Hãy là người đầu tiên thích bài này
Vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm hoá chất độc hại: Đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật An toàn thực phẩm

Liên quan đến vụ gần 3.000 tấn giá đỗ độc hại tuồn ra thị trường, thậm chí đi vào hệ thống siêu thị Bách Hoá Xanh, ngành chức năng đề nghị khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Luật an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần 3.000 tấn giá đỗ độc hại tuồn ra thị trường, thậm chí đi vào hệ thống siêu thị Bách Hoá Xanh. Ảnh: NG

Chiều 6/1, trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk cho biết, hiện 6 cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất độc hại đã tạm dừng hoạt động.

Qua vụ việc nêu trên, Sở NN&PTNT Đắk Lắk nhận thấy công tác quản lý chất lượng, ATTP vẫn còn có nhiều tồn tại và vướng mắc và bất cập. Do đó, Sở đã đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật ATTP 2010 và sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư cho đồng bộ theo hướng:

Toàn bộ thực phẩm được sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ ra thị trường đều phải được thực hiện bởi những chủ thể, tuân thủ theo điều kiện, quy trình chặt chẽ theo quy định, đảm bảo có đăng ký, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc.

Xác định đầy đủ, rõ ràng vai trò, chức năng, trách nhiệm, nội dung, thẩm quyền và sự phối hợp của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp trong quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP (có lộ trình cụ thể thực hiện đảm bảo phù hợp với thực tế).

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, hiện nay, các quy định của pháp luật về ATTP và quy định về xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh ATTP còn thấp, chưa có sức răn đe. Kiến nghị phải tăng mức xử phạt, những hành vi tái phạm. Đặc biệt là sử dụng hóa chất cấm có tác động nguy hại đến sức khỏe cá nhân, cộng đồng, phải được xử lý hình sự.

Giá đỗ của cơ sở sản xuất Lâm Đạo được hệ thống siêu thị Bách Hoá Xanh bán cho người tiêu dùng. Ảnh: MXH

Hàng năm các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cần có định hướng, hướng dẫn địa phương kiểm nghiệm những chỉ tiêu gây mất ATTP, cập nhật những hoạt chất cấm, ngoài danh mục không được sử dụng trong khâu chế biến sản phẩm mới phát sinh để đưa vào yêu cầu kiểm nghiệm, giám sát thường xuyên, cảnh báo cho cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Kịp thời thông tin cho các tỉnh về nguy cơ sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục trong sản xuất, chế biến thực phẩm khi phát hiện và mức độ nguy hiểm để các địa phương kịp thời kiểm tra, giám sát, cảnh báo.

Như vụ hóa chất “6-Benzylaminopurine” đã bị tái phạm lần 2 ở tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 1/2024 và tháng 10/2024, ở tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 20/12/2024 cũng xảy ra vụ việc tương tự.

Sở NN&PTNT Đắk Lắk cũng đề nghị các Cục: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Trồng trọt có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các Chi cục hoặc đơn vị được giao quản lý ATTP ở địa phương rõ hơn trách nhiệm quản lý từng khâu trong chuỗi từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, bao gói, vận chuyển và tiêu thụ ra thị trường. Vì đây là lĩnh vực rất lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị quản lý.

Đề nghị Bộ NN& PTNT nghiên cứu việc sử dụng tiêu đề “Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP”, để làm rõ ràng hơn, giảm thiểu sự hiểu nhầm của người dân hoặc cơ quan báo chí đăng tin trong thời gian qua. Đề nghị Bộ có Đề án thí điểm để xây dựng thành quy định của pháp luật về việc áp dụng chuyển đổi số trong giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm sản.

Sở NN&PTNT Đắk Lắk còn kiến nghị ngành Công thương thường xuyên kiểm tra giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm ở các siêu thị, tạp phẩm... Việc làm này để cảnh báo cho người tiêu dùng và xử lý theo quy định đối với những trường hợp kinh doanh sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng và gửi ngành Nông nghiệp để nắm thông tin những cơ sở sản xuất có sản phẩm bị vi phạm về chất lượng thuộc ngành Nông nghiệp quản lý.

Như Báo Thanh tra đưa tin, vào tháng 12/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột gồm: 2 cơ sở của Lâm Văn Đạo (trú buôn Kô Tam, xã Ea Tu); 2 cơ sở của Vũ Duy Tư (trú Tổ dân phố 8, phường Tân Hoà); 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh (trú Tổ dân phố 6, P. Tân Hòa); 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo (trú Tổ dân phố 1, phường Tân Hoà).

Lực lượng công an phát hiện 6 cơ sở trên sử dụng hoạt chất 6 - Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người; hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thuỷ và các dị tật bẩm sinh; ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.

Trong năm 2024, các cơ sở trên tuồn ra thị trường gần 3.000 tấn giá đỗ ngậm hoá chất. Đáng nói, cơ sở của Lâm Văn Đạo ký hợp đồng cung cấp giá đỗ cho hệ thống siêu thị Bách Hoá Xanh từ 350 - 400kg/ngày. Trên bao bì loại giá đỗ được ngâm hoạt chất độc hại trên đều in nhãn như: “Vì sức khỏe của mọi người”, “Không hóa chất”, “Không chất kích thích”, “Không chất bảo quản”.

Ngọc Giàu

Link gốc

Bình luận (16)

Ăn vào đi chữa bệnh , đề nghị đưa hình sự răn đe
06:09
ko giết 1 người chết ngay lập tức, nhưng giết hàng nghìn người 1 cách từ từ
06:27
Ở các nước phát triển thì vi phạm an toàn thực phậm bị phạt nặng, còn ở Vn thì giao thông 🤪🤪 thực dân kiểu mới chăng
06:35
 2

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long