Đà đi xuống của Nước giải khát Chương Dương cho thấy khó khăn chồng chất của các thương hiệu đồ uống trong nước.
Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique, được xây dựng vào năm 1952. Ảnh: Quý Hòa
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM sẽ hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD) do lỗ 3 năm liên tục và vốn điều lệ âm. Quyết định được đưa ra sau khi công ty này công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Theo đó, SCD ghi nhận doanh thu thuần hơn 126 tỉ đồng, giảm 25% so với năm trước. Áp lực các chi phí cố định đồng loạt tăng, mạnh nhất là chi phí bán hàng gần gấp đôi, lên đến hơn 85 tỉ đồng khiến Công ty lỗ ròng hơn 119 tỉ đồng, trong khi năm trước lỗ chưa đến 49 tỉ đồng.
Đồ thị đi xuống
Tình cảnh của SCD diễn ra khi hoạt động kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào tăng cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu vẫn thấp hơn dự kiến... Đây là kết cục buồn cho một thương hiệu lâu đời trên thị trường nước giải khát Việt Nam.
Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique, được xây dựng vào năm 1952 trực thuộc Tập đoàn BGI của Pháp. Năm 2004, Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần. Công ty sản xuất và kinh doanh các loại sản phẩm nước giải khát có gas, rượu nhẹ, nước tinh khiết. Sản phẩm thế mạnh của Công ty là mặt hàng nước sá xị (chiếm trên 74% doanh thu) từng rất được ưa chuộng tại thị trường miền Nam. Giai đoạn 2009-2016 được xem là thời hoàng kim của SCD khi chứng kiến doanh thu tăng cao hằng năm, chạm mức kỷ lục 417 tỉ đồng vào năm 2016. Song, kể từ đó đến nay, doanh thu của Công ty liên tục suy yếu.
Sự đi xuống của SCD cũng đặt trong bối cảnh thị trường nước giải khát Việt Nam với doanh số lên đến hàng tỉ USD nhưng doanh nghiệp Việt ngày càng thất thế. Thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho thấy, hiện sản phẩm nước giải khát của 2 hãng nước giải khát vốn 100% nước ngoài là CocaCola chiếm lĩnh trên 41% thị phần, Pepsi chiếm 22,7% thị trường Việt Nam... Tân Hiệp Phát là thương hiệu nội hiếm hoi đủ lớn để cạnh tranh trực tiếp với 3 đối thủ ngoại là Suntory PepsiCo Việt Nam, Coca-Cola, URC Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo chủ chốt của công ty này đang vướng vào vòng lao lý, tạo ra xáo trộn không nhỏ cho hoạt động kinh doanh.
Theo Nielsen Việt Nam, doanh thu của ngành nước giải khát Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 8,25 tỉ USD và dự báo cán mốc 10 tỉ USD vào năm 2027. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, người Việt chỉ tiêu thụ trung bình 23 lít nước giải khát/năm, trong khi người tiêu dùng thế giới sử dụng 40 lít/năm. Vì vậy, dư địa tăng trưởng của thị trường nước giải khát Việt Nam còn rất lớn.
Đi tìm thị trường ngách
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, Việt Nam có 1.800 doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, nhưng đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ lẻ nên có đến 52% doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu... Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt thiếu liên kết, chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA)... Những yếu kém này đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngoại gia tăng cơ hội chiếm thị phần.
Tình hình trở nên khó khăn hơn khi doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với giá cả tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn dẫn đến năng lực sản xuất hoạt động ở mức dưới 80% so với trước đại dịch. Và cũng không thể không nhắc đến “ẩn số lỗ” của các doanh nghiệp nước giải khát nội địa là bị “bào mòn dần” sau khi bắt tay các đối tác nước ngoài. Chẳng hạn, những năm 2000, liên doanh Coca-Cola Chương Dương đã trở thành Coca-Cola Việt Nam khi bỏ chữ “Chương Dương” sau thời gian liên tục tăng chi phí bán hàng, báo lỗ và yêu cầu đối tác nội góp thêm vốn. Tương tự, năm 2002 Pepsi Việt Nam cũng mua lại toàn bộ cổ phần của Liên doanh Nước giải khát Quốc tế (IBC).
Công ty Nước giải khát Sài Gòn - Tribeco với sản phẩm sữa đậu nành, sau thời gian liên doanh với Uni - President (Đài Loan) cũng liên tục thua lỗ nên phải bán 43,6% cổ phần cho đối tác liên doanh. Sau khi thâu tóm 53,59% cổ phần Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), nhóm cổ đông Thái Lan cũng tiếp quản một trong số các đơn vị thành viên là SCD. Người Thái đưa ra tuyên bố “sẽ đưa doanh nghiệp trở lại thời kỳ thậm chí còn lớn hơn công ty mẹ Sabeco”. Thế nhưng, cuối cùng SCD không thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ và cũng đặt ra câu hỏi về khả năng phải bán lại hoàn toàn cho nước ngoài.
Để khai thác thị trường ngách, một số doanh nghiệp Việt đã ra mắt sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ như nước ép trái cây, nước ép lên men, trà thảo mộc không gas... của các doanh nghiệp như TH True Milk, Vinamilk, Traphaco Boganic, Bidrico và Nafoods Group... Điều này phù hợp với xu hướng sử dụng thức uống tốt cho sức khỏe, thành phần tự nhiên cũng như các yêu cầu về chứng minh nguồn gốc trở nên khắt khe hơn từ phía người tiêu dùng.
Chẳng hạn, Bidrico có doanh số tăng 26% trong năm 2023 nhờ đẩy mạnh các sản phẩm nước uống có nguyên liệu từ trái cây và có nguồn gốc tự nhiên. Vì vậy, cả thị trường trong nước và 14 thị trường xuất khẩu đều tăng trưởng tốt. “Chúng tôi tập trung vào thế mạnh tạo ra sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, năm nào cũng có sản phẩm mới bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay của thế giới là dùng sản phẩm an toàn và thân thiện với thiên nhiên”, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Bidrico, cho biết.
Trước khó khăn của ngành, nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị Nhà nước lùi lộ trình sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược thích ứng, kế hoạch cải tiến sản phẩm, thay thế công nghệ cũ.
Nguyễn Mai