Hãy là người đầu tiên thích bài này
Xu hướng giảm bao trùm thị trường dầu do lo ngại nhu cầu hạ nhiệt

 Giá dầu thế giới giảm hơn 2% trong phiên 15/11 do các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu yếu hơn của Trung Quốc và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ cắt giảm lãi suất.

Một nhà máy lọc dầu tại Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 1,52 USD (2,09%) xuống 71,04 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,68 USD (2,45%) xuống 67,02 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 4%, trong khi giá dầu WTI giảm khoảng 5%.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 15/11 cho thấy các nhà máy lọc dầu của nước này trong tháng 10/2024 đã xử lý lượng dầu thô ít hơn 4,6% so với một năm trước đó do một số nhà máy đóng cửa hoặc giảm công suất.
Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 10/2024 và nhu cầu trong lĩnh vực bất động sản của nước này cho thấy ít dấu hiệu phục hồi, làm gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư về sức khỏe kinh tế của nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Ông John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý tài sản Again Capital ở New York, cho biết nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục đối mặt với một số khó khăn và bất kỳ biện pháp kích thích kinh tế nào mà nước này đưa ra đều có thể bị ảnh hưởng bởi một đợt áp thuế quan mới của chính quyền Tổng thống đắc cử Trump.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có ý định chấm dứt quy chế thương mại tối huệ quốc của Trung Quốc và áp mức thuế quan hơn 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức thuế được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Các nhà kinh tế của công ty nghiên cứu Goldman Sachs Research đã hạ nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Trung Quốc, sau những dự đoán về việc Mỹ sẽ tăng thuế đáng kể dưới thời ông Trump.
Giá dầu cũng giảm trong tuần này khi các tổ chức dự báo hàng đầu cho rằng tăng trưởng nhu cầu toàn cầu đang chậm lại.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt cầu hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025 ngay cả khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, vẫn duy trì việc cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, OPEC mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 và 2025, do nhu cầu tại Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác yếu hơn. Đây là lần điều chỉnh giảm thứ tư liên tiếp của OPEC về nhu cầu dầu năm 2024.
Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết nhu cầu dầu trên toàn thế giới sẽ tăng 1,82 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm so với mức dự báo tăng trưởng 1,93 triệu thùng/ngày vào tháng trước. Bên cạnh đó, OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2025 xuống còn 1,54 triệu thùng/ngày từ mức 1,64 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc chiếm phần lớn trong lần điều chỉnh giảm cho năm 2024. Cụ thể, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc xuống còn 450.000 thùng/ngày từ mức 580.000 thùng/ngày.
Việc hạ dự dự báo tăng trưởng nhu cầu đã làm nổi bật thách thức mà gọi là OPEC+ đang phải đối mặt, sau khi hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 12 tới trong bối cảnh giá dầu giảm.
OPEC+ đã thực hiện một loạt đợt cắt giảm sản lượng kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ giá dầu, hầu hết trong số đó được thực hiện cho đến cuối năm 2025.
Dữ liệu kinh tế khác với dự kiến của Trung Quốc, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng và giá sản xuất, đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu của nước này – quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Kế hoạch kích thích kinh tế mới của Trung Quốc không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, tiếp tục gây áp lực giảm giá dầu.
Theo mạng Liên hợp buổi sáng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 10/2024 vẫn ở mức thấp và chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục giảm, cho thấy áp lực giảm phát đối với nền kinh tế Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Theo số liệu do Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 9/11, CPI tháng 10/2024 của Trung Quốc đã giảm 0,3% so với tháng 9/2024, nhưng tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức tăng được ghi nhận trong tháng 9/2024 và là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2024.
Chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, trong tháng 10/2024 phục hồi nhẹ, với mức tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng 9/2024. Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết giá thực phẩm giảm 1,2% trong tháng 10/2024, đảo ngược mức tăng 0,8% trong tháng 9/2024. Đây là yếu tố chính ảnh hưởng đến mức giảm CPI trong tháng 10/2024.
Trong khi đó, chỉ số PPI, phản ánh giá sản xuất, trong tháng 10/2024 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 25 liên tiếp. Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số PPI của Trung Quốc giảm trong bối cảnh giá cả hàng hóa quốc tế nhìn chung giảm.
Báo cáo của ngân hàng Bank of America dự báo nguồn cung dầu thô ngoài OPEC sẽ tăng đáng kể trong năm 2025 và 2026. Điều này làm gia tăng lo ngại về tình trạng dư cung dầu trên thị trường toàn cầu, gây sức ép giảm giá. Việc OPEC+ hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng 12/2024 cũng không đủ để làm giảm bớt những lo ngại này.
Sự tăng giá của đồng USD, phần lớn do chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và kỳ vọng về chính sách kinh tế của ông, đã làm giảm sức hấp dẫn của dầu, vốn được giao dịch bằng đồng bạc xanh), cho những người mua bằng các loại tiền tệ khác. Điều này góp phần làm giảm nhu cầu dầu và gây áp lực giảm giá.
Mặc dù lượng dầu trong kho dự trữ của Mỹ giảm mạnh trong tuần kết thúc vào ngày 8/11 đã hỗ trợ giá dầu tăng nhẹ vào phiên 14/11, nhưng hiệu ứng này không đủ mạnh để đảo ngược xu hướng giảm chung của cả tuần.

Minh Hằng-Link gốc

Bình luận (1)

17:58

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long