tháng 4, Cảng Gemalink đã thu hút thêm 4 tuyến dịch vụ mới đi châu Phi, châu Âu, Canada và Brazil, giảm tỷ trọng hàng đi Mỹ xuống còn 20%.
Mặt khác, chính sách thuế quan mới của Mỹ được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng giao thương Nội Á do các quốc gia sẽ tìm kiếm thị trường thay thế và xây dựng chuỗi cung ứng trong khu vực vững chắc hơn.
Về mặt nhập khẩu, luồng hàng từ Mỹ có thể không bị ảnh hưởng, thậm chí có tiềm năng tăng trưởng, nhờ các chính sách chủ động từ phía Việt Nam bao gồm đề xuất thuế nhập khẩu 0% và tăng cường mua thêm các mặt hàng chiến lược mà Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như thiết bị năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, dược phẩm…
Để ứng phó tình hình, ông Bình cho biết doanh nghiệp đã và đang trao đổi với các hãng tàu, khách hàng xuất nhập khẩu để đẩy nhanh các đơn hàng xuất khẩu sớm, theo dõi sát diễn biến thị trường; tiếp cận với khách hàng, nhóm hàng không/ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ…
Nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi thuế quan
Theo SSI Research, trong các doanh nghiệp niêm yết, ngành dệt may, thủy sản và gỗ là ngành xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhiều nhất. Với dệt may, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu trong năm 2024 – gấp 4-5 lần so với các thị trường chính khác gồm Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc. Do vậy việc chuyển dịch sang các thị trường khác sẽ cần nhiều thời gian.
Với thủy sản, Mỹ chiếm khoảng 18% giá trị xuất khẩu trong năm 2024, thấp hơn Trung Quốc (19%) nhưng cao hơn Nhật Bản (15%), EU (10%) và Hàn Quốc (8%). Mức thuế đối với hàng thủy sản Việt Nam thấp hơn so Trung Quốc, nhưng mức chênh lệch này đang thu hẹp đáng kể so với dự đoán. Ngành thủy sản có thể đối mặt với những thách thức nếu nhu cầu toàn cầu đình trệ và áp lực từ sản phẩm Trung Quốc tăng lên ở các thị trường xuất khẩu khác. Việc tăng giá cước vận chuyển và quá trình thông quan kéo dài cũng có thể tạo thêm áp lực cho ngành.
Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ chiếm 55,4% trong năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Mỹ năm 2024 đạt hơn 8,8 tỷ USD, tăng 23,9% 2023. Các sản phẩm chính bao gồm ghế gỗ, nội thất phòng ngủ và nội thất nhà bếp.
Ngoài ra, một ngành bị đánh giá sẽ chịu tác động tiêu cực gián tiếp là bất động sản khu công nghiệp. SSI Research cho rằng việc mức thuế đối ứng 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn so với các quốc gia thu hút FDI khác trong châu Á, bao gồm Indonesia (32%), Ấn Độ (26%), và Philippines (17%) có thể tác động đến xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhà đầu tư có thể chuyển sang trạng thái chờ đợi, do vậy ảnh hưởng đến nhu cầu đất công nghiệp tại Việt Nam.
Tương tự, Maybank Investment Bank cũng đánh giá với mức thuế cao, dòng vốn FDI trở thành yếu tố cần chú ý nhất trong giai đoạn này. Tổ chức này dự báo rằng các đăng ký FDI sẽ có sự chững lại trong năm nay.
Song, các lợi thế cốt lõi của Việt Nam – bao gồm các trung tâm sản xuất điện tử, dệt may và giày dép đã được hình thành, thị trường tiêu dùng lớn và chưa được khai thác hết với dân số 100 triệu người, cùng lực lượng lao động giá rẻ và dồi dào – sẽ khiến các nhà đầu tư FDI phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi quyết định di chuyển sang quốc gia khác.
Đồng thời, khoảng cách thuế giữa Việt Nam và các đối thủ cạnh tranh khác (như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Campuchia, ...) chỉ khoảng 10%, và mức chênh lệch này có thể thu hẹp nếu Chính phủ Việt Nam có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Bình luận (17)





