Chỉ trong hơn 1 tuần, nước Mỹ đã phải gánh chịu tổn thất to lớn và con số đó vẫn đang gia tăng. Rất nhiều bài học đã được rút ra từ vụ cháy này.
Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa cháy rừng tại Altadena, California, Mỹ. Ảnh: AP/TTXVN
Trang tin The Strategist (Australia) vừa đăng bài viết cho biết các vụ cháy ở Los Angeles (Mỹ) sẽ là thảm họa tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, với thiệt hại ước tính lên tới 250–275 tỷ USD, tương đương 24-26% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Australia. Chỉ trong hơn 1 tuần, nước Mỹ đã phải gánh chịu tổn thất to lớn và con số đó vẫn đang gia tăng. Rất nhiều bài học đã được rút ra từ vụ cháy này.
Kể từ vụ cháy "mùa Hè đen" năm 2019-2020 và các trận lũ lụt tiếp theo, Australia đã thực hiện nhiều công việc đáng kể để đánh giá rủi ro khí hậu và chuẩn bị ứng phó. Tuy nhiên, phần lớn công việc đó - bao gồm Đánh giá rủi ro khí hậu quốc gia và Kế hoạch thích ứng quốc gia - vẫn chưa được công bố.
Thảm họa thiên nhiên sẽ tiếp tục gây bất ngờ nếu chúng ta không hiểu và giải quyết được các rủi ro tiềm ẩn. Chúng sẽ xảy ra với tần suất lớn hơn và gây ra thiệt hại lớn hơn nếu chúng ta tiếp tục làm nóng bầu khí quyển. Mặc dù biến đổi khí hậu không phải là yếu tố duy nhất tác động đến vụ cháy rừng ở Los Angeles, nhưng đây là lý do chính khiến các quan chức bất ngờ. Thảm họa kép do khí hậu gây ra âm thầm hình thành, nhưng lại bùng phát nhanh chóng. Trong trường hợp này, khí hậu dường như đã thúc đẩy cường độ của các đám cháy.
Bang California không còn xa lạ với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Nơi đây đã từng trải qua một đợt hạn hán kéo dài 3 năm từ năm 2020 đến năm 2022, sau đó là 2 năm có lượng mưa đáng kể, ghi nhận năm ẩm ướt thứ 7 của Los Angeles vào năm 2022–2023. Lượng mưa đó thúc đẩy sự phát triển của thảm thực vật, sau đó là một đợt hạn hán kéo dài và nhiệt độ cao hơn mức trung bình vào đầu mùa Đông hiện tại đã làm khô phần lớn thảm thực vật mới đó.
Gió Santa Ana thổi bùng ngọn lửa bằng không khí nóng và khô, là đặc trưng của khu vực này vào mùa Đông, nhưng đặc biệt mạnh với những cơn gió giật lên tới gần 160km/h vào tuần trước (đôi khi khiến máy bay cứu hỏa phải hạ cánh khi cần thiết nhất), đẩy đám cháy xuống sườn đồi nhanh hơn, nơi chúng thường cháy chậm lại và phun tro tàn xa hơn nhiều so với ranh giới đám cháy. Gió có thể mạnh hơn do nhiệt độ đại dương ấm hơn mức trung bình và luồng phản lực Bắc Mỹ quanh co, vốn ngày càng bị gián đoạn do biến đổi khí hậu trong những năm gần đây và cũng có thể góp phần khiến các dòng sông khí quyển đổ mưa xuống Los Angeles trong những năm trước khi xảy ra cháy.
Tuy nhiên, riêng những yếu tố đó không giải thích được tại sao các đám cháy bắt đầu, tại sao chúng khó kiểm soát hoặc tại sao chúng gây ra thiệt hại như vậy. Câu trả lời rõ ràng về nguồn gốc của các đám cháy sẽ có sau khi cuộc điều tra kết thúc. Việc suy đoán bây giờ không giúp ích gì.
Vụ cháy Eaton, vụ cháy lớn thứ hai ở Los Angeles, có thể đã bùng phát do cơ sở hạ tầng điện bị hư hại khi gió Santa Ana thổi mạnh, như đã từng xảy ra trong quá khứ. Nếu đúng như vậy, điều này sẽ gây thêm áp lực cho những nỗ lực đang diễn ra của bang California, nhằm chuẩn bị cơ sở hạ tầng để ứng phó với các thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng.
Công tác chuẩn bị đã được tiến hành trong một thời gian, nhưng rủi ro vẫn còn, một phần là do không có giải pháp nào rẻ. Theo ước tính của chính quyền bang California, việc chôn vùi tất cả các đường dây phân phối và truyền tải điện trong bang có thể tốn 763 tỷ USD, tương đương khoảng 70% GDP năm 2024 của Australia, và sẽ mất nhiều năm mới khôi phục được. Tuy nhiên, tính kinh tế của việc thích ứng với khí hậu đã trở nên rõ ràng hơn vì chỉ một tuần cháy rừng đã đạt tới một 1/3 chi phí đó.
Phát triển đô thị cũng đóng một vai trò quan trọng. Malibu và khu vực xung quanh là vùng đất truyền thống của hỏa hoạn, thảm thực vật chaparral đã tiến hóa để trải qua các giai đoạn hỏa hoạn. Tuy nhiên, hiện có 8 triệu người đang sống ở các khu vực dễ xảy ra hỏa hoạn ở miền Nam California. Thiết kế tòa nhà chống cháy cũng như giảm nhiên liệu và cảnh quan xung quanh nhà có thể làm chậm sự phát triển của các đám cháy trong môi trường đô thị, bảo vệ nhiều ngôi nhà hơn. Không có cách dễ dàng nào để tránh hậu quả của việc xây dựng và sinh sống ở những khu vực có nguy cơ cao. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là cố gắng tránh điều đó trong tương lai.
Mặc dù nhiều cộng đồng bị ảnh hưởng nhận thức được rủi ro về khí hậu và hỏa hoạn, nhưng họ rõ ràng không tin rằng họ dễ bị tổn thương. Việc xây dựng lại nơi ở với khả năng chống chịu hỏa hoạn là điều cần thiết, đặc biệt là khi bảo hiểm hỏa hoạn sẽ trở nên quá đắt đối với nhiều người.
Trong khi nhiều người tập trung vào nguồn cung cấp nước không đủ để dập tắt đám cháy, hầu hết các hồ chứa đều đầy nước - trái ngược với thông tin sai lệch rằng quy hoạch môi trường của California hạn chế tiếp cận các nguồn nước thượng nguồn.
Một lời giải thích hợp lý hơn cho sự thiếu chuẩn bị của California là cơ sở hạ tầng nước đô thị đơn giản không được thiết kế để ứng phó với cháy rừng. Khu phố Pacific Palisades, nơi nhiều người nổi tiếng bị mất nhà do hỏa hoạn, nằm ở cuối đường ống nước địa phương, do đó áp lực nước yếu hơn. Khi vòi cứu hỏa được khai thác để lấy nước, áp lực giảm xuống, làm cạn kiệt các bể chứa khẩn cấp trong khu phố.
Một cuộc điều tra sẽ đánh giá lý do và tác động của việc đóng cửa liên tục hồ chứa nước Santa Ynez ở khu vực Palisades, trong đó bao gồm lý do tại sao hồ chứa này không được đưa trở lại hoạt động nhanh chóng vào cuối năm 2024 khi điều kiện khí hậu trở nên tồi tệ hơn.
Điều đó đặt ra vấn đề về tài trợ, nhân sự và chuẩn bị cho các đơn vị cứu hỏa của Los Angeles. Sự chú ý tập trung vào việc cắt giảm ngân sách của Thị trưởng, nhưng ngân sách chỉ giảm 2% so với năm trước. Mặc dù điều đó có thể có tác động, nhưng rõ ràng quy mô nhu cầu vượt xa một vài phần trăm.
Việc thiếu nhân sự là một áp lực ngay từ đầu, ngay cả khi chỉ riêng Los Angeles có tới 9.000 lính cứu hỏa. Đó cũng không phải là giải pháp giá rẻ. Nếu Los Angeles cần năng lực lớn hơn vào bất kỳ thời điểm nào, ngân sách của họ sẽ phải tăng đáng kể. Nhu cầu đó sẽ phải cạnh tranh với các nguồn lực cần thiết để chuẩn bị và giảm nguy cơ hỏa hoạn trong tương lai, bao gồm cả năng lực chữa cháy tư nhân tiềm năng. Một lần nữa, đầu tư sớm vào công tác chuẩn bị sẽ làm giảm các biến chứng và nhu cầu ứng phó trong tương lai. Tuy nhiên, việc xây dựng năng lực ứng phó trong tương lai sẽ mất thời gian.