Hãy là người đầu tiên thích bài này
Cổ phiếu hóa chất và phân bón chờ ‘sóng’ cuối năm

Kinh doanh khả quan cùng thông tin chính sách hỗ trợ đã giúp nhóm cổ phiếu hóa chất và phân bón trở thành một lựa chọn đầu tư đáng chú ý, nhất là trong chu kỳ phục hồi của nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

VN-Index tiếp đà hồi phục trong phiên cuối tuần qua (6/12). Trong đó, nhóm cổ phiếu hóa chất và phân bón đã trở thành điểm sáng nhờ lực cầu sôi động. Một loạt cái tên có thể kể đến như DCM (Đạm Cà Mau), DPM (Đạm Phú Mỹ), BFC (Phân bón Bình Điền, LAS (Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao), DGC (Hóa chất Đức Giang), DDV (DAP – Vinamchem). Đặc biệt, cổ phiếu CSV (Hóa chất cơ bản miền Nam) có thời điểm còn tăng trần với thanh khoản thuộc top 10 thị trường.

"Sức khỏe" khả quan

Theo giới phân tích, trong chu kỳ hồi phục của nền kinh tế và thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu hàng hóa, trong đó có phân bón, luôn là một trong những lựa chọn ưa thích của các nhà đầu tư do được hưởng lợi kép từ sản lượng và giá bán tăng.

Nhóm cổ phiếu hóa chất và phận bón nhận được lực cầu sôi động.

Trên thực tế, giá các cổ phiếu thuộc ngành này trên sàn chứng khoán như DPM, DCM, DGC, LAS, DDV… đã có mức tăng vài chục phần trăm kể từ đầu năm 2024 đến nay. Diễn biến này là có cơ sở nếu xét trên sự chuyển biến về kết quả kinh doanh của ngành phân bón trong 9 tháng đầu năm.

Nhiều đơn vị hoá chất "toả sáng" với một số cái tên thuộc nhóm Vinachem (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam), đồng thời các đơn vị phân bón kinh doanh không tệ nhờ kiểm soát được chi phí.

Đơn cử là Hóa chất cơ bản miền Nam tăng mạnh về cả doanh thu và lợi nhuận, ghi nhận 73 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng hơn 51% so với cùng kỳ. Với đóng góp lớn từ quý III, doanh nghiệp đạt 186 tỷ đồng lãi ròng sau 9 tháng, tăng 16% so với cùng kỳ, và gần như hoàn thành mục tiêu lãi trước thuế của cả năm.

Một cái tên khác thuộc Vinachem là Hóa chất Việt Trì (HVT) cũng lãi đậm với 27 tỷ đồng lợi nhuận ròng, gấp 23 lần cùng kỳ.

Trong nhóm phân bón, Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao kinh doanh tốt với doanh thu đi ngang và 33 tỷ đồng lãi ròng, tăng 14%.

DDV (DAP – Vinachem) thậm chí lãi gấp 3 cùng kỳ, đạt hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế lãi gộp chỉ đi ngang, còn nguyên nhân chính giúp tăng lãi đến từ việc chi phí bán hàng giảm mạnh vì sản lượng tiêu thụ giảm.

Một trường hợp khác là Đạm Hà Bắc (DHB) báo lãi 38 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 309 tỷ đồng). Mức lợi nhuận này chỉ bằng 3,7% doanh thu có được, phần lớn do giảm chi phí lãi vay nhờ tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ tại Ngân hàng Phát triển (VDB) vào cuối năm 2023. Dẫu vậy, với khoản lỗ bất ngờ tại quý II, doanh nghiệp vẫn lỗ 61 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm.

Ngoài ra, 3 trong số 4 "ông lớn" của ngành phân bón – hóa chất mặc dù đón nhận kết quả đi xuống trong quý III, song mức giảm không quá mạnh.

Cụ thể, Đạm Phú Mỹ ghi nhận giảm nhẹ về cả doanh thu và lợi nhuận: doanh thu giảm 4% so với cùng kỳ, đạt gần 3,1 ngàn tỷ đồng; lãi ròng 63 tỷ đồng, giảm 2%.

Phân bón Bình Điền ghi nhận mức giảm mạnh hơn, lần lượt 25% với doanh thu (đạt hơn 2 ngàn tỷ đồng) và 35% với lãi ròng (53 tỷ đồng).

Thực tế, quý III thường là thời điểm nhóm phân đạm chứng kiến doanh thu giảm sút do thời điểm qua đỉnh vụ Hè - Thu. Ngay cả Phân bón Cà Mau hay Đạm Cà Mau cũng ghi nhận doanh thu giảm tới 12%. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát tốt giá vốn, Đạm Cà Mau vẫn lãi ròng tới 120 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ.

Việc các quý trước làm ăn tốt nhờ mức nền khá thấp cùng kỳ giúp bức tranh luỹ kế của 3 "ông lớn" trở nên tươi sáng. Sau 9 tháng, Đạm Cà Mau đạt gần 1,1 ngàn tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 71%; Phân bón Bình Điền đạt 285 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ; Đạm Phú Mỹ đạt 558 tỷ đồng, tăng trưởng 31%. Cả 3 doanh nghiệp đều đã vượt hoặc gần hoàn thành kế hoạch đặt ra tại ĐHĐCĐ 2024.

Còn "ông lớn" Hóa chất Đức Giang có quý thứ 8 liên tiếp giảm lợi nhuận, nhưng mức giảm chỉ 7%. Tuy nhiên, lãi ròng quý III vẫn đạt hơn 706 tỷ đồng, là thành quả không tệ khi vượt xa những con số trước quý IV/2021 - thời điểm lãi bùng nổ nhờ hưởng lợi từ cơn sốt hàng hóa toàn cầu, và xấp xỉ kết quả những quý gần đây. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng vượt kế hoạch đặt ra cho quý III (2,4 ngàn tỷ đồng doanh thu và 720 tỷ đồng lãi sau thuế).

Kỳ vọng vào cục diện mới

Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Việt Nam đang rơi vào khoảng 11 triệu tấn/năm, bao gồm các loại: Ure, DAP, NPK, Kali... Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là phân urê, với tổng công suất ước đạt 3 triệu tấn/năm.

Phần lớn nguyên liệu đầu vào được khai thác từ các mỏ khí trong nước như Bạch Hổ, Nam Côn Sơn... Riêng kali, Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.

Theo Chứng khoán Mirae Asset, giá phân bón trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi trong giai đoạn sắp tới. Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu làm đẩy giá khí tự nhiên tăng cao, chi phí sản xuất phân bón lên mạnh, nhiều nhà máy châu Âu phải đóng cửa làm gián đoạn nguồn cung.

Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine cũng là yếu tố gây tác động. Nga là một trong những nước sản xuất phân bón lớn nhất, nên các lệnh cấm vận xoay quanh xung đột gây ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung phân bón toàn cầu và gây biến động giá dầu.

Tuy nhiên, nhu cầu phân bón có thể sẽ đi xuống khi giá tăng, cũng như xu hướng chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững với phân hữu cơ khiến nhu cầu phân vô cơ giảm. Ngoài ra, một số quốc gia hạn chế xuất khẩu và duy trì sản xuất chỉ để đáp ứng nhu cầu nội địa, giữ giá phân bón thế giới ở mức thấp gần một năm qua.

Trong khi đó, Chứng khoán BSC kỳ vọng vào Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) dành cho ngành phân bón, cho phép đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào với các mặt hàng phân bón thay vì miễn thuế.

Giới chuyên môn đánh giá, khi áp thuế VAT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa, đặc biệt là các nhà sản xuất phân đơn như urê, lân và phân DAP, sẽ được hưởng lợi lớn. Các công ty như DPM, DCM, DDV, LAS có cơ hội giảm đáng kể chi phí sản xuất thông qua cơ chế khấu trừ thuế VAT đầu vào, từ đó cải thiện biên lợi nhuận và tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Việc này cũng có khả năng làm giảm giá thành sản xuất một số loại phân bón nội địa như urê và DAP từ 0,87 - 2%, giúp ổn định giá cả thị trường và mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng, nhất là người nông dân.

Tuy nhiên, tác động từ chính sách thuế VAT sẽ không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp sản xuất phân NPK, vốn sử dụng phân đơn làm nguyên liệu chính, sẽ không hưởng lợi nhiều do nguyên liệu đầu vào đã chịu loại thuế này, hoặc không bị ảnh hưởng đáng kể về giá. Tương tự, các nhà nhập khẩu phân bón không chịu tác động lớn vì thuế suất thuế VAT đầu vào và đầu ra đều được áp dụng ở mức 5%, đồng nghĩa với biên lợi nhuận hiện tại được duy trì.

Dù vậy, nhìn chung, cổ phiếu ngành phân bón vẫn là một lựa chọn đầu tư đáng chú ý nhờ cả yếu tố cơ bản lẫn khả năng có thông tin chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, với việc giá đã tăng mạnh kể từ đầu năm, các hoạt động mua vào tại nhóm cổ phiếu này được khuyến nghị canh ở các vùng giá thấp khi thị trường có những đợt điều chỉnh sâu bất ngờ như hồi giữa tháng 4 hay đầu tháng 8 vừa qua.

Hải Giang-Link gốc

Bình luận (10)

Phân vào sóng thì thơm phải biết
09:29
 2
Tuần này liệu có vươn lên khỏi miệng giếng k
09:36
ra tin là nên bán, cám ơn
09:40
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long