Báo cáo cũng nhấn mạnh, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và định hình lại thị trường.
CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2024. Được biết, các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên BCTC năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 8-9/2024.
Báo cáo chia làm ba nhóm, trong đó với nhóm siêu thị dẫn đầu là Central Retail, kế tiếp là Saigon Co.op và đến chuỗi WinMart+/WinMart nhà Masan. Với nhóm điện máy, điện lạnh, thiết bị số, Top 3 lần lượt gọi tên Thế giới Di động, FPT Retail và Viettel Store. Cuối cùng nhóm bán lẻ kim hoàn, dẫn đầu là CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), kế đến là Doji và SJC.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và định hình lại thị trường. Theo Vietnam Report, cạnh tranh chính là yếu tố quyết định doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường và định hình tương lai của ngành bán lẻ luôn hướng tới sự hoàn thiện. Điều này cũng đặt ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các tập đoàn lớn có nguồn lực tài chính mạnh.
Tuy nhiên, trong dài hạn, cuộc cạnh tranh này sẽ góp phần làm cho thị trường trở nên minh bạch hơn, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao, có chiến lược kinh doanh hiệu quả và linh hoạt hơn gia tăng thị phần, củng cố vị thế.
Thị trường bán lẻ bước đầu dần có những tín hiệu khả quan
Năm 2023, ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh khó khăn chung, sức cầu giảm và mức độ cạnh tranh gay gắt diễn ra trên thị trường qua cuộc đua hạ giá.
Ảnh: Năm 2023, ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh khó khăn chung.
Với đặc trưng phụ thuộc vào tính chu kỳ của nền kinh tế, đến 8 tháng đầu năm 2024, dù tốc độ phục hồi không quá nhanh, thị trường bán lẻ bước đầu dần có những tín hiệu khả quan. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng nửa đầu năm 2024 tăng 5,78% so với cùng kỳ năm ngoái (trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng 2,68%).
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu tương đương hoặc cao hơn đạt 74,6% trong khi 66,3% số doanh nghiệp duy trì và cải thiện lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù số lượng doanh nghiệp ghi nhận hiệu quả kinh doanh bằng hoặc vượt năm 2023 chiếm đa số nhưng mức tăng hầu như chỉ nhích nhẹ ở mức khiêm tốn và vẫn còn 25,4% số doanh nghiệp sụt giảm doanh thu, hơn một phần ba số doanh nghiệp có lợi nhuận kém hơn.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.200 nghìn tỷ đồng. Dù ghi nhận mức tăng trưởng dương (tăng 7,3% so với 8 tháng đầu năm 2023) nhưng vẫn chưa bằng tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ giai đoạn 2022-2023, cho thấy thị trường bán lẻ cần thêm các nỗ lực mạnh mẽ và giải pháp đột phá để thúc đẩy, tăng tốc quá trình phục hồi.
Sau những khó khăn liên tiếp phủ màu ảm đạm lên ngành bán lẻ những năm qua, thị trường cũng thanh lọc không ít doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh, để lại khoảng trống - dư địa cho những doanh nghiệp thực sự vững vàng vươn lên giành thị phần và cơ hội.
Cơ hội từ quan điểm lạc quan của người tiêu dùng
Bất chấp việc vẫn đối mặt với một số thách thức mang tính hệ thống, bức tranh tổng thể của ngành bán lẻ được dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong những tháng tiếp theo, trên cơ sở ổn định và triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, cũng như xu hướng nhộn nhịp hơn trong thời gian cao điểm cuối năm của thị trường này.
Ảnh: Cơ hội từ quan điểm lạc quan của người tiêu dùng.
Về góc nhìn trung và dài hạn, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, mức thu nhập ngày càng tăng, số người trong độ tuổi lao động lên tới 67 triệu người cũng như tầng lớp trung lưu đang gia tăng và ngày càng đa dạng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của thị trường tiêu dùng, mở đường cho ngành bán lẻ phát triển. Theo dự báo của KPMG Việt Nam, từ 2020 đến 2030, Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 5,5%, nằm trong nhóm quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, tỷ lệ tiêu dùng so với tổng ngân sách quốc nội (GDP) của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực khi đạt trên 70%.
Kết quả khảo sát tiến hành trong tháng 9/2024 của Vietnam Report ghi nhận phần lớn người tiêu dùng thể hiện niềm tin vào việc nền kinh tế Việt Nam đang vận động theo chiều hướng tích cực với xu thế chuyển giao sang giai đoạn phục hồi và tăng trưởng ngày càng rõ nét. Tỷ lệ người tiêu dùng đánh giá tình hình tài chính của bản thân khả quan hơn trong 12 tháng tới đạt 69,9% và sự lạc quan này được kỳ vọng có thể đưa mức tiêu dùng cải thiện hơn trong tương lai.