Hãy là người đầu tiên thích bài này
Bức tranh sáng ngành bán lẻ năm 2024 và kỳ vọng năm 2025

Năm 2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp bán lẻ. PNJ lập kỷ lục lợi nhuận, chuỗi siêu thị của Masan lần đầu "mang tiền về cho mẹ", MWG và FPT Retail đều báo lãi tăng trưởng hàng chục lần.

Ảnh minh họa.

Ở lĩnh vực bán lẻ trang sức, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) mang về tổng doanh thu 37.823 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 14% so với năm 2023 (YoY); lợi nhuận sau thuế đạt 2.115 tỷ đồng, tăng hơn 7% YoY. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

PNJ đạt đỉnh lợi nhuận trong bối cảnh thị trường vàng liên tục “gây sốt” trong năm 2024. Với việc mở rộng mạng lưới và mở mới thêm 29 cửa hàng mới so với năm 2023 (nâng tổng số lên 429 cửa hàng), doanh thu trang sức bán lẻ của PNJ trong năm vừa qua tăng trưởng 14% YoY. Doanh thu trang sức bán sỉ còn tăng trưởng mạnh hơn (35%) khi thị trường thắt chặt các yêu cầu về kiểm soát nguồn gốc sản phẩm.

Tập đoàn Masan (mã MSN) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ đà tăng trưởng hai chữ số của mảng tiêu dùng bán lẻ (bao gồm Masan Consumer, WinCommerce, Masan MEATLife và Phúc Long Heritage) và việc chuyển nhượng thành công H.C. Starck (HCS) cho Mitsubishi Materials.

Cụ thể, năm 2024, Masan đạt doanh thu 83.178 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế 4.272 tỷ đồng, gấp 2,3 lần; lãi ròng đạt 1.999 tỷ đồng, gấp 4,8 lần. Mức tăng trưởng lợi nhuận đến từ sự cải thiện biên lợi nhuận gộp và đóng góp lớn của doanh thu tài chính (hơn 4.000 tỷ đồng, tăn 68% so với cùng kỳ).

Theo Masan, WinCommerce và Masan MEATLife đã mang lại lợi nhuận trong năm 2024, đóng góp 993 tỷ đồng vào tổng lãi ròng. Riêng WinCommerce ghi nhận lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cho cổ đông thiểu số 209 tỷ đồng trong quý 4/2024, là quý thứ hai liên tiếp có lợi nhuận dương. Tính đến tháng 12/2024, WinCommerce đang vận hành 3.828 cửa hàng Winmart/Winmart+.

Hai “kỳ phùng địch thủ” CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) cũng đều có sự phục hồi ấn tượng.

Năm 2024, MWG ghi nhận doanh thu thuần 134.341 tỷ đồng, tăng trưởng 14% YoY; lợi nhuận sau thuế 3.733 tỷ, gấp 22 lần so với mức nền thấp của cùng kỳ. Kết quả khả quan của Thế giới Di động chủ yếu đến từ việc tăng trưởng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận.

FPT Retail mang về 40.104 tỷ đồng doanh thu trong năm vừa qua, tăng 26% YoY; lợi nhuận trước thuế đạt 527 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với kế hoạch đặt ra và cải thiện mạnh so với năm 2023 thua lỗ gần 300 tỷ đồng.

Kết quả tích cực của MWGFRT thể hiện sự hồi phục của mảng bán lẻ điện máy sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi hậu đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu mua sắm các thiết bị không thiết yếu suy giảm mạnh. Tuy nhiên, quan trọng hơn là hai doanh nghiệp đã có hai hướng đi khác biệt để không còn “chạm” nhau, khiến đôi bên cùng tổn thất như thời kỳ lao vào “cuộc chiến giá rẻ” đầu năm 2023.

Cụ thể, MWG tập trung vào chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách hoá Xanh. Năm 2024, chuỗi này đóng góp hơn 41.000 tỷ đồng doanh thu cho MWG, vượt chuỗi Thế giới di động, chiếm 30,6% tỷ trọng tổng doanh thu và tăng trưởng 30% YoY. Trong khi hai chuỗi điện máy được “dọn dẹp” thì MWG đã mở mới trở lại 72 cửa hàng Bách hoá Xanh trong năm vừa qua.

Đáng chú ý, Bách hoá Xanh đã có lãi ở cấp độ công ty sau hơn 2 năm tái cấu trúc toàn diện. Đây cũng là lần đầu tiên Bách hoá Xanh mang lại lợi nhuận cả năm cho MWG.

Về phần FPT Retail, doanh nghiệp tiếp tục tập trung cho chuỗi dược phẩm FPT Long Châu. Trong cơ cấu doanh thu của FRT năm 2024, FPT Long Châu đóng góp 25.320 tỷ đồng, tăng 59% YoY và chiếm tỷ trọng 63% tổng doanh thu toàn công ty.

Tại thời điểm cuối năm 2024, chuỗi nhà thuốc này có 1.943 cửa hàng, tăng 446 cửa hàng so với đầu năm. Năm vừa qua, FPT Long Châu còn tích cực mở rộng hệ thống tiêm chủng với việc mở mới 116 trung tâm, nâng tổng số lên 126.

Bước sang năm 2025, bán lẻ tiếp tục được kỳ vọng là ngành sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, đi cùng sự phục hồi của nền kinh tế. Trong định hướng kinh doanh năm 2025, ban lãnh đạo MWG đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 150.000 tỷ đồng, tăng 12% YoY; lợi nhuận sau thuế 4.850 tỷ đồng, tăng 30% YoY.

Trong đó, các chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh vẫn là trụ cột đóng góp hơn 60% doanh thu và mang lại phần lớn lợi nhuận. Mục tiêu là tăng trưởng doanh thu trên 4.000 tỷ đồng và tiếp tục gia tăng thị phần trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa khởi sắc.

MWG xác định Bách hóa Xanh là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025, đóng góp hơn 30% doanh thu và mang lại lợi nhuận đáng kể. Tăng trưởng doanh thu tối thiểu 7.000 tỷ đồng và mở rộng thị trường thông qua: Tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ bằng các giải pháp chuyên biệt cho từng nhóm cửa hàng đặc thù; mở mới 200-400 cửa hàng ở cả vùng đang kinh doanh và các tỉnh mới khu vực miền Trung...

Tập đoàn Masan cũng kỳ vọng lớn vào mảng bán lẻ bách hoá khi đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 cho WinCommerce từ 35.600 tỷ đồng - 36.900 tỷ đồng, tăng 8-14% YoY và đạt lợi nhuận sau thuế dương cả năm. Điều này sẽ được thúc đẩy bởi việc mở rộng mạng lưới cửa hàng, với kế hoạch mở mới 400-700 siêu thị mini trong năm 2025.

Năm nay, Masan đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất từ 80.000 tỷ đồng - 85.500 tỷ đồng, tăng từ 7-14% YoY; lợi nhuận sau thuế từ 4.875 tỷ đồng - 6.500 tỷ đồng, tăng từ 14-52% YoY.

Phạm Ngọc-Link gốc

Bình luận (7)

Tin ***
11:49
DGW BCTC Q4 khá ổn! Múc...
12:13
 3
12:26

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long