Kể từ thời điểm cổ phần hóa, Cienco 4 "chứng kiến" sự "ra-vào" liên tiếp của nhiều cổ đông lớn đình đám. Hiện nay, giới chủ thực sự đứng sau Cienco 4 không lộ diện, song những năm qua, công ty này đã có những giao dịch với Trustlink - doanh nghiệp có liên quan mật thiết với nhóm IPA vay mà không thông qua cổ đông.
Ảnh minh họa: Internet
"Cuộc chơi" của loạt doanh nghiệp đình đám
Ngày 6/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 27/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4).
Cienco4 sẽ được cổ phần hóa theo hình thức: "Kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ". Sau cổ phần hóa, Cienco 4 nâng vốn điều lệ lên mức 600 tỷ đồng; trong đó, cổ đông Nhà nước nắm giữ 35% tổng số vốn điều lệ; lượng cổ phần ưu đãi bán cho người lao động là 8,62%; bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn 3%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 26,5% và bán cho các nhà đầu tư qua đấu giá 26,88%.
Tháng 3/2014, trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, toàn bộ số cổ phần đưa ra đấu giá đã được bán hết với giá bình quân là 14.047 đồng/cổ phần (cao hơn 40,47% so với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần); tổng giá trị thu về hơn 226,5 tỷ đồng, trong đó có 65,3 tỷ đồng thặng dư vốn.
Cienco 4 bán 26,5% cổ phần cho 2 cổ đông chiến lược là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (16,5%) và Ngân hàng SHB (10%). Cũng trong năm 2014, Tuấn Lộc đã mua 35% cổ phần của Nhà nước tại Cienco 4 với giá 14.062 đồng/cổ phần.
Với việc sở hữu tổng cộng 51,5% cổ phần tại Cienco 4, Tuấn Lộc nắm quyền chi phối tại tại Cienco 4. Tuy nhiên, đến năm 2015, cả Tuấn Lộc và SHB đều thoái vốn khỏi Cienco4. Thay vào đó là sự xuất hiện của 2 cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Văn Tuấn (14,5%) và bà Trương Thị Tâm (13,32%).
Sang năm 2016, Tuấn Lộc thoái sạch vốn tại Cienco 4. Doanh nhân Trần Tuấn Lộc (Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Lộc) không còn là thành viên HĐQT Cienco 4 từ tháng 2/2016. Doanh nghiệp xây dựng có gốc Nhà nước này chào đón những cổ đông mới, trong đó đáng chú ý có Công ty CP Tập đoàn VPA (VPA).
Theo Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2016, tại thời điểm 30/6/2016, VPA sở hữu hơn 27,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 27,32% vốn Cienco 4.
Cũng theo báo cáo này, bà Trương Thị Tâm- Chủ tịch HĐQT VPA, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT (từ tháng 3/2015) nhưng không trực tiếp nắm cổ phần nào tại Cienco 4. Tuy nhiên, chồng bà Tâm là ông Lê Ngọc Hoa sở hữu 0,18% vốn doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2016, VPA vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu 27,32% tại Cienco 4. Ngoài VPA, thời điểm này, Cienco 4 còn có 2 cổ đông lớn khác là Công ty CP Xây dựng Dũng Hưng (21,4%) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Dịch vụ tổng hợp Nhật Minh (14,14%).
Chi tiết vốn chủ sở hữu của Cienco 4 tại thời điểm 31/12/2016. Nguồn: BCTC hợp nhất 2016 đã kiểm toán của Cienco4
Đáng chú ý, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Dịch vụ tổng hợp Nhật Minh (Nhật Minh); VPA; bà Trương Thị Tâm và ông Nguyễn Văn Tuấn (cổ đông từng nắm 14,5% vốn Cienco 4) có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuấn từng là cổ đông sáng lập Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật của VPA. Theo đăng ký thành lập của VPA, vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp này là 400 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Văn Tuấn nắm 36,22%, bà Trương Thị Tâm 32,36%; ông Lê Ngọc Vinh 26,73%; ông Lê Đức Thị 2,57%; ông Đặng Trọng Đức 1,11% và ông Nguyễn Thế Minh 1,01%.
Còn tại Công ty Nhật Minh, ông Nguyễn Văn Tuấn từng là Giám đốc, đại diện pháp luật của doanh nghiệp này. Đến tháng 3/2017, vị trí này do ông Đặng Danh Phương (SN 1990) đảm nhiệm.
Rời "ghế nóng" Nhật Minh, ông Tuấn giữ chức Chủ tịch HĐQT Cienco 4 từ ngày 17/4/2018, chỉ sau 2 tháng bà Trương Thị Tâm được miễn nhiệm khỏi vị trí Phó Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này (tháng 2/2018).
Mặc dù bà Tâm không còn là Phó Chủ tịch HĐQT Cienco 4 nhưng VPA (đổi tên thành Công ty CP New Link từ tháng 10/2018) vẫn là cổ đông lớn của Cienco 4 với tỷ lệ sở hữu là 20,75%. Trong khi đó, Công ty Nhật Minh lại thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp này.
Đáng chú ý, sau khi Nhật Minh thoái vốn, Cienco 4 xuất hiện cổ đông lớn mới là Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải với tỷ lệ 14,13%- đúng bằng tỷ lệ sở hữu của Nhật Minh trước đó.
Đầu tư Thượng Hải được thành lập từ năm 2008 do ông Nguyễn Tuấn Nghi làm đại diện pháp luật. Ông Nghi được biết đến là em trai ông Nguyễn Tuấn Huỳnh- Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cienco 4.
"Bóng" nhà chủ VNDirect tại Cienco 4
"Cuộc chơi" của các cổ đông lớn tại Cienco 4 vẫn chưa dừng lại ở đó khi mà mấy năm gần đây, "bóng" nhà chủ VNDirect ngày càng "đậm nét".
Đầu tiên phải kể đến đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ hồi tháng 3/2022.
Theo Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐQT của HĐQT Cienco 4, doanh nghiệp đã chào bán thành công gần 112,4 triệu cổ phiếu, thu về gần 1.124 tỷ đồng. Vốn điều lệ doanh nghiệp sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu này là hơn 2.247 tỷ đồng.
Theo báo cáo của HĐQT tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 về việc sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng và tình hình triển khai phương án phát hành tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua, sau khi hoàn tất đợt chào bán, căn cứ vào diễn biến giá nguyên vật liệu, tình hình thi công của các công trình, tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty, một số hợp đồng chưa đến kỳ hạn thanh toán cũng như có thể thanh toán trễ hơn so với kế hoạch dự kiến, và nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn, mang đến lợi nhuận tốt nhất, Công ty đã sử dụng số tiền tạm thời nhàn rỗi để gửi/cho vay tổ chức khác để thu về nguồn lợi nhuận tài chính.
Cụ thể, Công ty đã cho các doanh nghiệp khác vay ngắn hạn khoản tiền nhàn rỗi tạm thời với tổng giá trị là 500 tỷ đồng với lãi suất từ 8,95- 10%/năm. Đến ngày 25/8/2022, toàn bộ khoản cho vay này (cùng với lãi từ khoản cho vay) đã được Bên vay thanh toán đủ.
Theo nguồn tin của PV, bên vay là CTCP Đầu tư và Dịch vụ Trustlink (Trustlink)- doanh nghiệp nằm trong "hệ sinh thái" nhà chủ CTCP Chứng khoán VNDirect (MCK: VND).
Mối "giao tình" giữa Cienco 4 và Trustlink chưa dừng lại ở đó. Đầu tháng 5/2023, C4G báo cáo đã chào bán thành công hơn 112 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó tăng vốn điều lệ của công ty lên hơn 3.371 tỷ đồng.
Ở đợt phát hành này, Cienco 4 thu hút sự chú ý của dư luận khi có sự xuất hiện một nhà đầu tư ở thời điểm đó chỉ mới 19 tuổi. Nhà đầu tư này là Nguyễn Thị T. (SN 2004, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) chi gần 160 tỷ đồng để mua gần 16 triệu cổ phiếu C4G.
Sau đợt chào bán trên, Cienco 4 có tổng cộng 19.232 cổ đông (19.215 cổ đông cá nhân và 17 cổ đông tổ chức). Hai cổ đông lớn là CTCP New Link sở hữu 10,37% và VNDIRECT sở hữu 7,72% vốn.
Từ ngày 11-18/5/2023, Cienco 4 đã sử dụng tổng cộng 600 tỷ đồng thu được từ Đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2023 để cho Trustlink vay. Như vậy, Công ty đã thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán với giá trị thay đổi lớn hơn 50% số tiền thu được từ đợt chào bán (gần 1.124 tỷ đồng) mà chưa được ĐHĐCĐ thông qua.
Ngày 1/4/2024, C4G tiếp tục sử dụng tiền thu được từ Đợt chào bán ra công chúng năm 2023 để cho Trustlink vay theo các Hợp đồng cho vay đã ký.
Cienco 4 đã Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính do sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu cho Trustlink vay mà chưa được ĐHĐCĐ thông qua. Đồng thời, công ty cũng thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán với giá trị vượt quá 50% số tiền thu được từ đợt chào bán mà chưa được ĐHĐCĐ thông qua và không báo cáo UBCKNN về việc thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.
Cần phải biết rằng, Trustlink là doanh nghiệp có liên quan mật thiết với nhóm IPA và VNDirect của nhà vợ chồng ông Vũ Hiền và bà Phạm Minh Hương. các doanh nghiệp nhóm IPA từng huy động hàng nghìn tỷ đồng thông qua kênh phát hành trái phiếu sau đó cho Trustlink vay lại.
Về phần VNDirect, BCTC hợp nhất quý III/2024 của VND thể hiện, công ty chứng khoán này "rót" hơn 285,3 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu C4G, đang tạm lỗ khoảng 30 tỷ đồng.
VNDirect cũng là bên đứng ra thu xếp cho lô trái phiếu C4GB2124001 trị giá 250 tỷ đồng của Cienco 4 hồi tháng 11/2021. Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là 20,61 triệu cổ phần Cienco4 thuộc sở hữu của Công ty CP New Link, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh và ông Nguyễn Tuấn Nghi.
Cienco 4 làm ăn ra sao?
Về tình hình kinh doanh, theo BCTC hợp nhất quý III/2024 của Cienco 4, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ của doanh nghiệp ở mức hơn 789,8 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng nhẹ hơn doanh thu nên lãi gộp tăng mạnh 35%, đạt 106 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, tổng chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 23% về còn 62 tỷ đồng. Điều này giúp lợi nhuận ròng C4G đạt hơn 55 tỷ đồng, tăng 95%.
Khấu trừ các khoản thuế phí, lãi ròng quý III/2024 của Cienco 4 ở mức gần 55,15 tỷ đồng, tăng tới 92,7% so với kết quả 28,6 tỷ đồng quý III/2023.
Theo giải trình của phía Cienco 4, do doanh thu tăng và chi phí tài chính giảm 24,8% dẫn đến lợi nhuận sau thuế trên BCTC hợp nhất quý III/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, C4G ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.216 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Mảng đóng góp chính đến từ doanh thu hợp đồng xây dựng gần 1.890 tỷ đồng.
Mặc dù giá vốn cũng tăng cao nhưng do tiết giảm được nhiều khoản chi phí nên Cienco 4 vẫn đạt lãi ròng gần 155 tỷ đồng sau 3 quý đầu năm 2024, tăng hơn 52 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản C4G ở mức hơn 9.518 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền gần 497 tỷ đồng, giảm 30%; các khoản phải thu ngắn hạn gần 4.008 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm.
Hàng tồn kho gần 897 tỷ đồng, tăng 13%, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang gần 879 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả tại thời điểm cuối quý III/2024 gần 5.620 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn gần 2.915 tỷ đồng, chiếm 52% tổng nợ.