Hãy là người đầu tiên thích bài này
'Bức tranh' sáng tối kinh doanh quý 1: Doanh nghiệp bất động sản 'kẻ khóc người cười'

Quý 1/2025 khắc họa rõ nét hai thái cực của thị trường địa ốc: Doanh nghiệp lãi đột biến nhờ chiến lược bán buôn và bàn giao dự án, kẻ vẫn ngụp lặn trong thua lỗ.

Điểm danh "đại gia" bất động sản thắng lớn

'Đại gia' bất động sản tăng trưởng mạnh trong quý 1 không thể không nhắc đến Công ty CP Vinhomes, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu ngành địa ốc. Cụ thể, trong báo cáo tài chính quý 1/2025, Vinhomes ghi nhận doanh thu tăng 91% so với cùng kỳ năm trước, lên 15.698 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gấp gần 3 lần lên 2.652 tỷ đồng.

Việc tăng bằng lần này được lãnh đạo Vinhomes cho biết đến từ hoạt động bàn giao mạnh mẽ các dự án như Vinhomes Royal Island (Hải Phòng) và Vinhomes Ocean Park 2 - 3 (Hưng Yên).

Về khía cạnh bán buôn, đây đã trở thành “công thức” trong hoạt động kinh doanh bất động sản của Vingroup nói chung và Vinhomes nói riêng.

Trong đại hội cổ đông mới đây của Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT đã khẳng định rằng, chính sách bán buôn cho các đối tác Singapore, Nhật Bản và đặc biệt là các chủ đầu tư trong nước sẽ là yếu tố đảm bảo cho sự thành công của các siêu dự án, trong đó có Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (TP. HCM).

Không kém cạnh, Vincom Retail (VRE), đơn vị thành viên cùng hệ sinh thái ghi nhận doanh thu đạt 2.131 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.177 tỷ đồng, tăng 8,8% so với quý 1/2024. Tính đến 31/3/2025 công ty đã thực hiện được 22% kế hoạch doanh thu và 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Số liệu: Tổng hợp BCTC quý 1/2025 do các doanh nghiệp công bố

Không cùng nằm trong hệ sinh thái nhưng Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, doanh nghiệp liên quan tới dự án của Vinhomes) ghi nhận doanh thu thuần tăng đột biến với mức tăng từ 268 triệu đồng lên 44.560 tỷ đồng, gấp hơn 166.000 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt con số kỷ lục. Theo giải trình, lãnh đạo VEFAC cho biết, mức tăng khủng này tới từ doanh thu chuyển nhượng một phần dự án Vinhomes Global Gate.

Lợi nhuận trước thuế của VEFAC đạt hơn 18.600 tỷ đồng, con số này còn cao hơn tổng lợi nhuận của nhiều ngân hàng lớn đã công bố BCTC ở thời điểm hiện tại như Techcombank (7.200 tỷ đồng), VietinBank (6.100 tỷ đồng) và SHB (4.400 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận gấp 162 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 14.800 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này còn cao gấp nhiều lần so với tổng lãi của VEFAC kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn năm 2012 tới nay.

Số liệu: Báo cáo tài chính các năm do VEFAC công bố

Một điểm sáng khác là Công ty CP Đầu tư Nam Long, với mức doanh thu trong quý đầu năm lên tới hơn 1.290 tỷ đồng, gấp 6 lần. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ hoạt động bàn giao tại các dự án nhà ở thực như Akari giai đoạn 2 (TP. HCM) và Central Lake (Cần Thơ). Nhờ đó, Nam Long đạt lợi nhuận ròng gần 110 tỷ đồng, chuyển từ khoản lỗ 65 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái sang có lãi.

Trong nhóm doanh nghiệp quy mô trung bình, "đại gia" bất động sản Khang Điền cũng nổi bật với mức tăng trưởng vượt kỳ vọng như doanh thu bật tăng mạnh 113% lên 710 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 119 tỷ đồng, tăng 86%. Riêng lợi nhuận của công ty mẹ đạt 122 tỷ đồng, tăng hơn 92% so với quý 1/2024.

Cùng trong cuộc đua, bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng báo lãi tăng 15% lên 44 tỷ đồng với doanh thu bán hàng gấp 2,7 lần cùng kỳ lên 438 tỷ đồng, chủ yếu đến từ dự án Bắc Hà Thanh.

Trong mảng bất động sản công nghiệp, Sài Gòn VRG (SIP) là điểm sáng nổi lên khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 56% lên 402 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ quý 1/2021. Lãi ròng tăng 43% len 351 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này đã thực hiện gần 50% kế hoạch lãi chỉ sau 3 tháng đầu năm.

IDICO (UIC) cũng góp mặt trong danh sách doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu thuần tăng 17% lên 736 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 18,7 tỷ đồng, tăng 78%. Chưa hết, tính đến cuối tháng 3/2025, công ty còn hơn 244 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Quý 1/2025 khắc họa rõ nét hai thái cực của thị trường địa ốc: Doanh nghiệp lãi đột biến nhờ chiến lược bán buôn và bàn giao dự án, kẻ vẫn ngụp lặn trong thua lỗ. Ảnh: AI

Bên kia chiến tuyến: Nhiều doanh nghiệp bất động sản 'đuối sức'

Trái ngược với bức tranh tươi sáng của các doanh nghiệp nói trên, Tập đoàn Novaland (NVL) lại ghi nhận khoản lỗ ròng 476 tỷ đồng trong quý 1/2025. Dù doanh thu tăng hơn 2,5 lần, đạt 1.778 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính lớn, đặc biệt là lỗ tỷ giá và chi phí từ các hoạt động khác đã làm xói mòn lợi nhuận.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tập trung vào giải quyết các rào cản pháp lý của các dự án hiện hữu, đồng thời kỳ vọng có thể đạt được những cột mốc quan trọng trong quý 2, trước thời điểm diễn ra quá trình sáp nhập địa giới hành chính tại một số tỉnh, thành.

Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cũng ghi nhận lỗ trong quý 1/2025, tuy nhiên mức lỗ đã thu hẹp còn 45 tỷ đồng so với khoản lỗ 121 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Còn doanh thu quý này của DIG đạt 176,5 tỷ đồng, giảm gần 10 tỷ đồng so với quý 1/2024. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản chiếm phần lớn, với 80 tỷ đồng.

Cùng ghi nhận lỗ trong quý này là Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud. Trong quý 1, Vinahud lỗ 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 51 tỷ đồng.

Số liệu: Tổng hợp BCTC quý 1/2025 do các doanh nghiệp công bố

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex còn lâm vào tình cảnh khó khăn hơn khi chỉ ghi nhận… 914.000 đồng doanh thu tài chính và hoàn toàn không có doanh thu từ hoạt động bán hàng trong quý 1. Khoản lỗ 5,5 tỷ đồng chủ yếu đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp, cho thấy VCR gần như không có hoạt động kinh doanh thực chất trong giai đoạn đầu năm.

Ở mức nhẹ hơn nhưng Tập đoàn Hà Đô cũng không thoát khỏi "vùng trũng" khi doanh thu quý 1 chỉ đạt gần 599 tỷ đồng, giảm hơn 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận mức giảm tương tự về còn 155 tỷ đồng.

Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn giữ nguyên kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tăng doanh thu lên 2.936 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.057 tỷ đồng – tăng tới 236% so với năm trước. Để hiện thực hóa kế hoạch này, Hà Đô dự kiến sẽ đẩy mạnh bán hàng tại các dự án hiện có, trong đó đáng chú ý là Hado Charm Villas, dự kiến mở bán trong quý 2 và có thể mang lại khoảng 3.000 tỷ đồng doanh thu.

Đất Xanh (DXG) báo doanh thu sụt giảm 13% xuống còn 924 tỷ đồng. Dù hoạt động bán căn hộ và đất nền vẫn chiếm phần lớn doanh thu (666 tỷ đồng), hoạt động môi giới ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ, đạt 196 tỷ đồng. Nhờ chiến lược kiểm soát tốt chi phí giá vốn, Đất Xanh vẫn giữ được mức lợi nhuận sau thuế ổn định, đạt 79 tỷ đồng – tương đương với kết quả cùng kỳ.

Phương Thảo

Link gốc

Bình luận (2)

Chủ tịch DIG ngáo nhất sát ngày ra báo cáo tài chính kêu lời thành lỗ 50 tỷ - đúng là thằng ngáo ngơ đi lãnh đạo công ty 35 năm
11:51
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long