Mặc dù chưa về lại đỉnh lịch sử nhưng bộ đôi cổ phiếu đường sắt HRT và SRT đều đã tăng hàng chục % từ đầu năm 2024.
Tại Hội nghị về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước do Thường trực Chính phủ tổ chức với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hàng đầu ngày 21/9, Thủ tướng đánh giá cao các đề xuất của doanh nghiệp và giao các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, sản xuất thép, xây dựng các tuyến cao tốc,…
Dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tổng mức đầu tư lên đến 70 tỷ USD. Tuyến đường có tổng chiều dài 1.541km, tốc độ tối đa lên đến 350km/h, sẽ khởi hành từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) qua 20 tỉnh, thành phố, và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Toàn tuyến sẽ có 23 ga phục vụ hành khách, với khoảng cách trung bình giữa các ga là 67km, cùng với 5 ga hàng hóa được đặt tại các khu vực giao thương chính.
Câu chuyện về siêu dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam nóng lên, các cổ phiếu đường sắt trên sàn chứng khoán cũng bất ngờ thu hút sự chú ý, đặc biệt là bộ đôi Vận tải Đường sắt Hà Nội (mã HRT) và Đường sắt Sài Gòn (mã SRT). Cả 2 cổ phiếu này đều nhanh chóng tăng kịch trần ngay từ đầu phiên 23/9 trong tình trạng “trắng bên bán”.
Phiên bứt phá mạnh kết thúc nhịp điều chỉnh kéo dài từ đỉnh hồi trung tuần tháng 7. Trước đó, HRT và SRT đều đã có giai đoạn tăng nóng từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7. Dù chưa thể trở lại đỉnh lịch sử nhưng 2 cổ phiếu này đều đã tăng hàng chục % từ đầu năm. Cổ phiếu tăng đem lại niêm vui lớn cho cổ đông đặc biệt là công ty mẹ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang chi phối cả 2 doanh nghiệp này.
Cổ phiếu của ngành đường sắt “nổi sóng” sau khi có doanh nghiệp Trung Quốc ngỏ ý muốn giúp Việt Nam khai thác hiệu quả hơn. Tại buổi làm việc với Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC), Thủ tướng mong muốn Việt Nam và Trung Quốc có thể đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực đường sắt - đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Với năng lực và ưu thế của CRRC, Thủ tướng đề nghị công ty nghiên cứu hợp tác với VNR và các doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất, chuyển giao công nghệ chế tạo đầu máy, toa xe, đào tạo nhân lực, hỗ trợ về nguồn vốn. Đồng thời, tham gia xây dựng các dự án đường sắt chất lượng, hiệu quả, góp phần phát triển công nghiệp đường sắt tại Việt Nam; đồng thời hoan nghênh CRRC tham gia các dự án, lĩnh vực khác như năng lượng mới.
Cổ phiếu “bốc đầu” trong bối cảnh tình hình kinh doanh vẫn còn nhiều vấn đề “ngổn ngang”. Theo BCTC quý 2/2024, Vận tải đường sắt Sài Gòn ghi nhận doanh thu đạt xấp xỉ 526 tỷ đồng, tăng gần 24% cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 4,9 tỷ đồng, giảm đến hơn 56% so với cùng kỳ 2023.
Trong giải trình gửi UBCKNN, ban lãnh đạo Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết tổng chi phí trong quý 2 này tăng gần 26%. Nguyên nhân cơ bản do giá nguyên nhiên vật liệu tăng, chưa kể phát sinh thêm các chi phí phục vụ khách hàng do sự cố sạt lở và tăng phí điều hành giao thông vận tải đường sắt…
Tương tự, doanh thu quý 2 của Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) cũng tăng 24%, đạt 778 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 6 tỷ đồng, tương đương 1/4 cùng kỳ năm ngoái. Ngoài chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 38% và 20% cùng kỳ khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty giảm mạnh.
Bình luận (12)