VDSC dự báo biên lợi nhuận gộp ngành phân bón năm 2025 tăng nhờ giá dầu và khí đầu vào giảm nhanh hơn giá bán đầu ra của phân bón nội địa.
Ảnh minh họa.
Trong báo cáo ngành phân bón phát hành mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, giá bán phân bón nội địa năm 2025 dự kiến giảm theo giá phân bón thế giới. Tuy nhiên, giá phân nội địa kỳ vọng giảm thấp hơn, với giá Ure/DAP/NPK nội địa giảm lần lượt 3%/2%/2% so với cùng kỳ.
VDSC dẫn dự báo của Hiệp hội phân bón thế giới (IFA) và Ngân hàng thế giới (World Bank) cho biết, giá bán Ure/DAP/Kali thế giới sẽ giảm lần lượt 7%/8%/3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do nhu cầu phân bón của Ấn Độ và Brazil dự kiến giảm, kết hợp với giá nguyên liệu đầu vào (khí, than) giảm và giá nông sản (lúa, gạo) đầu ra cũng giảm. Giá khí và than giảm sẽ kích thích nhu cầu sản xuất phân bón, trong khi giá nông sản giảm sẽ gây áp lực lên đà tăng giá bán phân bón.
Đơn vị phân tích kỳ vọng giá phân bón nội địa giảm ít hơn giá phân bón thế giới nhờ 4 yếu tố.
Thứ nhất, nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng nhờ thời tiết thuận lợi. Theo dự báo của Viện nghiên cứu thời tiết quốc tế (IRI), giai đoạn La Nina sẽ kế thúc kể từ tháng 3/2025 và thời tiết thuận lợi (trung tính) sẽ thúc đẩy nhu cầu trồng trọt của các hộ nông dân. Bên cạnh đó, giá nông sản nội địa (giá gạo, lúa) kỳ vọng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước tháng 6/2023, sau khi giảm 11% so với cùng kỳ theo xu hướng giảm giá của thế giới.
Giá một số loại nông sản của Việt Nam hiện đang duy trì ổn định ở mức cao so với tháng 7/2023. Bước sang năm 2025, theo World bank, giá nông sản thế giới như giá ngũ cốc/lúa mì/ngô/gạo dự kiến giảm lần lượt 5%/2%/1%/11% so với cùng kỳ khi nguồn cung quay trở lại nhờ thời tiết thuận lợi hơn.
Giá các loại nông sản (nghìn đồng/kg) phổ biến của Việt Nam đang ở mức cao so với cùng kỳ. Ảnh: VDSC
Thứ hai, các doanh nghiệp gia tăng chi phí bán hàng thay vì giảm giá bán. Theo VDSC, so với các doanh nghiệp nhập khẩu, giá bán phân bón nội địa như Ure, NPK thường cao hơn 20%-30% chủ yếu do chi phí sản xuất cao và không đươc hoàn thuế VAT. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh được nhờ xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối hợp lý và chính sách bán hàng khác biệt để giành thị phần và giữ chân khách hàng.
Các công ty như Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM) liên tục có các chương trình kích thích tiêu thụ, như DCM khuyến mãi và bốc thăm trúng thưởng vàng, xe máy, xe hơi, có các chương trình đồng hành cùng nhà nông; DPM có chương trình bác sĩ nông học (tư vấn nuôi trồng, cấp vốn). Ngoài ra các doanh nghiệp này cũng có các chính sách công nợ và chiết khấu phù hợp với các đại lý.
Theo công ty chứng khoán, hiện nay, thay vì giảm giá bán theo xu hướng chung của thế giới, các doanh nghiệp trong nước đang tăng dần chi phí bán hàng với mong muốn vừa giữ mặt bằng giá bán cao, vừa chiếm thị phần từ đối thủ. Các doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ chưa lấp đầy công suất sản xuất sẽ ưu tiên đẩy mạnh quảng bá thương hiệu.
DCM ở mảng phân NPK là một ví dụ cụ thể. Tổng nhu cầu phân NPK trong nước là 3,3 triệu tấn, DCM chiếm 10% thị phần ở mảng NPK với sản phẩm NPK dạng một hạt. NPK một hạt chiếm 30% thị phần ở miền Tây và 70% ở miền Trung. Sản phẩm NPK một hạt có ưu điểm là khó làm giả và cung cấp dinh dưỡng đều hơn sản phẩm NPK dạng trộn 3 hạt. Tuy nhiên, DCM cần phải quảng bá nhiều hơn thì mới có thể chiếm thị phần từ NPK dạng trộn 3 hạt.
Tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu của một số doanh nghiệp tăng dần giai đoạn gần đây. Nguồn: VDSC
Thứ ba, Luật thuế VAT dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2025, tuy nhiên khả năng áp dụng chưa xác định khi phải chờ thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể. Vì các doanh nghiệp chưa thể tiết giảm được chi phí trong ngắn hạn nên chưa có cơ sở để giảm giá bán.
Thứ tư, diễn biến cung cầu thế giới đối với từng loại phân có sự khác nhau đáng kể nên VDSC ước tính giá phân bón nội địa sẽ có mức giảm khác nhau so với giá thế giới.
VDSC dự kiến biên lợi nhuận gộp ngành phân bón năm 2025 tăng nhờ giá dầu và khí đầu vào giảm nhanh hơn giá bán đầu ra của phân bón nội địa. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng cao sẽ làm giảm bớt mức tăng của biên lợi nhuận ròng.
Đơn vị phân tích dự báo giá dầu Brent năm 2025 sẽ đạt 73,4 USD/thùng (giảm 9% so với cùng kỳ), trong khi giá phân bón Ure/NPK/DAP dự báo giảm thấp hơn giá dầu.