Hãy là người đầu tiên thích bài này
VNZ: Bức tranh tài chính ngày càng xuống dốc của kỳ lân VNG

Mảng kinh doanh trò chơi trực tuyến vẫn là gà đẻ trứng vàng cho VNG nhưng không đủ bù đắp các mảng kinh doanh khác. Tập đoàn đã đề ra chiến lược để Zalopay sớm đạt điểm hòa vốn.

Công ty cổ phần VNG được mệnh danh là kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Sau 20 năm hình thành và phát triển, từ quán cà phê Internet, phát hành trò chơi trực tuyến VNG đã mở rộng thành công ty công nghệ đa lĩnh vực với nền tảng tin nhắn (Zalo), ví điện tử (Zalopay), doanh nghiệp số (VNG Digital Business)…

Hiện nay, nằm bắt làn sóng công nghệ mới, công ty đã và đang tập trung đầu tư mạnh mẽ vào AI, xác định trí tuệ nhân tạo là trọng tâm phát triển. Đồng thời, doanh nghiệp kiên định với chiến lược mở rộng quốc tế, trở thành công ty công nghệ toàn cầu xuất phát từ Việt Nam.

VNG cũng được kỳ vọng lớn khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, chính thức công khai, minh bạch thông tin trước công chúng vào năm 2023; lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ. Tuy nhiên, công ty quyết định dời thời điểm IPO tại Mỹ. Mặt khác, nhìn lại bức tranh tài chính của VNG hiện nay đã xuống dốc nhiều so với cuối năm 2021.

Cách đây gần 3 năm, công ty có cơ cấu tài chính hết sức an toàn với 68% tổng tài sản được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ chỉ 358 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu lên đến 6.323,6 tỷ đồng. Nếu không tính lô cổ phiếu quỹ trị giá 1.943 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu lên tới hơn 8.200 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận tích lũy đạt 6.648 tỷ đồng, thặng dư vốn 1.133 tỷ đồng.

Song, tính đến 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn 1.680 tỷ đồng, tức giảm 73,4% sau 2 năm rưỡi. Bên cạnh việc giảm vốn điều lệ xuống 287 tỷ đồng do hủy cổ phiếu quỹ và thặng dư vốn chuyển âm 410 tỷ đồng thì lợi nhuận tích lũy còn 1.402 tỷ đồng giảm 79%.

Ngược lại, VNG tăng đáng kể quy mô nợ phải trả từ 2.914 tỷ đồng cuối 2021 lên 8.446 tỷ đồng cuối quý II năm nay. Trong đó, công ty tăng vay nợ từ 174 tỷ đồng lên hơn 2.000 tỷ đồng, các khoản chi phí phải trả, doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn hay thuế thu nhập hoãn lại phải trả cũng tăng mạnh. Tính đến nửa đầu năm 2024, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của kỳ lân công nghệ là 5 lần và tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 1,19 lần.

Báo cáo soát xét bán niên 2024 cho biết công ty phát sinh khoản lỗ thuần sau thuế trị giá 586 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Ngoài ra, tại ngày 30/6, nợ ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn 1.581 tỷ đồng. Điều kiện này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.

Vẫn còn lỗ

Việc lỗ liên tiếp các năm gần đây đã khiến lợi nhuận tích lũy của VNG dần bị bào mòn. Mặt dù doanh thu vẫn duy trì trên 7.500 tỷ đồng trong 3 năm qua và vượt trội so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, công ty bắt đầu xuất hiện các khoản lỗ sau thuế, từ 71 tỷ năm 2021 lên 1.534 tỷ năm 2022 và 2.317 tỷ đồng năm 2023.

Đến nửa đầu năm, VNG đạt 4.314 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Động lực chính là mảng kinh doanh cốt lõi – trò chơi trực tuyến với doanh thu 3.111 tỷ đồng, tăng 35%; dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet tăng 47% lên 653 tỷ đồng. Song, công ty còn lỗ sau thuế 586 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức 1.205 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

VNG giảm lỗ đáng kể trong nửa đầu năm.

Năm nay, ban lãnh đạo đề ra mục tiêu doanh thu 11.069 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện 2023. Lợi nhuận sau thuế 150 tỷ và phần thuộc về cổ đông công ty mẹ 190 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, công ty thực hiện được 39% mục tiêu doanh thu.

Ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc chia sẻ sẽ là thách thức rất lớn cho đội ngũ VNG trong 6 tháng cuối năm khi phải cùng lúc cân bằng mục tiêu về tài chính với mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp. Dù vậy, người đứng đầu VNG cũng tin rằng đội ngũ VNG sẽ chinh phục thử thách cho một năm VNG 20 tuổi thật đáng nhớ.

Nhìn chung, mảng trò chơi trực tuyến vẫn đang là gà đẻ trứng vàng cho doanh nghiệp. Trong khi đó, VNG còn gánh lỗ lớn ở mảng dịch vụ công nghệ tài chính (Zalopay). Nửa đầu năm, trò chơi trực tuyến là mảng duy nhất mang về lợi nhuận với 659 tỷ đồng, trong khi truyền thông đa phương tiện lỗ 59 tỷ, dịch vụ công nghệ tài chính lỗ 301 tỷ và dịch vụ đầu tư dài hạn khác lỗ 169 tỷ đồng.

Ở mảng trò chơi trực tuyến, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thị trường quốc tế. 6 tháng đầu năm, tổng bookings từ thị trường quốc tế tăng 23% so với cùng kỳ đạt 1.026 tỷ đồng. ZingPlay Game Studios (ZPS) lần đầu xác nhận doanh thu quốc tế mảng Card & Board vượt doanh thu trong nước. 6 tháng cuối năm, ZPS sẽ phát hành hơn 10 tựa game local & casual (game dân gian và giải trí đơn giản) phù hợp với văn hóa từng quốc gia.

Đối với Zalopay, lãnh đạo VNG cho biết đang có các chiến lược để đạt điểm hòa vốn trong thời gian sớm nhất như thúc đẩy tăng trưởng khối lượng thanh toán trên nhiều hình thức khác nhau như thanh toán QR Code, ví điện tử…; mở rộng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới…

Đầu tháng 7, Zalopay đã chính thức chuyển đổi từ ví điện tử thuần túy sang ứng dụng thanh toán mở, chấp nhận nhiều phương thức thanh toán bao gồm ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng, thẻ, Apple Pay và các dịch vụ tài chính riêng của Zalopay như mua trước trả sau.

Link gốc

Bình luận (10)

Quả bóng VNZ bơm giá quá đà giờ đến lúc phát nổ
13:32
 1
Cha này giờ ở nơi đâu ae?
13:34
 1
Nhà Đầu Tư Theo Chu Kỳ ở tù rồi chứ đâu :v
13:46
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long