Hãy là người đầu tiên thích bài này
'Chìa khóa' giúp các giám đốc tài chính ứng phó biến động thời cuộc

Trong bối cảnh kinh doanh liên tục thay đổi, công nghệ được xem là chìa khóa quan trọng, giúp các CFO và nhà quản lý 'chèo lái' doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Môi trường kinh doanh biến động

Chia sẻ tại Diễn đàn CFO Hà Nội 2025, ông Nguyễn Ngọc Bách, Chủ tịch CFO Việt Nam nhấn mạnh, môi trường kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước đang có biến động rất nhanh chóng, tác động không nhỏ tới kế hoạch tài chính doanh nghiệp.

Điều này khiến nhiệm vụ của các giám đốc tài chính (CFO) và các nhà quản lý cấp cao đang ngày càng thách thức hơn.

Theo ông Bách, để giúp tài chính trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, các CFO không chỉ cần khả năng bao quát và tầm nhìn chiến lược mà còn phải chủ động nắm bắt, cập nhật các xu hướng mới nhất.

Chỉ có như vậy, các CFO mới có thể tích hợp vai trò tài chính vào quá trình xây dựng và thực thi chiến lược của doanh nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững.

“Các yêu cầu tuân thủ tốt ESG, cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đã tạo áp lực buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi nhanh chóng, để đột phá, để không bị bỏ lại phía sau", ông Bách chia sẻ.

Vai trò của chuyển đổi số và các công nghệ mới được các chuyên gia nhấn mạnh tại buổi thảo luận. Ảnh: Diễn đàn CFO Hà Nội 2025.

Đồng quan điểm, ông Lê Thành Liêm, CFO của Vinamilk tin rằng, các hoạt động hoạch định tài chính của doanh nghiệp đang phải vận động nhanh hơn để bắt nhịp với các biến động thời cuộc.

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp có bề dày lịch sử lâu đời nhất của Việt Nam với gần 50 năm hoạt động.

Trước đây, hội đồng quản trị và ban điều hành doanh nghiệp thường xây dựng chiến lược và kế hoạch tài chính định kỳ 5 năm/lần, tương ứng với mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo.

Tuy nhiên, các kế hoạch tài chính ở những nhiệm kỳ vừa qua dần xuất hiện những thay đổi rất lớn, với những biến động rất khó để nhận thức cũng như đoán định được.

Ông Liêm dẫn chứng ngay kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Sự trở lại của ông Donald Trump đã kéo theo những đảo chiều chính sách vĩ mô toàn cầu, từ đó tác động rất lớn tới chiến lược của Vinamilk.

Hay như việc chỉ vài ngày trước, nhóm các ngân hàng hàng đầu tại Mỹ đã đồng thuận rút khỏi nhóm tài trợ cho mục tiêu Net Zero, qua đó khiến các chính sách tài trợ, lãi suất… đối với lĩnh vực này đều thay đổi.

Đây là ảnh hưởng ngoài dự tính tới chiến lược tài chính của nhiều công ty, trong đó có Vinamilk.

Ở trong nước, bối cảnh vĩ mô cũng biến động không nhỏ. Tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09%, mức rất cao trong nhiều năm trở lại đây, cùng định hướng tăng trưởng hai con số trong thời gian tới của các nhà lãnh đạo đất nước, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chiến lược tài chính của doanh nghiệp.

"Sẽ có nhiều thay đổi rất lớn trong chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư cũng như nhiều hoạt động khác của Chính phủ. Điều này buộc các giám đốc tài chính phải thích nghi và lựa chọn các kịch bản khác biệt cho từng con số tăng trưởng", ông Liêm nhìn nhận.

Chìa khóa công nghệ

Để đối mặt với các thách thức từ biến động, ông Liêm cho rằng, mỗi giám đốc tài chính cần có sự chuẩn bị tốt về nguồn lực.

Đặc biệt, công nghệ mới dự báo sẽ có những tác động rất lớn tới các hoạt động của doanh nghiệp, giúp tối ưu quy trình, giảm thiểu chi phí.

Chẳng hạn, công nghệ AI đã giúp CFO của Vinamilk hoàn tất công việc soạn thảo văn bản mà không cần thêm nhân sự hỗ trợ.

Mở rộng hơn, các công nghệ mới đang thúc đẩy Vinamilk thay đổi theo ở rất nhiều khâu, từ bán hàng, làm thị trường, chuyển đổi số... Quá trình thay đổi liên tục tăng tốc khi xu hướng bán hàng trực tuyến ngày càng phổ biến.

"Trước những sự thay đổi ngày càng lớn của nền kinh tế cũng như công nghệ nói riêng, các giám đốc tài chính cần nắm bắt được xu thế để cùng ban lãnh đạo có thể xây dựng các chiến lược phù hợp về dài hạn cho công ty", ông Liêm cho biết.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, Phó giám đốc khối ngân hàng doanh nghiệp của TPBank, cụm từ chuyển đổi số đang ngày càng trở nên quen thuộc và trở thành chìa khóa dẫn dắt, tạo ra các lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và các quốc gia trên thị trường.

Quá trình này buộc các ngân hàng cũng như doanh nghiệp phải thay đổi gần như toàn bộ quy trình, phương thức hoạt động để tiếp cận và giải quyết nhu cầu khách hàng.

Chẳng hạn, công nghệ mã QR mới xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành ngân hàng.

"Chỉ với một chiếc smartphone và mã QR, mọi người gần như đã có một ngân hàng trong tay, có thể thanh toán bất kỳ thứ gì, từ bó rau, gói xôi cho những món hàng đắt tiền", bà Hương cho biết.

Quá trình này diễn ra quá nhanh khiến chúng ta choáng ngợp, thậm chí lo lắng vì có thể khiến nhiều công việc mất đi. Mặc dù vậy, theo bà Hương, công nghệ là xu hướng tất yếu, thay vì lo lắng, nhà quản lý nên tập trung vào những yếu tố mới được sinh ra.

Với TPBank, quá trình ứng dụng công nghệ giúp ngân hàng số hóa dữ liệu, quy trình để dần bước tới những bước chuyển đổi số toàn diện.

"Với sự hỗ trợ đắc lực từ phía công nghệ, ngân hàng luôn ở bên bạn thay vì bạn phải đến ngân hàng. Nhờ công nghệ, những nghiệp vụ nhỏ nhất như thanh toán hóa đơn, cân đối thu chi… đều có thể thực hiện dễ dàng, trực tuyến tại doanh nghiệp", bà Hương nhìn nhận.

Dũng Phạm

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long