Hãy là người đầu tiên thích bài này
'Vượt bão', doanh nghiệp Đà Nẵng băng băng về đích

Dù năm 2024 có nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn hoàn thành và vượt kế hoạch sản xuất năm nhờ chủ động thích ứng, chuyển đổi trong công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thay đổi để vượt khó

Còn hơn 1 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2024, hiện, đã có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã "về đích" chỉ tiêu năm, đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp vượt kế hoạch sản xuất của năm.

Đơn cử, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất U&I Phương Quân (Khu công nghiệp Hòa Khánh) đã hoàn thành và vượt kế hoạch của năm 2024 đề ra.

Theo ông Phan Duy Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất U&I Phương Quân, doanh nghiệp đang tiếp tục tăng tốc sản xuất để kịp đáp ứng đơn hàng cho đối tác. Dự kiến, kết thúc năm 2024, doanh thu của đơn vị sẽ vượt khoảng 40% so với kế hoạch.

"Chúng tôi nhận được đơn hàng lớn sản xuất thiết bị sản xuất viên nén gỗ cho đối tác Nhật Bản. Cùng với đó, người lao động cũng đang tăng ca sản xuất để đảm bảo giao hàng theo đúng cam kết", ông Phương thông tin.


Bằng nhiều giải pháp, doanh nghiệp Đà Nẵng đạt được một số kết quả khá ấn tượng trong năm 2024. Ảnh: N.T

Tương tự, Công ty TNHH Mỹ Phương Food (huyện Hòa Vang) cũng đã "về đích" kế hoạch năm 2024. Năm nay, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp tăng gấp 3 lần so với năm 2023 (chiếm 50% tổng doanh thu), từ đó, đưa doanh thu chung cả năm tăng tích cực. Dự kiến, doanh thu năm 2024 của Mỹ Phương Food sẽ tăng 50% so với năm 2023.

Còn Công ty CP Việt - Séc (Khu công nghiệp Hòa Cầm) - doanh nghiệp chuyên nhận thầu thi công các công trình cửa, đồ nội ngoại thất cũng đang kinh doanh ấn tượng, dự kiến doanh thu năm nay tăng trưởng 10% so với năm 2023.

Ông Phan Thanh Minh, Phó Giám đốc Công ty CP Việt - Séc cho hay, dự kiến, năm 2024, để đạt được kết quả trên, doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi nhà máy hướng đến hợp chuẩn - xanh, sạch, số; bên cạnh đó, cũng có sự nỗ lực của người lao động.

"Hiện, nhiều nhà thầu lớn đã đưa ra các tiêu chí xanh sạch. Trong đó, nhờ chủ động đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất, vì vậy, chúng tôi đã rút ngắn được quy trình sản xuất, cũng như đáp ứng các tiêu chí nhà thầu đưa ra", ông Minh nói.

Thông tin với PV, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Đà Nẵng đánh giá, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng thời gian qua, doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn chủ động, nỗ lực vượt khó với kỳ vọng khôi phục đà tăng trưởng.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp tận dụng khoảng thời gian này để cải tổ lại hoạt động sản xuất kinh doanh; trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết và chuẩn bị các kế hoạch, chiến lược mới.

Đơn cử, CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã chuẩn bị 4 - 5 năm để đầu tư mở rộng nhà máy Radial nhằm đưa vào hoạt động toàn bộ trong năm 2024, từ đó, nâng cao công suất sản xuất của đơn vị.

Đồng thời, DRC cũng có chiến lược phát triển ở từng phân khúc thị trường và thực hiện công tác xúc tiến thương mại như: tham dự các Hội chợ quốc tế tại Hoa Kỳ, Brazil..

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác tìm đến sự hỗ trợ của Sở Công Thương trong việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm của đơn vị ra thị trường như Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Viana.

"Bằng nhiều giải pháp kể trên, doanh nghiệp Đà Nẵng đạt được một số kết quả khá ấn tượng trong năm 2024", ông Quang chia sẻ.

Nhiều cơ hội để bắt nhịp chuyển đổi xanh

Giám đốc VCCI - Chi nhánh Đà Nẵng còn cho biết, theo các chuyên gia kinh tế, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025 là khá tích cực, với sự cải thiện tốt hơn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, xây dựng và sản xuất…

Sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. "Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng tương đối lạc quan vào triển vọng phát triển của đơn vị trong năm 2025", ông Quang nêu quan điểm.

Tuy dự báo kinh tế Việt Nam phát triển ở mức cao trong năm 2025 nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro khó lường trước.

Cụ thể, năm 2025, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có những biến động khó lường. Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ leo thang có khả năng gây tác động lớn đến hoạt động thương mại và lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Cùng với đó, diễn biến địa chính trị thế giới sẽ tiếp tục khó lường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu cũng như nhập khẩu, bởi vì sẽ làm tăng chi phí vận tải đường biển, phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, chuyển đổi xanh đang trở thành "một cuộc đua" ở cấp độ toàn cầu. Trong đó, các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam đều, đã và đang chuẩn bị cho những quy định cụ thể về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, khách hàng ngày càng chú ý tới tác động môi trường trong hành vi tiêu dùng.

"Tuy nhiên, theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi xanh 2024, có tới 64% doanh nghiệp cho biết họ chưa chuẩn bị gì cho hoạt động trên", ông Quang thông tin thêm.

Nguyễn Tri-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long