Hãy là người đầu tiên thích bài này
VTR: Vietravel trước thềm tăng vốn: Doanh thu càng tăng, lợi nhuận càng ‘teo tóp’

Trong bối cảnh ngành du lịch khởi sắc sau dịch, Vietravel ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh 3 năm qua, song lợi nhuận ngày càng giảm, biên lợi nhuận chỉ khoảng 0,5%.

Vietravel muốn tăng vốn gấp đôi qua chào bán cho cổ đông. Ảnh minh họa: Vietnam+

Tăng vốn gấp đôi

Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel (mã: VTR) thông báo chào bán 28,6 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được mua 1 cổ phiếu mới).

Công ty lữ hành muốn huy động 344 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ vay. Ngày đăng ký cuối cùng 20/5, thời gian đăng ký mua và nộp tiền từ 26/5 đến 7/7. Nếu đợt chào bán thành công, Vietravel sẽ tăng vốn gấp đôi lên 572 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu VTR hiện ở vùng 21.000 đồng/cp, lình xình trong xu hướng giảm từ vùng 25.000 đồng/cp trong suốt 1 năm qua. Dù vậy, thị giá vẫn đang cao hơn 75% so với giá chào bán cho cổ đông.

Đây là lần đầu tiên công ty thực hiện huy động vốn từ cổ đông sau khi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM. Lần gần nhất doanh nghiệp tăng vốn là phát hành 6 triệu cổ phiếu để hoán đổi  nợ với Tập đoàn Hưng Thịnh (giá 28.000 đồng/cp) và chào bán riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu giá 12.000 đồng/cp (đối tượng mua là các lãnh đạo công ty).

Sau 2 năm đầu tư, vào tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Hưng Thịnh đã thu hồi vốn tại Vietravel khi bán toàn bộ 6 triệu cổ phiếu, tương đương 20,98% vốn. Người mua vào là bà Nguyễn Thủy Tiên. Giao dịch thỏa thuận với giá trị 168 tỷ đồng, tương đương giá trung bình 28.000 đồng/cp. Như vậy, Hưng Thịnh đã thu hồi đúng giá vốn.

Như vậy, cổ đông lớn nhất của Vietravel là bà Nguyễn Thủy Tiên (20,98%), tiếp theo là Tập đoàn Vetravel (14,29%), ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT (10,96%), Công ty cổ phần quản lý quỹ VinaCapital (9,77%).

Biên lãi mỏng như lá lúa

Về hoạt động kinh doanh, lĩnh vực du lịch có sự phục hồi tốt từ sau dịch bệnh, Vietravel ghi nhận doanh thu tăng đều đặn 3 năm gần đây nhưng lợi nhuận đi xuống. Cụ thể, doanh thu tăng từ 3.824 tỷ đồng năm 2022 lên 6.735 tỷ đồng năm 2024, lợi nhuận sau thuế từ 105 tỷ đồng rơi xuống 36 tỷ đồng.

Đến quý I năm nay, doanh thu tăng trưởng 8% lên 1.192 tỷ đồng. Song chi phí cao và hụt thu lợi nhuận khác, lợi nhuận sau thuế giảm hơn phân nửa xuống gần 6 tỷ đồng (biên lợi nhuận ròng 0,5%).

Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu tăng 42% lên 9.549 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 11% xuống 50 tỷ đồng. Với kế hoạch này thì biên lợi nhuận trước thuế trên doanh thu chỉ khoảng 0,52%, thậm chí còn thấp hơn 2024 (0,8%).

Do vậy, bên cạnh duyệt kế hoạch kinh doanh trên cho năm 2025, HĐQT yêu cầu Ban điều hành nhanh chóng xây dựng giải pháp cụ thể để tiếp giảm chi phí từ các yếu tố, trong đó tập trung vào việc ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí trong hoạt động điều hành và quản trị.

Đổi tên, mục tiêu doanh thu tỷ USD vào 2030

Vietravel sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 17/5 tới đây. HĐQT sẽ trình phương án đổi tên từ Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel thành Công ty cổ phần Du lịch Vietravel – Vietravel. Lý do đưa ra là để phù hợp với xu hướng thương hiện hiện đại, dễ truyền thông quốc tế và dễ sử dụng trên các nền tảng số mà vẫn giữ nguyên nhận diện thương hiệu Vietravel.

Về mặt chiến lược kinh doanh, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc cho biết đã xây dựng chiến lược dài hạn 2025 – 2035, mục tiêu trở thành công ty du lịch hàng đầu khu vực “Xanh – Số - Liên kết”.

Cụ thể, “Xanh” nghĩa là phát triển bền vững, thân thiện môi trường và tiên phong trong các sáng kiến du lịch xanh.

“Số” là lấy công nghệ số làm nền tảng ở mọi khâu, mục tiêu đếu 2030 phần lới doanh thu đến từ kênh số chiếm tỷ lệ trên 70%. Điều này cho phép công ty mở rộng quy mô nhanh chóng mà không phụ thuộc vào tăng nhân lực, đồng thời vươn ra quốc tế khi phục vụ khách hàng 24/7 và tích hợp được với mạng lưới đối tác quốc tế.

“Liên kết” là xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đa liên kết, phối hợp chặt chẽ với đối tác chiến lược như hàng không, khách sạn, vận chuyển, ngân hàng, bảo hiểm… để cung cấp chuỗi dịch vụ khép kín và gia tăng giá trị cho khách hàng.

Công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu trên 1 tỷ USD vào năm 2030 (khoảng 24.000 tỷ đồng), tức gấp 3,6 lần hiện nay.

Mỹ Hà-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long