Quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp thanh toán cổ tức cho nhà đầu tư trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp cổ đông, nhưng không ít doanh nghiệp liên tục "xin khất" trả cổ tức khiến cổ đông phải hụt hẫng.
Vui, buồn chuyện cổ tức
Trước mỗi cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, kế hoạch phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức luôn nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư dài hạn.
Cổ đông bỏ phiếu biểu quyết các tờ trình của HĐQT tại một cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024. Ảnh: H.T
Sacombank nhiều năm duy trì chính sách không trả cổ tức, dù lợi nhuận giữ lại lũy kế sau phân phối lợi nhuận năm 2024 lên tới 25.352 tỉ đồng – cao hơn 1,3 lần so với vốn điều lệ. Lời giải thích thường thấy của lãnh đạo ngân hàng với cổ đông là “phải hoàn được vốn điều lệ và nợ xấu giảm xuống dưới 3% mới đủ điều kiện chia cổ tức”. Hơn nữa, ngân hàng phải chờ NHNN duyệt việc bán 32% vốn của ông Trầm Bê để tái cơ cấu thành công.
Đáng lưu ý, lần chia cổ tức gần nhất của Sacombank là năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu. Với việc không chia cổ tức trong năm 2025, do chưa hoàn thành đề án tái cơ cấu, các cổ đông sẽ trải qua năm thứ 10 liên tiếp không nhận cổ tức.
Tương tự, HĐQT ABBank dự kiến trình cổ đông tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 thông qua việc để lại toàn bộ lợi nhuận còn lại các năm trước, khoảng hơn 2.311 tỉ đồng nhằm, bổ sung vốn cho kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai. Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo ABBank cũng thông tin về việc không chia cổ tức với lý do tương tự và mong cổ đông “kiên nhẫn” để ngân hàng sớm gặt “quả ngọt”.
Không phải “nhịn” cổ tức như cổ đông Sacombank và ABBank, nhưng cổ đông của một số doanh nghiệp phải “dài cổ” chờ đợi, vì nhiều ban lãnh đạo năm lần bảy lượt xin “khất".
Chẳng hạn, HĐQT Công ty chứng khoán SHS dự kiến trình cổ đông tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 thông qua tờ trình về việc dừng thực hiện phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Đây là một trong ba phương án tăng vốn điều lệ do HĐQT SHS công bố, sau đó được các cổ đông thông qua cách đây gần một năm tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 và được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận vào tháng 3-2025.
Theo đại diện doanh nghiệp, đề xuất trên được HĐQT đưa ra sau khi xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về thị trường cũng như lắng nghe ý kiến từ cổ đông, nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho cổ đông.
Như vậy, trong năm 2025, cổ đông nắm giữ cổ phiếu SHS chỉ nhận cổ tức năm 2023, gồm: 10% cổ tức bằng tiền mặt, 5% cổ tức bằng cổ phiếu của năm 2023; cùng 5% cổ phiếu thưởng do doanh nghiệp phát hành để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Trước SHS, Công ty sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV) đã có sáu lần dời trả cổ tức cho cổ đông từ năm 2019 đến nay. Mới nhất, doanh nghiệp dời hạn thanh toán đợt một từ 28-2-2025 sang 28-1-2026, đợt 2 từ 28-8-2025 sang 28-7-2026, do cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư thiết bị, chờ thanh toán từ khách hàng.
Thực tế, điều 135, Luật Doanh nghiệp năm 2020, quy định về doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ cổ tức trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp ĐHĐCĐ thường niên. Trong đó, HĐQT có trách nhiệm lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.
Hơn nữa, Nghị định 122/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư không nhắc tới các hình thức xử phạt hành chính xung quanh câu chuyện liên quan đến cổ tức.
Với quy định pháp luật như trên, cổ đông có thể khởi kiện ra tòa án các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, thủ tục phức tạp và thời gian thưa kiện kéo dài, khiến các cổ đông nản lòng.
Đòi hỏi bổ sung cơ chế bảo vệ cổ đông
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Trung Hải, Phó vụ trưởng, Vụ giám sát công ty đại chúng (UBCKNN), cho biết khi có nghị quyết của HĐQT về việc trả cổ tức bằng tiền, doanh nghiệp tiến hành chốt danh sách rồi thanh toán cho cổ đông. Trong đó, nhiều doanh nghiệp muốn trả cổ tức cho cổ đông sớm, nên hình thức này được thực hiện tương đối nhanh chóng và dễ dàng đáp ứng thời gian quy định.
Nhưng với cổ tức bằng cổ phiếu, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan quản lý và tiến hành cấp cổ phiếu sau khi hồ sơ được duyệt.
“Đôi khi việc xem xét hồ sơ và hoàn tất thủ tục trả cổ tức bằng cổ phiếu có thể mất thời gian, đặc biệt khi hồ sơ không đầy đủ hoặc hợp lệ, dẫn đến việc trả cổ tức bị chậm trễ, vượt quá tháng quy định”, ông Hải nói.
Để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, ông Hải lưu ý doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng và tuân thủ đúng thời gian quy định. Theo đó, cơ quan quản lý đã đưa ra quy định rõ ràng về việc xử lý vi phạm này trong các Nghị định mới, với các biện pháp xử phạt nghiêm ngặt đối với các công ty không thực hiện nghĩa vụ chi trả cổ tức.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2020 đã bổ sung quy định về việc thực hiện chi trả cổ tức của HĐQT phải đảm bảo đúng thời gian theo uỷ quyền của ĐHĐCĐ. Ngoài ra, Nghị định 156/2020 về xử phạt hành chính với lĩnh vực chứng khoán cũng quy định việc xử lý vi phạm với Chủ tịch HĐQT, người không triển khai việc trả cổ tức đúng hạn cho cổ đông.
Việc bảo vệ quyền lợi cổ đông cần được doanh nghiệp ưu tiên. Ảnh minh hoạ: H.T
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Đô, Phó chủ tịch HĐQT HDBank, cho biết việc các cơ quan quản lý nhà nước quy định thời gian cứng để doanh nghiệp trả cổ tức sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Vấn đề này sẽ càng trở nên phức tạp hơn với các tổ chức tín dụng khi doanh nghiệp là ngân hàng phải thực hiện thủ tục hành chính với NHNN để xin phép tăng vốn điều lệ.
“Việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng và nhanh chóng, các ngân hàng phải chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đến khi được chấp thuận thì có thể đã quá thời hạn quy định”, ông Đô lo ngại.
Theo vị này, cần quy định một thời gian cụ thể, sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục cần thiết với các cơ quan có thẩm quyền, hàm ý là đã được chấp thuận trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Việc này giúp doan nghiệp có một khoảng thời gian nhất định để thực hiện trả cổ tức, có thể là 30 ngày hoặc khoảng thời gian hợp lý khác.
“Nếu quy định 6 tháng, mà đến thời điểm đó NHNN chưa chấp thuận phương án tăng vốn thì cũng ngoài ý muốn và chúng tôi không thể tiến hành chi trả cho cổ đông”, ông Đô nhấn mạnh.
Bình luận (4)
Cần gì cổ tức





