Năm 2025 được dự báo sẽ là giai đoạn sôi động của làn sóng IPO, khi hàng loạt doanh nghiệp từ các ngành như tiêu dùng, bất động sản, sản xuất, đến chăn nuôi đã bắt đầu công bố kế hoạch gia nhập thị trường vốn từ cuối năm 2024.
Tăng tốc sau 1 năm "chậm chạp"
Năm 2024 khép lại với nhiều tiếc nuối cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi làn sóng IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) gần như “đóng băng”. Suốt cả năm, thị trường chỉ ghi nhận duy nhất một thương vụ IPO nổi bật.
Được biết, thương vụ IPO thành công nổi bật trong năm 2024 thuộc về Chứng khoán DNSE (mã DSE). Doanh nghiệp này sau đó đã đưa cổ phiếu niêm yết trên HoSE từ đầu tháng 7.
Sau DNSE, phải đến giữa tháng 11, Nguyên liệu Á Châu (mã AIG) mới trở thành cái tên đáng chú ý tiếp theo khi chính thức chào sàn UPCoM với mức định giá ban đầu gần 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn những cái tên mới trên sàn đều không tạo được dấu ấn, thậm chí nhiều mã còn ghi nhận đà giảm sâu sau khi niêm yết.
Mặc dù vậy, năm 2025 tới đây lại được dự báo là một năm sôi động với hàng loạt thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đáng chú ý.
Mở đầu là kế hoạch IPO của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, UPCoM: MCH), đã được ban lãnh đạo công bố tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Theo đó, Hội đồng Quản trị đã phê duyệt kế hoạch chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong năm 2025.
Đồng thời, Masan Consumer dự kiến chào bán thêm hơn 326,8 triệu cổ phiếu ra công chúng. Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) nhận định rằng thương vụ này sẽ gia tăng định giá cho cổ phiếu của các công ty trong hệ sinh thái Masan, bao gồm cả MCH và MSN. HSBC cũng đánh giá việc niêm yết trên HoSE sẽ cải thiện tính thanh khoản, phù hợp với tiềm lực đã được doanh nghiệp xây dựng trong nhiều năm.
Thương vụ IPO của Vinpearl đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Vingroup.
Không chỉ Masan, giữa tháng 11/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xác nhận hoàn tất đăng ký công ty đại chúng cho Công ty Cổ phần Vinpearl - đơn vị thuộc Tập đoàn Vingroup với tỷ lệ sở hữu 85,55%. Đây là bước đệm quan trọng để Vinpearl niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, với khả năng cao thương vụ IPO sẽ được thực hiện trong năm 2025 nếu điều kiện thị trường thuận lợi.
Một "ông lớn" khác là Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) cũng đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu và niêm yết hai công ty con, gồm Công ty cổ phần Ống thép Hoa Sen và Công ty cổ phần Nhựa Hoa Sen. Dù ý tưởng này đã được ấp ủ trong nhiều năm, Hoa Sen vẫn đang chờ thời điểm phù hợp để hiện thực hóa.
Tại ĐHĐCĐ thường niên của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG), Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng chia sẻ về kế hoạch IPO và niêm yết Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai - công ty con đã tái cơ cấu thành công và xử lý các khoản nợ lớn. Bầu Đức cho biết, HAG đã hợp tác với Công ty Chứng khoán LPBank (LPBS) để thực hiện thương vụ này, kỳ vọng sẽ huy động thêm vốn cho hoạt động của Chăn nuôi Gia Lai.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch IPO, như BW Industrial - đơn vị phát triển bất động sản khu công nghiệp. Đáng chú ý, bên cạnh những cái tên kể trên, 2 "trùm" bán lẻ là Thế Giới Di Động (mã MWG) và FPT Retail (mã FRT) cũng không giấu tham vọng sẽ IPO "con cưng" của mình là Bách Hoá Xanh và Long Châu trong tương lai.
IPO vẫn chưa đủ sức hút?
Nhìn lại những năm gần đây, hoạt động IPO trên thị trường chứng khoán Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá là trầm lắng và thiếu sức sống.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam, nhận định rằng kể từ năm 2018 đến nay, thị trường chưa chứng kiến một thương vụ IPO thực sự nổi bật. Ông cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hiệu quả nguồn lực từ thị trường vốn, đồng thời bày tỏ sự tiếc nuối khi nhiều doanh nghiệp tìm kiếm đối tác chiến lược nhưng lại e ngại tham gia niêm yết.
Theo ông, cấu trúc thị trường vốn Việt Nam vẫn mang tính truyền thống, với ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng và năng lượng chiếm ưu thế, trong khi các lĩnh vực như công nghệ và thương mại điện tử chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Lãnh đạo của Dragon Capital Việt Nam cũng chỉ ra rằng quy định yêu cầu doanh nghiệp phải có lợi nhuận mới được niêm yết đang trở thành rào cản đối với các startup, dù mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư là hợp lý.
Hoạt động IPO trên thị trường chứng khoán Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá là trầm lắng. Ảnh minh họa.
Nhìn lại năm 2018, thị trường ghi nhận nhiều thương vụ IPO đình đám như Vinhomes (HoSE: VHM), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW), và Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR). Tổng cộng, có khoảng 23 doanh nghiệp tiến hành IPO, chủ yếu từ khối doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa. Đây được xem là giai đoạn sôi động của thị trường vốn, phần lớn nhờ vào các biện pháp thúc đẩy từ cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết Chính phủ và UBCKNN không có chủ trương sử dụng biện pháp hành chính để ép doanh nghiệp niêm yết.
Thay vào đó, các cơ quan chức năng đang rất nỗ lực cải thiện môi trường pháp lý nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP, hiện đang được lấy ý kiến, đề xuất rút ngắn quy trình IPO và niêm yết, bao gồm việc tích hợp hai quy trình này.
Theo đó, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ IPO có thể đồng thời đăng ký niêm yết, giúp rút ngắn thời gian chờ niêm yết xuống 30 ngày. Quy định này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi thời gian chờ niêm yết hiện nay kéo dài trên 3 tháng đã gây nhiều bất cập.
Nếu được thông qua, các điều chỉnh trong dự thảo có thể tạo động lực mới cho làn sóng IPO, khắc phục tình trạng ảm đạm hiện nay và góp phần nâng cao sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam.