Mùa báo cáo tài chính quý 2/2025 còn một tuần nữa mới kết thúc (ngày 30/7), tuy nhiên bức tranh kinh doanh ngành hàng không Việt Nam đã dần hình thành, dù nhiều ông lớn của ngành như Vietjet, Vietnam Airlines hay ACV vẫn chưa công bố chi tiết kết quả quý 2.
Máy bay Vietnam Airlines dừng đỗ tại sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa: Minh Phong - Mekong ASEAN
Noi Bai Cargo báo lãi quý cao nhất trong 10 năm
Theo báo cáo tài chính quý 2/2025 của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Noi Bai Cargo - HOSE: NCT), doanh nghiệp này ghi nhận 280,4 tỷ đồng doanh thu, tăng 28% so với quý 2/2024, đồng thời là mức doanh thu quý cao kỷ lục của doanh nghiệp.
Giá vốn bán hàng dù tăng 24%, vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu; lợi nhuận gộp từ đó tăng 33,6% so với quý 2/2024 lên 135,2 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 46,3% lên 48,2%.
Trong bối cảnh doanh thu tăng trưởng tốt, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Noi Bai Cargo đều tăng lần lượt 57% và 37% lên 6,3 tỷ đồng và 27 tỷ đồng. Trừ đi thuế phí, NCT thu về hơn 85 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức lãi hàng quý cao nhất của Noi Bai Cargo kể từ quý 2/2015.
Giải trình về kết quả kinh doanh khởi sắc kể trên, đại diện Noi Bai Cargo cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng nửa năm cao nhất trong giai đoạn 2011-2025.
Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, các hãng hàng không do NCT phục vụ đều có tăng trưởng. Do vậy, sản lượng hàng hóa qua sân bay Nội Bài nói chung và sản lượng hàng hóa phục vụ của công ty nói riêng trong 6 tháng đầu năm tăng tốt so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Noi Bai Cargo ghi nhận doanh thu đạt 522 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng lần lượt 29% và 31,8% so với nửa đầu năm 2024.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 tổ chức vào hạ tuần tháng 6, cổ đông NCT đã thông qua kế hoạch doanh thu 1.006 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đặt 271,2 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, công ty đã hoàn thành 52% kế hoạch doanh thu và 55,3% mục tiêu lợi nhuận.
Noi Bai Cargo được thành lập vào năm 2005, là công ty con của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), chuyên cung cấp các dịch vụ xử lý hàng hóa tại sân bay quốc tế Nội Bài. Trong nhiều năm qua, NCT luôn duy trì kết quả kinh doanh tích cực, cùng mức chia cổ tức từ 50 – 80%/năm.
NCS báo lãi tăng hơn 30%
Một công ty con khác của Vietnam Airlines là CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài (UPCOM: NCS) cũng ghi nhận doanh thu quý 2/2025 tăng 24,14% so với cùng kỳ lên 201,6 tỷ đồng; lợi nhuận gộp từ đó đạt 33,66 tỷ đồng, tăng 20,2% so với kết quả quý 2/2024.
Với doanh thu tăng trưởng tốt cùng chi phí tăng không đáng kể, NCS báo lãi trước thuế đạt 20 tỷ đồng, tăng 32,45% so với quý 2/2024.
Trong văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận, NCS cho biết tình hình sản xuất kinh doanh quý 2/2025 tăng mạnh khi bước vào giai đoạn cao điểm hè, sản lượng phục vụ các hãng hàng không tăng mạnh ở cả nội địa và quốc tế. Ngoài ra, công ty còn phát triển thêm mảng cung cấp dịch vụ suất ăn, đồ uống phục vụ sự kiện, hội nghị.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của NCS đạt 409 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 42 tỷ đồng, tăng lần lượt 20,1% và 37,3% so với nửa đầu năm 2024, tương ứng hoàn thành gần 50% kế hoạch doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức cuối tháng 4/2025.
NCS có tiền thân là Xí nghiệp sản xuất chế biến suất ăn Nội Bài (thành lập năm 1992), chuyên chế biến suất ăn, phục vụ hành khách của các hãng hàng không.
Không chỉ phụ thuộc vào mảng kinh doanh cốt lõi, NCS đã chủ động đa dạng hóa sản phẩm từ sau dịch Covid-19. Công ty đã phát triển các mảng kinh doanh mới như bán trà sữa trên máy bay, cung cấp suất ăn cho hệ thống trường học, và gần đây nhất là mở rộng sang lĩnh vực cung cấp dịch vụ ăn uống cho các sự kiện, hội nghị như đã nói ở trên.
Saigon Cargo tiếp đà tăng trưởng
Tương tự những “người đồng nghiệp” tại Hà Nội, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Saigon Cargo - HOSE: SCS) - doanh nghiệp dịch vụ hàng hóa hàng đầu sân bay Tân Sơn Nhất cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 10% so với quý 2/2024, lên 292 tỷ đồng trong quý 2/2025.
Đáng chú ý, giá vốn kỳ này của Saigon Cargo lại giảm nhẹ, giúp công ty thu về khoản lãi gộp hơn 233 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp lên tới 80%. Trong nhiều năm trở lại đây, Saigon Cargo là một trong những số ít doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán duy trì được biên lãi gộp hàng quý trong khoảng 70-80%.
Sau khi trừ thuế và chi phí phát sinh, Saigon Cargo báo lãi trước thuế quý 2/2025 đạt 236 tỷ đồng, tăng 10,6% kết quả quý 2/2024. Lợi nhuận sau thuế từ đó đạt 189 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SCS ghi nhận 558 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế đạt 450 tỷ đồng, tăng 16,7% lần lượt 17% và 6,6% so với nửa đầu năm 2024, tương ứng hoàn thành 47,6% kế hoạch doanh thu và 52,3% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào cuối tháng 6/2025.
Tính đến cuối quý 2/2025, Saigon Cargo có vốn điều lệ 1.021 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Gemadept (HOSE: GMD) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (UPCOM: ACV) là hai cổ đông lớn nhất, sở hữu lần lượt 34,17 triệu cổ phiếu và 13,97 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 33,4% và 13,69%.
Sasco lãi gấp đôi nửa đầu năm 2024
CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco – UPCOM: SAS) là một doanh nghiệp dịch vụ hàng không khác ghi nhận tăng trưởng mạnh trong quý 2/2025.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2025 vừa được công bố, Sasco ghi nhận doanh thu thuần đạt 770,2 tỷ đồng, tăng gần 18% so với kết quả quý 2/2024; lợi nhuận gộp từ đó tăng 23,6% lên 458 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí bán hàng của SAS tăng 16,7% lên 265,5 tỷ đồng. Dù vậy, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 80,8% và 2% về còn 3,1 tỷ đồng và 79,8 tỷ đồng. Kết quả, Sasco báo lãi trước thuế đạt 136,2 tỷ đồng, tăng 62% so với quý 2/2024. Đây là quý thứ 4 liên tiếp, SAS báo lãi trước thuế trên 100 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận, đại diện SAS cho biết kết quả quý 2 tăng trưởng mạnh do thị trường hàng không Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong quý 2, công ty đã triển khai áp dụng nhiều chương trình bán hàng, kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ, hàng hóa; đồng thời, Sasco cũng kiểm soát tốt chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sasco ghi nhận doanh thu đạt 1.534 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 278 tỷ đồng, tăng lần lượt 14,9% và 99% so với nửa đầu năm 2024, tương ứng hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và 50,1% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào hạ tuần tháng 6.
Được thành lập từ năm 1993, Sasco hiện là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực quản lý hệ thống cửa hàng miễn thuế và phòng chờ thương gia tại các sân bay lớn trong nước như Tân Sơn Nhất và Cam Ranh. Công ty cũng đang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng và cung cấp suất ăn hàng không.
Tính đến cuối quý 1/2025, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là cổ đông lớn nhất của Sasco, sở hữu 65,5 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn điều lệ công ty này.
Theo sau ACV là 3 doanh nghiệp liên quan Chủ tịch HĐQT Sasco Johnathan Hạnh Nguyễn, gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Công ty TNHH Thời trang và mỹ phẩm Âu Châu và Công ty TNHH Thời trang và mỹ phẩm Duy Anh, nắm lần lượt 25%, 14,9% và 4,93% vốn điều lệ SAS.





