Tăng trưởng âm liên tục cộng với nắm giữ nhiều tài sản rủi ro đã khiến CTCP Chứng khoán VNDIRECT (HoSE: VND) gặp khó trong bối cảnh cạnh tranh thị phần gay gắt.
Doanh thu và lãi gộp mảng môi giới của VND có xu hướng giảm dần.
Trong quý 3, VND ghi nhận gần 1.270 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ chi phí, Công ty lãi ròng 505 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lãi thấp thứ hai của VND trong 1 năm qua, xếp sau quý 2/2024 do doanh thu từ các mảng tự doanh, cho vay, và môi giới đồng loạt giảm sâu.
Tăng trưởng âm ở mảng tự doanh
Mảng tự doanh vốn là động lực tăng chính cho VND, nhưng đã ghi nhận kết quả sụt giảm mạnh trong quý 3/2024. Cụ thể, doanh thu thuần từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 27% so với cùng kỳ, đạt 678 tỷ đồng, chủ yếu do lãi suất của các tài sản như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp giảm. Trong khi đó, lỗ FVPTL chỉ giảm 8% về dưới 260 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận từ mảng tự doanh của VND còn 409 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối quý 3/2024, danh mục FVTPL có quy mô tính theo giá mua hơn 24.400 tỷ đồng, chiếm 56% tổng tài sản, tăng gần 47% so với đầu năm nay. Danh mục tập trung ở trái phiếuhơn 13.100 tỷ đồng và chứng chỉ tiền gửi hơn 7.900 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu đầu tư có giá trị hơn 3.300 tỷ đồng, trong đó các mã chiếm tỷ trọng lớn nhất là VPB giá gốc hơn 448 tỷ đồng và đang lỗ 2%; HSG (379 tỷ đồng, tạm lãi 16%); C4G (285 tỷ đồng, tạm lỗ 11%); LTG (115 tỷ đồng, tạm lỗ 55%)…
Hiện nay, quy mô danh mục tự doanh của VND đã mở rộng thêm so với quý trước sau khi VND đầu tư thêm 2.100 tỷ đồng vào trái phiếu niêm yết và 2.900 tỷ đồng cho chứng chỉ tiền gửi. Theo các chuyên gia, việc VND đầu tư vào các trái phiếu tiềm ẩn ít rủi ro hơn trước đây do phần lớn là các trái phiếu niêm yết.
Doanh thu mảng môi giới thu hẹp
Trong quý 3/2024, mức giảm mạnh nhất về doanh thu của VND thuộc về mảng môi giới, đạt 167,5 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi chi phí, lợi nhuận từ mảng kinh doanh này chỉ còn 58 tỷ đồng, giảm hơn nửa so với cùng kỳ.
Điều đáng lưu ý, VND thất thu từ môi giới trong bối cảnh doanh nghiệp này mất dần thị phần vào tay các đối thủ. Từ mức đỉnh 8% thị phần vào quý 3/2023, đến quý 3/2024, VND chỉ còn 5,7%, đây là mức thấp nhất trong vòng 8 năm kể từ 2016 và xuống vị trí thứ 6 trong Top 10 thị phần môi giới trên HoSE. Dự báo năm 2024, mảng doanh thu này giảm mạnh, dự kiến còn 720 tỷ đồng.
Nguy cơ bào mòn lợi nhuận
Với mảng cho vay, lãi từ các khoản cho vay và phải thu quý 3 giảm 13% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay của VND tính đến ngày 30/09/2024 gần 10.900 tỷ đồng, tăng 573 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó dư nợ margin hơn 10.400 tỷ đồng.
Với định hướng tập trung vào khách hàng cá nhân, VND tăng vốn để có thể khai thác mảng “cho vay margin". Trong giai đoạn 2024-2026, VND dự định tăng vốn qua 3 đợt phát hành: Phát hành riêng lẻ 268 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp; phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP, và phát hành 15 triệu cổ phiếu thưởng cho nhân viên.
Tuy nhiên, sau sự cố nghiêm trọng với hệ thống giao dịch đầu năm nay, VND đã phải thực hiện các chính sách miễn phí giao dịch và giảm lãi suất cho vay margin. Điều này phần nào đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.
505 tỷ đồng là khoản lãi sau thuế quý 3/2024 của VND, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận (40)